THƯƠNG PHIẾU
"Thương phiếu" được hiểu như sau:
Chứng chỉ dùng trong thương mại ghi nhận yêu cầu hoặc cam kết thanh toán không điều kiện số tiền xác định trong thời gian nhất định và được chuyển nhượng.
Thương phiếu sử dụng trong quan hệ mua bán chịu hàng hoá, dịch vụ (tín dụng thương mại) và có giá trị thể hiện ở số tiền ghi trên thương phiếu. Giá của thương phiếu trong chiết khấu được xác định trên cơ sở số tiền ghi trong thương phiếu. Ví dụ: Ngân hàng mua thương phiếu sẽ xác định giá mua là giá ghi trên thương phiếu trừ đi lãi chiết khấu, đến hạn thanh toán, số tiền thanh toán thu được sẽ là số tiền ghi trên thương phiếu (Xt. Chiết khấu).
Căn cứ vào người lập thương phiếu, pháp luật phân định thương phiếu gồm hai loại: hối phiếu và lệnh phiếu. Thông thường, quan hệ thương phiếu gồm có các loại chủ thể: 1) Người lập thương phiếu dưới hình thức phát hành hối phiếu gọi là ký phát. Người lập thương phiếu dưới hình thức lệnh phiếu gọi là người phát hành; 2) Người có trách nhiệm thanh toán số tiền ghi trên thương phiếu là người thụ trái. Người thụ trái trong quan hệ hối phiếu gọi là người bị ký phát. Người thụ trái trong quan hệ lệnh phiếu là người cam kết trả khoản tiền ghi trên thương phiếu; 3) Người thụ hưởng là người có quyền nhận khoản tiền thanh toán ghi trên thương phiếu. Thương phiếu là loại chứng chỉ có giá và có thể chuyển nhượng. Do có khả năng chuyển nhượng nên người thụ hưởng có thể là người bán chịu hàng hoá hoặc người bất kỳ sở hữu thương phiếu.
Trong cơ chế kế hoạch hoá tập trung ở Việt Nam, Nhà nước không cho phép các đơn vị kinh tế mua bán chịu (tín dụng thương mại) nên thương phiếu không được sử dụng trong các quan hệ kinh doanh.
Luật thương mại được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khoá IX, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 10.5.1997, là văn bản pháp luật đầu tiên có các quy định về thương phiếu (Điều 219, 220 và 221), tạo cơ sở cho việc xây dựng pháp luật điều chỉnh quan hệ phát hành, chuyển nhượng, thanh toán, giải quyết tranh chấp về thương phiếu.
Để đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay, ngày 14.6.2005 Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khoá XI kỳ họp thứ 7 đã thông qua Luật thương mại năm 2005. Luật gồm 9 chương, có 324 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01.01.2006.