Uỷ quyền bán thửa đất duy nhất nộp thuế thu nhập cá nhân như thế nào?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL39551

Câu hỏi:

Tại thời điểm chuyển nhượng người bán chỉ có một thửa đất, một nhà ở duy nhất vì không về nhà được nên đã uỷ quyền cho người cô ruột thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, nhưng cơ quan thuế lại thông báo yêu cầu người bán và người cô ruột đều phải nộp thuế thu nhập cá nhân (hai lần nộp thuế TNCN/một lần chuyển nhượng – người bán chỉ có một thửa đất, một nhà ở duy nhất và người được uỷ quyền đều phải nộp thuế TNCN) như vậy có đúng quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân không? Trường hợp này nên giải quyết như thế nào?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Cơ sở pháp lý

– Luật thuế thu nhập cá nhân

– Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi năm 2012

– Nghị định 65/2013/NĐ-CP

– Thông tư 111/2013/TT-BTC

Khoản 5 Điều 3 Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi năm 2012 quy định:

" Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân:

Điều 3. Thu nhập chịu thuế

5. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, bao gồm:

a) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất;

b) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở;

c) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền thuê đất, quyền thuê mặt nước;

d) Các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản dưới mọi hình thức."

Điều này được hướng dẫn cụ thể bởi Khoản 5 Điều 3 Nghị định 65/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi năm 2012 một số điều của luật thuế thu nhập cá nhân như sau:

"Điều 3. Thu nhập chịu thuế

5. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, bao gồm:

a) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, kể cả công trình xây dựng hình thành trong tương lai;

b) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở, kể cả nhà ở hình thành trong tương lai;

c) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền thuê đất, quyền thuê mặt nước;

d) Các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản dưới mọi hình thức;

Thu nhập chịu thuế tại khoản này bao gồm cả khoản thu nhập từ việc ủy quyền quản lý bất động sản mà người được ủy quyền có quyền chuyển nhượng bất động sản hoặc có quyền như người sở hữu bất động sản theo quy định của pháp luật."

Như vậy theo quy định trên thì cả người ủy quyền lẫn người nhận ủy quyền đều phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản.

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 65/2013/NĐ-CP quy định:

>>> Luật sư tư vn về việc miễn thuế thu nhập cá nhân qua tổng đài: 024.6294.9155

"Điều 4. Thu nhập được miễn thuế

1. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (bao gồm cả nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa: Vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị em ruột với nhau."

Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 sửa đổi năm 2012 và Nghị định 65/2013/NĐ-CP quy định về các khoản thu nhập được miễn thuế như sau:

b.1.1) Chỉ có duy nhất quyền sở hữu một nhà ở hoặc quyền sử dụng một thửa đất ở (bao gồm cả trường hợp có nhà ở hoặc công trình xây dựng gắn liền với thửa đất đó) tại thời điểm chuyển nhượng, cụ thể như sau:

b.1.1.1) Việc xác định quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

​Như vậy việc cả bạn và cô ruột của bạn đều phải nộp thuế cho một lần chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhà ở duy nhất là chưa đúng với quy định của pháp luật về thuế. Bạn có thể khiếu nại lên cơ quan thuế để được giải quyết.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.