Quy phạm pháp luật
"Quy phạm pháp luật" được hiểu như sau:
Quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí và lợi ích của giai cấp cầm quyền trong xã hội, được cơ cấu chặt chẽ để mọi người có thể đối chiếu với hành vi của mình mà có sự xử sự phù hợp trong đời sống.
Về nguyên tắc, mỗi quy phạm pháp luật có ba bộ phận là giả định, quy định và chế tài. Trong đó, 1) Giả định là phần xác định chủ thể tham gia quan hệ pháp luật và những hoàn cảnh, điều kiện mà chủ thể gặp phải trong thực tiễn; 2) Quy định là phần xác định chủ thể phải làm gì khi gặp phải hoàn cảnh, điều kiện đã nêu trong phần giả định (được một quyền, phải làm một nghĩa vụ, phải tránh các xử sự bị cấm); 3) Chế tài là phần nêu rõ biện pháp, hình thức xử lý của nhà nước đối với người đã xử sự không đúng với quy định, hậu quả mà người đó phải gánh chịu. Tuy nhiên, trong thực tiễn xây dựng pháp luật, phần lớn các quy phạm pháp luật được xây dựng từ hai bộ phận là giả định - quy định hoặc giả định - chế tài. Trừ một số quy phạm pháp luật đặc biệt như quy phạm định nghĩa, quy phạm xác định nguyên tắc, còn hầu hết các quy phạm pháp luật đều phải có phần giả định. Bởi nếu không có phần giả định thì không thể xác định được quy phạm pháp luật này áp dụng cho ai, trong trường hợp nào hoặc với điều kiện nào. Các quy phạm pháp luật hiến pháp thông thường chỉ có phần giả định và quy định, còn các quy phạm pháp luật phần riêng của Bộ luật hình sự thường chỉ có phần giả định và chế tài.
Quy phạm pháp luật là đơn vị cấu trúc nhỏ nhất của hệ thống pháp luật.