Thư tín dụng
"Thư tín dụng" được hiểu như sau:
1. Hình thức thanh toán được thực hiện từ khoản tiền do người có nghĩa vụ chi trả (bên mua) lưu ký trước ở trung gian thanh toán để trả cho bên thụ hưởng (bên bán) theo các phương thức thanh toán và điều kiện ghi trong văn bản do người có nghĩa vụ chi trả lập.
Thanh toán bằng thư tín dụng được dùng để thanh toán tiền hàng trong điều kiện bên bán hàng đòi hỏi phải có đủ tiền để chi trả ngay và phù hợp với tổng số tiền hàng đã giao theo hợp đồng hoặc đơn đặt hàng đã ký.
Việc người có nghĩa vụ chi trả (bên mua) lập văn bản yêu cầu tổ chức quản lý tài khoản của mình trích tài khoản tiền gửi hoặc gửi tiền ở tổ chức quản lý tài khoản để thanh toán cho bên bán gọi là mở thư tín dụng. Văn bản ghi nhận yêu cầu của bên mua gọi là giấy mở thư tín dụng. Mỗi thư tín dụng chỉ được dùng để trả cho một bên thụ hưởng với tổng số tiền thanh toán được xác định trước. Khi mở thư tín dụng, người mua phải lưu ký hoặc được ngân hàng bảo lãnh cho vay một số tiền bằng số tiền mở thẻ tín dụng để bảo đảm trả tiền cho người bán. Thư tín dụng hình thành trên cơ sở và để thực hiện hợp đồng mua bán, nhưng hoàn toàn độc lập với hợp đồng mua bán.
Thư tín dụng là phương tiện quan trọng về phương thức tín dụng chứng từ. Đây là hình thức thanh toán quốc tế áp dụng phổ biến trong các quyền hạn ngoại thương.
2. (Letter of credit – L/C) Văn bản cam kết, theo đó, ngân hàng phục vụ người nhập khẩu (người mua) cam kết trả tiền cho người xuất khẩu (người hưởng thanh toán) để người xuất khẩu giao hàng cho người nhập khẩu và nhận tiền thành toán theo các điều kiện của L/C. Thanh toán theo thư tín dụng (L/C) là hình thức thanh toán được áp dụng rộng rãi trong quan hệ thương mại quốc tế, mang các đặc tính của hình thức cấp tín dụng (bảo lãnh ngân hàng). So với phương thức thanh toán bằng thư tín dụng .qua trung gian thanh toán đối với các chủ thể trong nước, thanh toán theo thư tín dụng trong quan hệ thương mại quốc tế phức tạp hơn về cơ cấu chủ thể và nội dung quan hệ.
Trong quan hệ thanh toán bằng L/C có các chủ thể sau: 1) Người nhập khẩu: Người yêu cầu ngân hàng phục vụ mình mở L/C và có nghĩa vụ hoàn trả tiền cho ngân hàng mở L/C sau khi ngân hàng mở L/C đã thanh toán cho người xuất khẩu theo đúng điều kiện của L/C ; 2) Ngân hàng mở L/C : người lập L/C , trả tiền cho người xuất khẩu và là chủ nợ của người nhập khẩu sau khi đã thanh toán cho người xuất khẩu; 3) Chi nhánh hoặc đại lý của ngân hàng mở L/C :Người có trách nhiệm chuyển giao bản gốc L/C cho người xuất khẩu để người xuất khẩu giao hàng cho người nhập khẩu đồng thời là người tiếp nhận hồ sơ thanh toán do người xuất khẩu nộp để ngân ngân hàng L/C xem xét và thanh toán cho người xuất khẩu nếu phù hợp với điều kiện của L/C ; 4) Người xuất khẩu: người thụ hưởng số tiến thanh toán từ L/C . Người xuất khẩu có quyền từ chối việc giao hàng hóa nếu nội dung L/C không phù hợp với hợp đồng. Người nhập khẩu, ngân hàng mở L/C có quyền từ chối thanh toán nếu yêu cầu thanh toán không phù hợp với L/C.