Thời giờ làm việc
"Thời giờ làm việc" được hiểu như sau:
Thời gian người lao động phải sử dụng cho công việc, do người sử dụng lao động quy định, phù hợp với quy định chung của pháp luật và các thỏa thuận trong hợp đồng, thoả ước lao động đã ký kết.
Trên thế giới, khi năng suất lao động còn thấp, kéo dài thời gian làm việc là biện pháp để chủ tư bản bóc lột sức lao động. Cuộc biểu tình lớn tại Chicago (Mỹ) ngày 01.5.1886 của giai cấp công nhân đã buộc nhà nước tư sản phải thực hiện ngày làm việc 8 giờ. Mức này cũng đã được ghi vào Hiến chương của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) và tổ chức này cũng có nhiều công ước về thời giờ làm việc, giảm thời giờ làm việc...
Ở Việt Nam, chế độ ngày làm việc 8 giờ được Nhà nước ghi nhận từ sau Cách mạng tháng Tám (Sắc lệnh số 29/SL năm 1947). Trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, định mức về thời giờ làm việc do Nhà nước quy định cụ thể. Hiện nay, Nhà nước chỉ định khung tối đa về thời giờ làm việc để khuyến khích những thỏa thuận giảm thời giờ làm việc cho người lao động. Thời giờ làm việc được tính hằng độ dài của ngày, tuần làm việc, tối đa không quá 8 giờ/ngày hoặc 48 giờ/tuần. Mức này được rút ngắn từ một đến hai giờ đối với các lao động làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc cho một số lao động đặc thù (lao động trẻ em, lao động tàn tật, lao động nữ trong những thời kỳ đặc biệt...).
Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận làm thêm giờ nhưng không được quá bốn giờ trong một ngày, 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ trong một năm do Chính phủ quy định sau khi tham khảo ý kiến của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và đại diện của người sử dụng lao động.
Thời giờ làm việc ban đêm tính từ 22 giờ đến 6 giờ hoặc từ 21 giờ đến 5 giờ, tuỳ theo vùng khí hậu do Chính phủ quy định.