Hợp đồng xây dựng

"Hợp đồng xây dựng" được hiểu như sau:

Hợp đồng giữa bên nhận thầu và bên giao thầu, theo đó, bên nhận thầu có nghĩa vụ thực hiện và bàn giao cho bên giao thầu một phần hoặc toàn bộ công trình xây dựng theo đúng yêu cầu của bên giao thầu trong thời hạn nhất định, còn bên giao thầu có nghĩa vụ giao cho bên nhận thầu các số liệu, tài liệu, yêu cầu về khảo sát, thiết kế, mặt bằng xây dựng, vật liệu xây dựng và vốn đầu tư đúng tiến độ, đồng thời có nghĩa vụ nghiệm thu và thanh toán khi công trình hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ.

Chủ thể của hợp đồng xây dựng gồm bên giao thầu và bên nhận thầu. Bên giao thầu là doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội hay đơn vị vũ trang nhân dân có vốn đầu tư và có nhu cầu xây dựng. Bên nhận thầu là doanh nghiệp xây dựng có đăng ký kinh doanh hành nghề xây dựng và phải đảm bảo năng lực về chuyên môn, kỹ thuật, kinh nghiệm và tài chính.

Hợp đồng thầu xây dựng phải ký kết bằng văn bản với các nội dung như điều khoản định nghĩa, giải thích từ, thuật ngữ được sử dụng trong hợp đồng; điều khoản xác định tài liệu, văn kiện cấu thành hợp đồng, điều khoản đối tượng sản phẩm của hợp đồng, các công việc cụ thể mà các bên phải thực hiện; điều khoản chất lượng; điều khoản giá trị hợp đồng; điều khoản thời gian nghiệm thu, bàn giao, thanh toán...

Hợp đồng xây dựng có nhiều loại. Dựa vào nội dung cụ thể của hợp đồng có hợp đồng khảo sát địa điểm dự kiến xây dựng công trình; hợp đồng lập luận chứng kinh tế - kỹ thuật cho công trình; hợp đồng thiết kế công trình; hợp đồng xây lắp công trình... Dựa vào phương thức thực hiện hợp đồng có hợp đồng trọn gói, hợp đồng chìa khóa trao tay, hợp đồng có điều chỉnh giá.

Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, hợp đồng xây dựng được quy định tại Mục 2 Chương VII  Luật xây dựng năm 2014 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 18 tháng  06  năm 2014.

Xem các thuật ngữ khác: