Thị trường liên quan
"Thị trường liên quan" được hiểu như sau:
Loại thị trường được sử dụng trong Luật cạnh tranh để phân tích, đánh giá tác động, ý nghĩa về mặt cạnh tranh đối với một số hành vi nhất định trong một vụ việc cạnh tranh.
Theo quan niệm phổ biến trong luật cạnh tranh của các nước, thị trường liên quan được cấu thành từ hai yếu tố là thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lí liên quan. Thị trường sản phẩm liên quan là thị trường bao gồm một chuỗi các hàng hoá, dịch vụ (hàng hoá, dịch vụ đang được xem xét trong vụ việc cạnh tranh) được coi là giống nhau đến mức có thể thay thế cho nhau một cách hợp lý. Thị trường địa lí liên quan là toàn bộ khu vực địa lí trong đó các điều kiện cạnh tranh được xem là đồng nhất. Thông qua việc xác định được thị trường liên quan, người ta có thể xác định được những doanh nghiệp nào được coi là đối thủ cạnh tranh (thực tế hoặc tiềm tàng) của nhau trong một vụ việc cạnh tranh. Trong nhiều trường hợp, để xác định được thị trường liên quan, còn tính cả tới các yếu tố về thời gian, thời vụ và chu kỳ kinh doanh của sản phẩm trong đó quá trình cạnh tranh diễn ra.
Ở Việt Nam, thị trường liên quan được hiểu bao gồm thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lí liên quan. Trong đó, thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hoá, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả. Thị trường địa lí liên quan là khu vực địa lý cụ thể trong đó có những hàng hoá, dịch vụ có thể thay thế cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực lân cận (khoản 1 Điều 3 Luật cạnh tranh), với cách hiểu thị trường liên quan này cho thấy pháp luật cạnh tranh Việt Nam có nét tương đồng pháp luật cạnh tranh của cộng đồng châu Âu.
Tuy nhiên, phân biệt khái niệm “thị trường liên quan” được sử dụng trong pháp luật cạnh tranh với khái niệm “thị trường" được sử dụng trong kinh tế học hoặc khái niệm “thị trường chiến lược” được sử dụng trong môn học về quản trị kinh doanh hoặc marketing cho thấy ba khái niệm đều nhắc tới ba thành tố cơ bản của thị trường là: 1) Người bán; 2) Người mua; và 3) Hàng hoá, dịch vụ được mua bán nhưng ý nghĩa pháp lý và thực tế của chúng không giống nhau. Cứ ở đâu có sự tương tác giữa người mua và người bán về việc mua bán một hàng hoá, dịch vụ thì ở đó có “thị trường" theo cách hiểu của kinh tế học. Khác với khái niệm thị trường hàng hoá, dịch vụ trong kinh tế học bao hàm tất cả các thị trường trong đó bất cứ loại hàng hoá, dịch vụ nào (thực phẩm, đồ gia dụng, ô tô hay máy móc, thiết bị) được mang ra mua bán, thị trường liên quan tuy cũng là một loại thị trường nhưng đây là khái niệm pháp lý để chỉ một thị trường có giới hạn cụ thể (về hàng hoá, về khu vực địa lý, về quãng thời gian xem xét) trong đó tiêu chí, cách thức xác định được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật về cạnh tranh. Còn thị trường chiến lược là thứ thị trường mà các doanh nghiệp hay quan tâm, hướng tới nhằm chiếm lĩnh trong chiến lược marketing của mình và tùy thuộc vào quan niệm, chiến lược của chính mỗi doanh nghiệp. Vì lý do này thị trường chiến lược của mỗi doanh nghiệp không nhất thiết trùng hợp với thị trường liên quan trong vụ việc cạnh tranh có liên quan đến doanh nghiệp ấy.
Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, thị trường liên quan được quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật cạnh tranh năm 2010 do Quốc hội khóa 14 ban hành ngày 12 tháng 6 năm 2018: “Thị trường liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả trong khu vực địa lý cụ thể có các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận.”