Xử phạt hành vi đập vỡ kính nhà người khác

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL40563

Câu hỏi:

Có một người cạnh thôn tôi vào nhà tôi xin đểu 2 lần mỗi lần cách nhau 6 ngày, lần thứ 2 ông ta đến còn đòi đánh người nhà tôi và đập vỡ cửa kính nhà tôi xin hỏi trường hợp này vi phạm như thể này bị phạt ra sao? Hơn nữa gia đình tôi không có thù oán gì với ông này?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

Bộ luật hình sự 1999

Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 1999

Nghị định 167/2013/NĐ-CP

2. Nội dung tư vấn

Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội  chủ nghĩa.

Như vậy, hành vi đòi đánh người ở đây được coi là tội phạm trước hết phải có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội. Và nếu hành vi đó có tính chất nguy hiểm, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của bạn thì bạn phải có căn cứ chứng minh hành vi dọa đánh đó có thể xảy ra và tác động trực tiếp đến sức khoẻ của nhà bạn. Khi đã có những căn cứ chứng minh này thì bạn có thể tố cáo lên cơ quan công an cấp huyện để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội đe dọa giết người theo quy định tại Điều 103 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 1999 như sau:

Điều 103. Tội đe dọa giết người

1. Người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Đối với nhiều người;

b) Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

c) Đối với trẻ em;

d) Để che giấu hoặc trốn tránh  việc bị xử lý về một tội phạm khác.

                                                            

>>> Luật sư tư vấn pháp luật hình sự qua tổng đài: 024.6294.9155

Về hành vi đập vỡ kính nhà bạn, nếu thiệt hại mà người đó gây ra vượt quá 2 triệu đồng hặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác theo quy định tại Điều 143 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009:

Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Trong trường hợp hành vi đập vỡ kính của  người đó chưa đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự thì người đó sẽ bị phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP như sau:

Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.