Tranh chấp nuôi con khi ly hôn?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL35461

Câu hỏi:

Gửi luật sư ! Chị gái em và anh rể em kết hôn năm 2011, đến cuối năm 2014 thì sinh được 03 bé trai (sinh ba). Chị gái em và anh rể đều không có việc làm ổn định, tất cả dựa vào ông bà nội của 3 cháu. Chị gái trước kia có làm kế toán nhưng sau khi sinh 3 thì nghỉ làm để ở nhà chăm con, chị có buôn bán thêm để lo tiền sữa nhưng hầu hết mọi chi phí đều do ông bà nội chu cấp, anh rể em không hề có trách nhiệm gì với vợ và con, mà còn ra ngoài gây nợ về nhà bắt ông bà nội của 3 cháu và chị gái em phải trả nợ. Nay anh rể em đòi ly hôn với lý do 'không thể sống như thế này được nữa'. Luật sư cho em hỏi nếu chị em đồng ý ly hôn với điều kiện anh rể em phải ký vào bản cam kết quyền nuôi 02 đứa con thuộc về chị gái em thì bản cam kết đó có hiệu lực trước tòa án khi tranh chấp xảy ra và bản cam kết có cần phải công chứng chứng thực không? Và có cách nào giải quyết để chị gái em được nhận nuôi cả 03 đứa (với sự trợ giúp tài chính từ nhà bà ngoại hay không)? Rất mong được Qúy luật sư giải đáp Xin chân thành cảm ơn?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Điều 51 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:

"1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi."

Từ đó, anh rể bạn có quyền đơn phương ly hôn với chị bạn mà không cần chị gái bạn đồng ý ký hay không. Và chị bạn cũng có quyền làm đơn ly hôn. Ngoài ra, về văn bản cam kết quyền nuôi con của chị bạn và anh rể bạn thì đây được xem là văn bản thỏa thuận về quyền nuôi con.  Theo quy định pháp luật cũng không có quy định là văn bản thỏa thuận quyền nuôi con khi chưa ly hôn. 

>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 024.6294.9155

Về quyền nuôi con khi ly hôn thì theo Điều 81 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn:

"1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con."

Bạn nêu, chị bạn sinh con vào cuối năm 2014. Tính đến 2017, thì con của chị bạn chưa được 36 tháng tuổi. Do đó, về nguyên tắc con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi. Tuy nhiên, hiện tại trong trường hợp chị bạn không có nguồn thu nhập ổn định, không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, nuôi dưỡng, giáo dục con thì anh rể bạn có quyền nuôi con nếu anh rể bạn đảm bảo được quyền lợi cho con. Điều này có nghĩa là nếu chị gái bạn muốn dành quyền nuôi 3 đứa thì chị bạn phải chứng minh mình có nguồn tài chính ổn định để có thể đảm bảo được cuộc sống của 3 đứa con. Sau khi ly hôn, anh rể bạn dù không nuôi con nhưng vẫn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con, có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi, có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở quy định tại Điều 82 Luật hôn nhân gia đình 2014.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.