Trợ cấp khi công ty cắt giảm lao động do thay đổi cơ cấu
Ngày gửi: 05/08/2018 lúc 11:31:12
Câu hỏi:
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
1. Căn cứ pháp lý
Bộ luật lao động năm 2012
Nghị định 05/2015/NĐ – CP ngày 12 tháng 01 năm 2015
2. Nội dung tư vấn
Dựa trên thông tin bạn cung cấp thì, vào năm 2016, do thay đổi cơ cấu sản xuất nên Công ty giảm bớt lao động. Để xác định về việc nhận trợ cấp mất việc làm của bạn cần xem phương diện sau:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Bộ luật lao động năm 2012 thì:
“Điều 44. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế
1. Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.
Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.
…”
Trong đó việc thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại Điều 44 Bộ luật lao động năm 2012 được hướng dẫn cụ thể theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 05/2015/NĐ – CP, bao gồm các trường hợp: thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động; thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm; thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất kinh doanh của người sử dụng lao động.
Trường hợp công ty bạn vì thay đổi cơ cấu, công nghệ mà buộc phải cắt giảm lao động, ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người mà Công ty đã thực hiện phương án sử dụng lao động nhưng vẫn không thể giải quyết được việc làm mới cho người lao động, buộc phải cho người lao động thôi việc thì trường hợp này, công ty phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động nghỉ việc này theo quy định của pháp luật.
Theo đó, về trợ cấp mất việc làm, theo quy định tại Điều 49 Bộ luật lao động năm 2012 thì đối với những người lao động đã làm việc thường xuyên từ 12 tháng trở lên cho người sử dụng lao động mà bị mất việc làm do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế; hoặc do sát nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động này. Mức chi trả trợ cấp mất việc làm được xác định mỗi năm làm việc được trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm.
Trong đó, thời gian làm việc dùng để tính trợ cấp mất việc làm được xác định theo quy định tại Nghị định 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ, theo đó:
“Điều 14. Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm
…
2. Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật Lao động cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên bị mất việc làm do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã quy định tại Khoản 10 Điều 36, Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật Lao động.3. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. Trong đó:
a) Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian thử việc, học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ hằng tuần theo Điều 110, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo các Điều 111, Điều 112, Điều 115 và Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật Lao động; thời gian nghỉ để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc và thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội;
b) Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Thời gian người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian người sử dụng lao động đã chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật;
c) Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng), trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 06 tháng trở lên được tính bằng 01 năm làm việc.
4. Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm trong một số trường hợp đặc biệt được quy định như sau:
a) Trường hợp người lao động có thời gian làm việc thực tế cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên mất việc làm nhưng thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm ít hơn 18 tháng thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động ít nhất bằng 02 tháng tiền lương;
b) Trường hợp sau khi sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã mà người lao động chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm đối với thời gian người lao động đã làm việc cho mình và thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động trước khi sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.
…”
Xem xét trong trường hợp cụ thể của bạn, bạn làm việc cho Công ty này là từ năm 2005, đến năm 2016 do thay đổi cơ cấu sản xuất nên công ty giảm bớt lao động. Trong khoảng thời gian này thì từ năm 2005 đến năm 2008, bạn đã được chi trả trợ cấp thôi việc. Còn từ năm 2009 đến nay bạn được công ty tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Có thể thấy, bạn đã làm việc cho công ty này từ năm 2005 đến nay, và buộc phải nghỉ việc do thay đổi cơ cấu công nghệ. Do vậy căn cứ theo quy định tại Điều 44, Điều 49 Bộ luật lao động năm 2012, bạn thuộc trường hợp được hưởng trợ cấp mất việc làm. Mỗi năm làm việc được trả 01 tháng tiền lương.
Trong trường hợp của bạn, căn cứ theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ – CP được trích ở trên thì thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm cho bạn được xác định bằng tổng thời gian bạn làm việc thực tế cho Công ty trừ đi thời gian bạn tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian công ty đã chi trả trợ cấp thôi việc cho bạn. Cụ thể:
Thời gian tính trợ cấp mất việc làm cho bạn = (Tổng thời gian làm việc thực tế từ năm 2005 đến thời điểm bạn nghỉ việc) – (trừ đi) (khoảng thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ 2009 đến thời điểm nghỉ việc) – (thời gian 2005 đến 2008 đã được thanh toán trợ cấp thôi việc).
Trong đó, thời gian làm việc thực tế được xác định bao gồm thời gian bạn làm việc cho công ty, thời gian thử việc, học nghề, tập nghề, được cử đi học, hay nghỉ hưởng chế độ của bảo hiểm xã hội (như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động…), thời gian nghỉ việc hưởng nguyên lương, nghỉ hàng tuần, nghỉ hoạt động công đoàn, ngừng việc theo quy định của pháp luật, thời gian tạm đình chỉ công việc…
Do trong thông tin bạn không nói rõ, ngoài thời gian từ năm 2009 đến khi nghỉ việc được đóng bảo hiểm thất nghiệp, và thời gian từ năm 2005 đến năm 2008 đã được thanh toán trợ cấp thôi việc, thì trong suốt quá trình bạn làm việc cho người lao động có thời gian thử việc, nghỉ không lương hay hưởng chế độ bảo hiểm xã hội… hay không. Do vậy bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế và quy định tại Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ – CP để có thể xác định cụ thể.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm của bạn được tính theo năm (đủ 12 tháng). Trường hợp thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm của bạn mà có tháng lẻ từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính là nửa (1/2) năm; từ đủ 06 tháng trở lên được tính là 01 năm. Trường hợp sau khi xác định, thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm của bạn ít hơn 18 tháng thì bạn vẫn được chi trả trợ cấp mất việc làm với mức ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.
Tiền lương để chi trả trợ cấp mất việc làm được xác định là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước thời điểm bạn bị mất việc làm.
Như vậy, trên cơ sở phân tích ở trên, bạn đã làm việc cho Công ty từ năm 2005 đến nay nên khi bạn nghỉ việc do công ty thay đổi cơ cấu, công nghệ thì bạn sẽ thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp mất việc làm. Thời gian tính trợ cấp mất việc làm cho bạn được xác định dựa trên tình hình thực tế của bạn và quy định của pháp luật tại Điều 44, Điều 49 Bộ luật lao động năm 2012, Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ – CP và với mỗi năm làm việc, bạn được chi trả 01 tháng tiền lương. Trường hợp, thời gian tính trợ cấp mất việc làm của bạn được xác định ít hơn 18 tháng thì bạn vẫn được chi trả trợ cấp mất việc làm với mức ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam