Tổ chức nước ngoài
"Tổ chức nước ngoài" được hiểu như sau:
Tổ chức được thành lập theo pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật quốc tế.
Dấu hiệu cơ bản nhất để nhận diện tổ chức nước ngoài là vấn đề quốc tịch. Tuy nhiên, trong thực tế không phải mọi tổ chức nước ngoài đều được xác định dựa vào tiêu chí quốc tịch, bởi lẽ có những tổ chức nước ngoài hoàn toàn không có quốc tịch hoặc không thể xác định được quốc tịch nhưng không vì thế mà chúng không phải là tổ chức nước ngoài. Ví dụ: điển hình cho trường hợp này là các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF)...
Không giống như các thể nhân, việc xác định quốc tịch của một tổ chức nói chung và tổ chức tế “đã từng có bốn quan điểm khác nhau về tiêu chí xác định quốc tịch của một tổ chức trong đó bao gồm cả tổ chức nước ngoài: thứ nhất, quốc tịch của một tổ chức được xác định theo nơi đặt trụ sở giao dịch chính của tổ chức đó. Nghĩa là, tổ chức có trụ trở giao dịch chính ở nước nào thì nó mang quốc tịch của nước đó. Quan điểm này đã từng được chấp nhận tại hầu hết các nước châu Âu lục địa như Pháp, Italia, Thuỵ Sĩ...; thứ hai, quốc tịch của tổ chức phải được xác định theo nơi mà pháp nhân được thành lập hay đăng ký điều lệ. Quan điểm này được chấp nhận rộng rãi ở các nước theo truyền thống pháp luật chung (thông luật) như Anh, Mĩ...; thứ ba, quốc tịch của tổ chức phải được xác định dựa vào nơi mà tổ chức có hoạt động chính. Quan điểm này được chấp nhận ở một vài nước thuộc khu vực Arập như Siry, Ai Cập... Trên thực tế, quan điểm này cũng đã từng được án lệ Pháp sử dụng làm tiêu chuẩn để xác định quốc tịch của các công ty nước ngoài có hoạt động kinh doanh tại Pháp. Ví dụ: Cass, 12.5.1931, S. 1932,11, 53; thứ tư, quốc tịch của tổ chức phải được xác định dựa vào quốc tịch của các thành viên tổ chức hay của những người có quyền điều khiển tổ chức. Quan điểm này hiện nay ít được chấp nhận nhưng trên thực tế nó cũng đã từng được chấp nhận tại Pháp trong thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ nhất và thứ hai và được thể hiện trong một số án lệ của Pháp. Ví dụ: Cass, 27.5.1921, G.P. 1921, 11, 206.
Trong pháp luật Việt Nam, tuy không có điều luật nào quy định rõ về nguyên tắc xác định quốc tịch của tổ chức nhưng nhà làm luật có xu hướng chấp nhận nguyên tắc xác định quốc tịch của tổ chức theo tiêu chí nơi tổ chức được thành lập.
Về bản chất, khái niệm “tổ chức nước ngoài” phản ánh mối quan hệ pháp lý giữa một tổ chức với một quốc gia cụ thể và tình trạng pháp lý của quan hệ này là tổ chức đó không có quan hệ quốc tịch với quốc gia mà nó đang quan hệ. Do có sự khác nhau như trên trong quan niệm của các quốc gia về tiêu chí xác định quốc tịch của tổ chức nên muốn biết một tổ chức nào đó có phải là tổ chức nước ngoài hay không, cần phải gắn với một quốc gia cụ thể và phải xuất phát từ quan niệm của quốc gia đó về vấn đề quốc tịch tổ chức để xác định. Chẳng hạn, muốn xác định một công ty đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam có phải là tổ chức nước ngoài hay không thực chất là xác định xem công ty này có mối quan hệ về quốc tịch với Nhà nước Việt Nam hay không. Để xác định điều này cần phải xuất phát từ quan điểm của pháp luật Việt Nam về tiêu chi xác định quốc tịch của tổ chức, chứ không phải xuất phát từ quan điểm của pháp luật các nước khác về vấn đề quốc tịch.
Khi một tổ chức nào đó hoạt động với tư cách là tổ chức nước ngoài tại một hay nhiều nước khác, tổ chức này sẽ được hưởng quy chế pháp lý dân sự do pháp luật nước sở tại quy định dành cho các tổ chức nước ngoài trên lãnh thổ nước đó. Quy chế này bao gồm các quyền, nghĩa vụ pháp lý trong các lĩnh vực khác nhau mà nước sở tại có thể dành cho các tổ chức nước ngoài. Ví dụ: quyền, nghĩa vụ trong lĩnh vực kinh doanh; quyền và nghĩa vụ trong lĩnh vực văn hoá, thông tin, thể thao; quyền và nghĩa vụ trong lĩnh vực đầu tư tài chính hay đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng ở nước sở tại... Các quyền nghĩa vụ này thường được quy định trong những văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành như luật thương mại, luật đầu tư, luật ngân hàng, luật đất đai, luật chứng khoán, luật bảo hiểm, luật môi trường, luật cạnh tranh và kiểm soát độc quyền...