Ngày đăng: 26/08/2021 lúc 21:49:04

Thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 mà việc sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, có doanh nghiệp phải tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất dẫn đến có những lao động phải ngừng việc. Vậy khi ngừng việc liên quan đến dịch Covid -19, người lao động được trả lương như thế nào?

Ngày 25/3/2020, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ra Công văn số 1064/LĐTBXH-QHLĐTL hướng dẫn trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch Covid-19.

Với trường hợp người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid thì tiền lương ngừng việc thực hiện theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động 2019, tiền lương do hai bên thỏa thuận nhưng phải đảm bảo:

  • Ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống: tiền lương ngừng việc không thấp hơn mức lương tối thiểu;
  • Ngừng việc trên 14 ngày làm việc: tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng tại năm 2021 đang áp dụng theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP như sau:

  • Mức 4.420.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp thuộc vùng I.
  • Mức 3.920.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp thuộc vùng II.
  • Mức 3.430.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp thuộc vùng III.
  • Mức 3.070.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp thuộc vùng IV.

. Theo Mục 2 Công văn 264/QHLĐTL-TL người lao động nghỉ làm do chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19 được hưởng lương ngừng việc, bao gồm:

  • Người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
  • Người lao động phải ngừng việc do nơi làm việc hoặc nơi cư trú bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
  • Người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
  • Người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những người lao động khác cùng doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa quay trở lại doanh nghiệp làm việc. 

Nếu thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 30 Bộ luật Lao động 2019.

Nếu doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới giảm chỗ làm việc thì thực hiện sắp xếp lao động theo Điều 36 hoặc Điều 42 Bộ luật Lao động 2019

Với những trường hợp phát sinh khác thì Sở Lao động Thương binh và Xã hội căn cứ từng nội dung và trường hợp cụ thể để giải quyết theo đúng quy định.

Để tham khảo các bài viết hữu ích, vui lòng truy cập vào website www.hethongphapluat.vn

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam