Tự ý đăng thông tin cá nhân của người khác lên mạng xã hội bị xử lý thế nào?
Ngày gửi: 28/07/2018 lúc 11:31:12
Câu hỏi:
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
1. Căn cứ pháp lý
Bộ luật hình sự năm 2015
2. Nội dung tư vấn
Dựa theo thông tin bạn cung cấp thì gia đình bạn có người quen bên gia đình chồng bạn vay tiền của ngân hàng không trả. Khi người này vay tiền thì ngân hàng không liên lạc gì với bạn nhưng khi người đó không trả được tiền thì phía bên ngân hàng nhắn tin cho bạn bè của bạn với nội dung tin nhắn khẳng định bạn và người ấy lừa đảo, cung cấp số chứng minh và số điện thoại của bạn cho người khác.
Có thể thấy, trong quan hệ với ngân hàng – nơi người quen của bạn vay nợ tiền thì bạn không phải là bên vay vốn, cũng không phải là người bảo lãnh hay người được chuyển giao nghĩa vụ trả nợ từ người quen của bạn. Trường hợp này, bạn không phải là người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến khoản vay với ngân hàng. Do vậy, việc nhân viên ngân hàng gửi tin nhắn đến những người thân, bạn bè của bạn với nội dung khẳng định bạn là đối tượng lừa đảo, kèm theo số chứng minh nhân dân và số điện thoại của bạn là không có cơ sở, không có căn cứ xác thực. Những thông tin người này gửi đến bạn bè của bạn là những thông tin gian dối, không đúng thực tế, và bản thân họ biết rõ là không đúng sự thật vì bạn hoàn toàn không có liên quan trong việc vay vốn với ngân hàng. Việc cung cấp những thông tin không đúng sự thật này đến bạn bè, người thân của bạn đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của bạn.
Căn cứ theo quy định tại Điều 34 Bộ luật dân sự năm 2015 thì danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình, yêu cầu người thực hiện hành vi này phải gỡ bỏ, cải chính thông tin, xin lỗi công khai và bồi thường theo quy định của pháp luật.
Đồng thời việc cung cấp số chứng minh nhân dân, số điện thoại cá nhân của bạn – những thông tin cá nhân, bí mật cá nhân của bạn được xác định là việc đang xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của bạn theo quy định tại Điều 38 Bộ luật dân sự năm 2015. Cụ thể theo quy định tại Điều 38 Bộ luật dân sự năm 2015 đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, sử dụng, công khai thông tin tin liên quan đến bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý. Do vậy, việc bên nhân viên ngân hàng thực hiện hành vi cung cấp chứng minh nhân dân, và số điện thoại của bạn cho người khác với nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bạn mà không được bạn đồng ý là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quyền về bí mật cá nhân quy định tại Điều 38 Bộ luật dân sự năm 2015.
Trường hợp, người nào có hành vi sử dụng trái phép thông tin cá nhân và loan truyền những thông tin sai sự thật để xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác thì có thể bị truy cứ trách nhiệm hình sự về hành vi vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015. Cụ thể:
“Điều 156. Tội vu khống
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
đ) Đối với người đang thi hành công vụ;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
….”
Xem xét trường hợp của bạn, người nhân viên ngân hàng này đã đưa ra những thông tin mà họ biết rõ là không đúng với sự thật về bạn thông qua việc gửi tin nhắn để loan truyền những thông tin này cho những người bạn bè, người thân của bạn. Họ khẳng định bạn là đối tượng lừa đảo trong khi không có bất cứ căn cứ hay cơ sở nào, mà chỉ dựa trên nhận định riêng của họ chứ không có quyết định hay căn cứ nào của cơ quan có thẩm quyền (như Tòa án hoặc cơ quan công an…). Thông tin này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của bạn. Trường hợp này bạn hoàn toàn có thể tố cáo hành vi của người này lên cơ quan công an để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Từ những phân tích nêu trên, trong trường hợp của bạn, với hành vi của nhân viên ngân hàng thực hiện việc cung cấp những thông tin sai sự thật khẳng định bạn lừa đảo để xúc phạm đến danh dự nhân phẩm của bạn thì người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015. Bạn hoàn toàn có quyền trình báo, hoặc tố cáo hành vi của người sử dụng số điện thoại đó lên cơ quan công an để được bảo vệ quyền lợi. Trường hợp chưa đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự thì với những chứng cứ mà bạn thu thập được, bạn có thể làm đơn khởi kiện ra Tòa án yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm và đòi bồi thường thiệt hại.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam