Xử lý hành vi không khai báo hải quan khi nhập khẩu hàng từ nước ngoài

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL39649

Câu hỏi:

Công ty A là doanh nghiệp chế xuất. Công ty B là doanh nghiệp ở nước ngoài. Công ty A mua linh kiện từ công ty B, có thỏa thuận cho công ty B mượn khuôn để sản xuất linh kiện bán cho công ty A. Do B thuê lại C để sản xuất linh kiện nên 2 bên thỏa thuận là cho phép B cho C mượn lại khuôn của A. Khuôn do A mua từ nước ngoài và không làm thủ tục hải quan mà chuyển thẳng sang nhà máy của C. Tôi có câu hỏi như sau: 1. Theo tôi được biết việc cho mượn lại tài sản được pháp luật công nhận, nhưng khi chúng tôi xuất trình hợp đồng cho mượn khuôn, cơ quan hải quan không chấp nhận việc A & B ký hợp đồng và thỏa thuận cho C mượn lại.  2. Việc chúng tôi mua khuôn ở nước ngoài mà không làm thủ tục nhập khẩu về VN có vi phạm pháp luật hay không?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

Bộ luật dân sự năm 2005

Luật Hải quan năm 2014

Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009

2. Nội dung tư vấn

Thứ nhất, căn cứ quy định tại Điều 512, Bộ luật dân sự năm 2005: '

'Hợp đồng mượn tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, còn bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được.''

Đối tượng của hợp đồng mượn tài sản là tất cả những vật không tiêu hao.

Như vậy giữa A, B và C đã có thỏa thuận cho muợn khuôn để sản xuất linh kiện nên việc cơ quan hải quan không chấp nhận bản hợp đồng này là không có căn cứ pháp luật.

Thứ hai, việc mua khuôn ở nước ngoài mà không làm thủ tục nhập khẩu về Việt Nam là trái với quy định của pháp luật theo quy định tại Khoản 2, Điều 10 Luật Hải quan năm 2014 về những hành vi bị nghiêm cấm đối với người khai hải quan, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải, cụ thể là các hành vi sau:

''a) Thực hiện hành vi gian dối trong việc làm thủ tục hải quan;

b) Buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;

c) Gian lận thương mại, gian lận thuế;

d) Đưa hối lộ hoặc thực hiện hành vi khác nhằm mưu lợi bất chính;

đ) Cản trở công chức hải quan thi hành công vụ;

e) Truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin hải quan;

g) Hành vi khác vi phạm pháp luật về hải quan.''

Như vậy, trong trường hợp này, việc mua khuôn ở nước ngoài mà không thực hiện thủ tục nhập khẩu tại cơ quan Hải quan được coi là hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Trường hợp này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 7 Nghị định 127/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 45/2016/NĐ-CP như sau:

"Điều 7. Vi phạm quy định về khai hải quan 

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không khai hoặc khai sai so với thực tế về tên hàng, chủng loại, số lượng, khối lượng, xuất xứ hàng hóa là hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không khai hoặc khai sai so với thực tế về tên hàng, chủng loại, số lượng, khối lượng, chất lượng, trị giá, xuất xứ hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau: 

a) Hàng hóa từ nước ngoài vào khu phi thuế quan hoặc từ khu phi thuế quan ra nước ngoài; 

b) Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, hàng hóa từ nước ngoài vào cảng trung chuyển hoặc từ cảng trung chuyển ra nước ngoài; 

c) Hàng hóa sử dụng, tiêu hủy trong khu phi thuế quan.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không khai hoặc khai sai so với thực tế về tên hàng, chủng loại, xuất xứ, số lượng, khối lượng, chất lượng, trị giá đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng miễn thuế, đối tượng không chịu thuế theo quy định của pháp luật.

… "

Như vậy, khuôn do A mua từ nước ngoài và không làm thủ tục hải quan mà chuyển thẳng sang nhà máy của C, nếu công ty C không nằm trong khu phi thuế quan thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 500.000 đồng đến 1000.000 đồng. Nếu công ty C nằm trong khu phi thuế quan thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 1000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Hiện nay theo hướng dẫn tại Nghị quyết 144/2016/QH13, lùi hiệu lực thi hành Bộ luật hình sự 2015, nay vẫn áp dụng quy định tại Bộ luật hình sự 1999 và Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009.

Đối với hành vi không khai báo hải quan khi nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự Tội buôn lậu theo quy định tại Điều 153 Bộ luật hình sự 1999. Tuy nhiên, Bộ luật hình sự 1999 chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, không quy định trách nhiệm hình sự đối với tổ chức do đó, công ty bạn chỉ bị xử phạt hành chính về hành vi không khai báo hải quan khi nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.