Việt Nam công nhận chuyển giới? Người chuyển giới có được kết hôn không?

Ngày gửi: 31/10/2020 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL39960

Câu hỏi:

Việt Nam công nhận chuyển giới? Người chuyển giới có được kết hôn không? Thủ tục thay đổi giới tính trên chứng minh nhân dân? Quy định mới nhất của Luật chuyển đổi giới tính 2021?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Việt Nam không công nhận kết hôn đồng giới vậy còn chuyển giới thì sao? Người chuyển giới có được kết hôn không?

Căn cứ pháp lý:

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

Nghị định 110/2013/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Hôn nhân và gia đình.

Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã

Nội dung tư vấn:

1. Thế nào là chuyển giới?

Giới tính là đặc điểm sinh học tạo nên sự khác biệt giữa nam giới và nữ giới. Giới tính là bẩm sinh và đồng nhất, nghĩa là giữa nam và nữ ở khắp mọi nơi trên thế giới đều có những sự khác biệt như nhau về mặt sinh học, không thể thay đổi được giữa nam và nữ, do các yếu tố sinh học quyết định. Ví dụ, phụ nữ có bộ phận sinh dục nữ và có thể mang bầu, sinh con và cho bú bằng chính bầu sữa của mình, còn nam giới có bộ phận sinh dục nam và có thể sản xuất ra tinh trùng.

Chuyển giới bao hàm nhiều nghĩa hơn mà mọi người có thể nhận ra. Nó bao gồm một loạt các đặc điểm nhận dạng và biểu hiện giới có thể nằm suy nghĩ của phần lớn mọi người có thể được phân loại là chỉ một trong hai giới tính – nam hoặc nữ (giới tính nhị phân).

Có hai dạng người chuyển giới là: Người chuyển giới nam sang nữ (male to female) và người chuyển giới nữ sang nam (female to male). Ở góc độ xu hướng tính dục, có thể phân chia thành người chuyển giới đồng tính (ví dụ người chuyển giới từ nam sang nữ và chỉ yêu nữ giới), người chuyển giới song tính (ví dụ người chuyển giới từ nam sang nữ và có thể yêu cả nam giới và nữ giới) và người chuyển giới dị tính (ví dụ người chuyển giới từ nữ sang nam và chỉ yêu nữ giới).

Chính điều này đôi khi làm cho người đồng tính kỳ thị người chuyển giới vì cho rằng người chuyển giới làm cho xã hội hiểu nhầm về đồng tính. Nhiều người chuyển giới đã phẫu thuật chuyển giới nhưng chưa được pháp luật và xã hội thừa nhận nên khó tiếp cận với các dịch vụ y tế, khó kiếm việc làm… Đôi khi một số người chuyển giới (đã phẫu thuật) vì chưa được đổi lại giấy tờ tùy thân nên khó khăn trong các quan hệ dân sự, xã hội hoặc bị xâm hại cơ thể nhưng không được bảo vệ thích đáng. Bản thân những người chuyển giới ở những quốc gia đã thừa nhận về mặt pháp lý nhưng trong đời sống xã hội họ vẫn có cuộc sống hết sức khó khăn. Điều này xuất phát phần lớn từ định kiến của xã hội.

2. Pháp luật Việt Nam về hôn nhân của người chuyển giới 

Thực chất việc kết hôn của người chuyển giới là  hôn nhân đồng giới. Hôn nhân đồng giới là hôn nhân giữa những người có cùng giới tính về sinh học. Đó có thể là cuộc sống chung giữa hai người là đồng tính nam hoặc đồng tính nữ với nhau. Hôn nhân giữa những người này xuất phát từ tình yêu đồng giới. Họ tìm thấy ở những người cùng giới tính như mình sự yêu thương, sự đồng cảm, ấm áp và mong muốn cùng nhau về chung một nhà.

Trước đây, theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình năm 2000, kết hôn giữa những người cùng giới tính là một trong 05 trường hợp cấm kết hôn. Vào thời điểm này, quan điểm, cách nhìn của các nhà làm luật cũng như mọi người không chấp nhận cuộc hôn nhân giữa những người cùng giới tính với nhau. Do kết hôn giữa những người cùng giới tính là trường hợp bị cấm nên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 87/2001/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình với mức phạt tiền sẽ từ 100.000 đồng – 500.000 đồng. Tuy nhiên, những quy định này hiện nay đã hết hiệu lực.

 Cùng với sự tiến bộ trong nhận thức của toàn xã hội về vấn đề kết hôn đồng giới. Hiện nay, nước ta đã có cái nhìn cởi mở hơn về những người đồng tính cũng như hôn nhân giữa họ. Điều này đã được thể hiện trong luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 hiện hành. Theo đó, hiện nay pháp luật không quy định hôn nhân đồng giới thuộc vào các trường hợp bị cấm kết hôn. Tại khoản 2 điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chỉ quy định:

“2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.”

 Đây là một bước thay đổi lớn trong tư duy của những người làm công tác lập pháp về người đồng tính. Qua quy định này cho thấy pháp luật đã thay đổi cách nhìn với hôn nhân đồng giới. Pháp luật không nghiêm cấm một cách cứng nhắc như trước đây mà chỉ không thừa nhận hôn nhân giữa những người đồng giới. Do đó, các cặp đôi đồng tính vẫn có thể tổ chức đám cưới trên thực tế, vẫn được chung sống với nhau nếu có nhu cầu nhưng về mặt pháp lý thì sẽ không được pháp luật thừa nhận là vợ chồng. Cùng với đó, Nghị định 110/2013/NĐ-CP cũng không quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kết hôn giữa những người đồng tính, hay mới đây nhất Nghị định số 82/2020/NĐ-CP cũng không có quy định về vấn đề này

      Có thể thấy, dù hiện nay pháp luật chưa thừa nhận kết hôn đồng giới nhưng sự thay đổi nêu trên vẫn được coi là tín hiệu vui đối với những cặp đôi có cùng giới tính, là kết quả của một quá trình vận động và thảo luận trong suốt một thời gian dài.

3. Có nên thừa nhận hôn nhân chuyển giới/ đồng giới ở Việt Nam?

Hiện nay, nhu cầu công nhận hôn nhân đồng giới ở Việt Nam là rất lớn. Các cặp đôi đồng tính tại nước ta đều kỳ vọng rằng pháp luật Việt Nam cho phép kết hôn đồng giới như 26 quốc gia khác trên thế giới. Những người trong cộng đồng LGBT đều khao khát được kết hôn với những người có cùng giới tính để đồng cảm, chia sẻ, quan tâm và chăm sóc lẫn nhau, cùng xây dựng hạnh phúc gia đình.

Tuy nhiên để Việt Nam chấp nhận hôn nhân đồng giới thì cần rất nhiều thời gian. Bản thân nước ta là nước có nền văn hóa Á Đông, nếu thừa nhận có thể sẽ gây ra những hệ lụy tiêu cực với xã hội, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống gia đình Việt Nam, không phù hợp quy luật sinh học và không bảo đảm chức năng duy trì nòi giống của gia đình. Hiện tại, mọi người tuy đã có cái nhìn cởi mở, tích cực hơn về cộng đồng LGBT nhưng để hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới thì lại là một vấn đề cần cân nhắc kĩ lưỡng.

Dưới góc độ pháp lý, nếu thừa nhận hôn nhân đồng giới thì sẽ phải sửa đổi, bổ sung tất cả các quy định liên quan trong hệ thống pháp luật, như xác định quan hệ vợ chồng, quan hệ tài sản, xác định cha, mẹ con. Cùng với đó là các vấn đề sửa đổi hộ tịch sẽ phát sinh, gây ra việc khó khăn trong việc thực thi, quản lý.

4. Việt Nam có cho phép chuyển giới không?

Thứ nhất, Theo thống kê của Bộ Y Tế đã được đăng tải trên một số báo trí uy tín thì số lượng người có nhu cầu chuyển đổi giới tính của Việt Nam từ 250.000 đến 300.000 người. Như vậy, đây là số lượng rất lớn phản án một nhu cầu thực tế của hiện trạng xã hội.

Thứ hai, trong những năm qua cùng với sự tuyên truyền của nhà nước xã hội đã nhìn nhận và dường như không còn có thái độ kỳ thị với người chuyển giới nữa. Điều này cũng được thể hiện trong quá trình lập pháp của Quốc hội cụ thể:

Theo quy định tại Điều 36 Bộ luật dân sự năm 2015Nghị định số 88/2008/NĐ-CP ban hành ngày 05/08/2008 đã có quy định về quyền xác định lại giới tính:

“Điều 36: Quyền xác định lại giới tính

1. Cá nhân có quyền xác định lại giới tính.

Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.

2. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan. (Điều 37 Bộ luật dân sự năm 2015)

Như vậy, có thể nói cánh cửa cho phép việc chuyển đổi giới tính đã được mở, cho phép những người đã tiến hành chuyển đổi giới tính trước đó đăng ký lại giới tính thật của mình. Và mở ra việc xây dựng dự thảo luật về việc chuyển đổi giới tính cho phép những người có nhu cầu xác định lại giới tính thật có thể tiến hành theo quy định của pháp luật.

Việc đăng ký lại giới tính được quy định cụ thể tại Điều 3 Luật hộ tịch năm 2014 quy định cụ thể:

2. Ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

a) Thay đổi quốc tịch;

b) Xác định cha, mẹ, con;

c) Xác định lại giới tính;

d) Nuôi con nuôi, chấm dứt việc nuôi con nuôi;

đ) Ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật, công nhận việc kết hôn;

e) Công nhận giám hộ;

g) Tuyên bố hoặc hủy tuyên bố một người mất tích, đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Thứ ba, Vấn đề quan trọng nhất là ban hành những quy định chi tiết được quy định cụ thể trong một đạo luật về chuyển đổi giới tính đã được Bộ tư pháp trủ trì phối hợp với các Bộ chức năng (Bộ Y tế) để đưa ra dự thảo về luật chuyển đổi giới tính và tiến hành lấy ý kiến của người dân. Trong dự thảo này cũng lấy ý kiến về những vấn đề nhạy cảm nhất như: Độ tuổi được phép chuyển đổi giới tính là bao nhiêu (Trong dự thảo dự kiến là 18 tuổi), và tồn tại nhiều vấn đề pháp lý khác cần hướng dẫn chi tiết như: Có chính sách hỗ trợ tài chính với người chuyển giới không? (Việc chuyển giới trên thực tế cũng rất tốn kém về tài chính) Cơ sở nào được phép chuyển giới (Phẫu thuật chuyển giới là một phẫu thuật phức tạp không phải cơ sở nào cũng có thể tiến hành)… Một lần nữa người chuyển giới vẫn phải chờ để có được quy định cụ thể và chi tiết hơn.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.