Trách nhiệm pháp lý khi va chạm giao thông gây thiệt hại chết người nhưng do lỗi của bị hại

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL41324

Câu hỏi:

Chào anh/chị Công ty luật Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam em có một số câu hỏi nhờ anh chị giúp đỡ. Vụ việc tai nạn như thế này: Vào khoảng 18h ngay/thang/năm 2016 Mẹ em đi công việc từ thị trấn về nhà khi về đến gần nhà thì va chạm với người cùng xóm tên H đi với hướng ngược lại. Người kia đang trong tình trạng say rươu bia, xe không đèn chiếu sáng. Sau cú va chạm mạnh khiến đầu xe của mẹ em quay ngược hướng ( cùng hướng với anh H lúc đầu) và nằm giữa đường. Sau va chạm cả hai mẹ e bị đa chấn thương còn anh H được đưa đến bệnh viện nhưng tử vong sau đó. Giải quyết hiện trường có công an xã và đại diện hai bên gia đinh không báo cho lưc lượng công an giao thông cấp huyện. Đại diện 2 bên liên quan viết giấy cam kết tự thỏa thuân.Trong biên bản thỏa thuận có công an xã xác nhận đại diện gia đình anh H đã nhận phần lỗi đi sai đường và các lỗi khác dẫn đến tai nạn, còn phía gia đình em cam kết tự chịu chi phí khám chữa bệnh và hỗ trợ tiền mai táng cho gia đình anh H. Cho em hỏi: 1/ Trong trường hợp này mẹ em có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Nếu có thì thuộc khung hình phạt nào? 2/ Nếu để chấm dứt khiếu kiện sau này thì đại diện 2 bên gia đình cần viết những giấy tờ, thủ tục, cam kết gì? Theo mẫu có sẳn hay viết tay? có cần xác nhận của công an xã / phường không? 3/ Nếu gia đình Anh H không khiếu kiện thì công an Xã có quyền truy tố không? Và trách nhiệm bênh gia đình em hỗ trợ cho gia đình anhH bao nhiêu là phù hợp? Nhờ anh chị phản hồi sớm, Xin chân thành cảm ơn các anh chị công ty Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam!

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Căn cứ Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”

Theo quy định trên, người nào có lỗi trong việc gây ra thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác thì phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại.

Theo như bạn trình bày, mẹ bạn và anh H đi ngược hướng có xảy ra va chạm, mẹ bạn bị đa chấn thương còn anh H đã tử vong sau đó. Đại diện hai bên đã viết giấy cam kết tự thỏa thuận và có công an xã xác nhận. Gia đình anh H đã nhận phần lỗi đi sai đường và các lỗi khác nên dẫn đến gây tai nạn giao thông.

Gia đình bạn đã cam kết chịu chi phí khám chữa bệnh, hỗ trợ mai táng cho gia đình anh H. Như vậy, nếu lỗi gây tai nạn giao thông xuất phát từ anh H thì gia đình bạn không phải bồi thường thiệt hại. Còn nếu lỗi gây tai nạn xuất phát từ hai bên thì được xác định là lỗi hỗn hợp nên mẹ bạn sẽ phải bồi thường thiệt hại theo mức độ lỗi mà mẹ bạn vi phạm.  Tuy nhiên, gia đình bạn đã viết giấy cam kết chịu bồi thường thiệt hại cho gia đình anh H nên gia đình bạn sẽ phải bồi thường căn cứ Điều 591 Bộ luật dân sự 2015 quy định thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm như sau:

“1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

Việc hai gia đình viết giấy cam kết thỏa thuận có xác nhận của công an xã là cơ sở để xác định bên gia đình anh H đã thừa nhận lỗi xuất phát từ anh H, là nguyên nhân gây tai nạn giao thông. Và là cơ sở xác định gia đình bạn đã chấp nhận bồi thường thiệt hại. Văn bản thỏa thuận này là cơ sở để giải quyết trách nhiệm nếu không tự thực hiện đúng theo thỏa thuận của mình. Văn bản thỏa thuận có thể do hai bên tự viết dựa trên ý chí tự nguyên của hai bên và công an xã ký xác nhận được coi là người làm chứng. Do vậy, văn bản này không có giá trị ràng buộc gia đình anh H không có quyền làm đơn khởi kiện mẹ bạn, gia đình H hoàn toàn có quyền trình báo sự việc ra cơ quan công an cấp quận/huyện nơi xảy ra tai nạn hoặc gia đình anh H hoàn toàn có thể làm đơn khởi kiện mẹ bạn ra Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi mẹ bạn cư trú để yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại.

Căn cứ Điều 202 Bộ luật hình sự 1999 quy định tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như sau:

“1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến năm năm.

 2. Phạm tội  thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;

b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; 

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn  giao thông;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

* Các yếu tố cấu thành: 

– Chủ thể: Chỉ những người điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ mới là chủ thể của tội phạm này.
Người điều khiển phương tiện giao thông cũng là người tham gia giao thông, nhưng người tham gia giao thông thì có thể không phải là người điều khiển phương tiện giao thông. Đây cũng là dấu hiệu phân biệt tội phạm này với các tội vi phạm an toàn giao thông khác.

Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông gồm người điều khiển xe cơ giới, xe thô sơ, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.

Người tham gia giao thông đường bộ gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật và người đi bộ trên đường bộ.

Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, vì tội phạm này là tội phạm được thực hiện do vô ý và không có trường hợp nào là tội đặc biệt nghiêm trọng.

– Khách thể của tội phạm:

Là trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Đối tượng tác động của tội phạm này là phương tiện giao thông đường bộ bao gồm: xe cơ giới, xe thô sơ, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.

– Mặt chủ quan của tội phạm:

Người phạm tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ thực hiện hành vi là do vô ý (vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý vì cẩu thả).

Vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả  nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xẩy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

Vô ý vì cẩu thả là trường hợp người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

– Mặt khách quan của tội phạm:

Người phạm tội này đã có hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như sau:

Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định.

Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác.

Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn 

Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn  giao thông.

Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

– Hậu quả của tội phạm:

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.

Thiệt hại cho tính mạng là làm người khác bị chết;

Thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ hoặc tài sản của người khác coi là làm cho người khác bị thương nặng hoặc làm cho tài sản của người khác bị mất mát hư hỏng nặng.

Nếu hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà chưa gây ra thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 điều Điều 202 Bộ luật hình sự.

Theo đó, nếu mẹ bạn đáp ứng đủ các yếu tố cấu thành nêu trên thì mẹ bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 202 Bộ luật hình sự 1999 nêu trên. 

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.