Ly hôn

"Ly hôn" được hiểu như sau:

Chấm dứt quan hệ vợ chồng do tòa án nhân dân công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng.

Trên quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin về tự do hôn nhân, trong đó có tự do kết hôn và tự do ly hôn, pháp luật của nhà nước ta bảo đảm cho vợ chồng quyền tự do ly hôn. Ly hôn là mặt trái của quan hệ hôn nhân nhưng là mặt không thể thiếu khi quan hệ hôn nhân thực chất đã tan vỡ. Khi quan hệ vợ chồng mâu thuẫn đến mức vợ chồng không thể tiếp tục sống chung thì họ có quyền yêu cầu ly hôn. Quyền yêu cầu ly hôn chỉ thuộc về vợ, chồng. Quan điểm của nhà nước ta là cho phép vợ chồng được tự do ly hôn, nhưng quyền tự do đó được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của Nhà nước và tuân theo các quy định của pháp luật, nhằm tránh hiện tượng vợ chồng lạm dụng gây hậu quả xấu cho gia đình và xã hội, đồng thời, cũng tránh việc giải quyết ly hôn tùy tiện. Tòa án chấp nhận yêu cầu ly hôn của vợ, chồng hoặc công nhận thuận tình ly hôn của vợ chồng phải dựa vào thực chất quan hệ vợ chồng và phải phù hợp với các căn cứ ly hôn mà pháp luật quy định. Khi vợ chồng ly hôn, các quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng về nhân thân và tài sản, quyền và nghĩa vụ giữa vợ, chồng đối với con cái sẽ được giải quyết theo pháp luật. Kể từ ngày bản án cho ly hôn hoặc quyết định công nhận thuận tình ly hôn của tòa án có hiệu lực pháp luật thì quan hệ hôn nhân chấm dứt trước pháp luật.

Ly hôn là giải pháp cho những cặp vợ chồng mà cuộc sống chung của họ đã mất hết ý nghĩa và họ không thể cùng chung sống để xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.

Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, ly hôn được quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 do Quốc hội khóa 13 ban hành ngày 19 tháng 06 năm 2014: “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.”.

Xem các thuật ngữ khác: