Xử lý người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm giáo viên mầm non

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL40835

Câu hỏi:

Tôi là giáo viên mầm non, tôi đã có thâm niên 28 năm trong nghề. Năm nay tôi đứng lớp 4 tuổi, trong lớp có 1 phụ huynh đã nhiều lần đến lớp và xúc phạm tôi. Đỉnh điểm là hôm thứ 6 ngày 31/3 phụ huynh này đã đến lớp chửi bới và lăng mạ tôi với lý do là thời tiết thay đổi và không gọi điện để phụ huynh mang áo ấm lên (Vì con họ uống sữa đổ vào áo). Nhưng trong lớp đóng cửa rất ấm, bản thân tôi và các cháu khác vẫn mặc áo cộc tay và cháu đó tôi cũng đã lồng 2 áo cộc để mặc. Vậy giờ tôi muốn khởi kiện phụ huynh này thì tôi phải làm gì để phụ huynh này không đến xúc phạm nhân phẩm của tôi nữa. Kính thưa Luật sư. 

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Căn cứ Điều 121 Bộ Luật Hình sự năm 1999 quy định tội làm nhục người khác như sau:

“Điều 121. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:

a) Phạm tội nhiều lần;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Làm nhục người khác là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của con người. Người phạm tội phải là người có hành vi (bằng lời nói hoặc hành động) xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác như lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, cạo đầu, cắt tóc, lột quần áo, quay clip… Để làm nhục người khác, người phạm tội có thể có những hành vi vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực như bắt trói, tra khảo, vật lộn, đấm đá hoặc khống chế, đe dọa, buộc người bị hại phải làm theo ý muốn của mình. Nếu hành vi làm nhục người khác cấu thành một tội độc lập thì tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác và tội tương ứng với hành vi đã thực hiện.

Nếu không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP như sau:

"Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo,khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

…".

Để đảm bảo quyền lợi cho bạn, bạn nên quay video hoặc ghi âm những lời nói xúc phạm danh dự, nhân phẩm của phụ huynh đó đối với bạn. Đồng thời bạn làm đơn tố cáo tới cơ quan công an cấp xã nơi người phụ huynh này đang sinh sống để yêu cầu giải quyết.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.