Xử phạt vi phạm hành chính hàng hóa không có nhãn mác

Ngày gửi: 14/09/2020 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL33500

Câu hỏi:

Tôi đã chuyển tiền để mua 1 lô hàng trị giá 46.500.000đ. Có hợp đồng và hóa đơn GTGT. Hàng đang đi trên đường thì bị công an kinh tế bắt giữ và lập biên bản vi phạm hàng không có nhãn mác. Tôi muốn được luật sư tư vấn cho tôi 2 vấn đề.

1. Xử phạt người mua hàng hay người bán hàng?

 2. Mức phạt cho hành vi vi phạm này? Cảm ơn văn phòng luật sư. Mong nhận được sớm hồi đáp.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

Nghị định số 119/2017/NĐ-CP

Nghị định số 43/2017/NĐ-CP

2. Nội dung tư vấn

Thứ nhất, căn cứ Điều 9 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa:

1. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa kể cả nhãn phụ phải bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa.

2. Hàng hóa sản xuất để lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân sản xuất phải chịu trách nhiệm thực hiện ghi nhãn hàng hóa.

Trong trường hợp tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa yêu cầu tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc ghi nhãn thì tổ chức, cá nhân đó vẫn phải chịu trách nhiệm về nhãn hàng hóa của mình.

3. Trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường thì tổ chức, cá nhân đưa hàng hóa ra lưu thông phải ghi nhãn theo quy định của Nghị định này.

4. Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ theo quy định tại khoản 3 Điều 7 và các khoản 3, 4 Điều 8 của Nghị định này khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc.”

Qua quy định này của pháp luật thì trường hợp của bạn là bạn đang thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa, loại hợp đồng được hiểu là hợp đồng mua bán dân sự. Đối tượng của hợp đồng ở đây là hàng hóa, căn cứ theo quy định pháp luật về hàng hóa thì việc hàng hóa có nhãn mác là điều kiện bắt buộc. Bởi lẽ hàng hóa cần có nhãn mác để giúp cho người tiêu dùng phân biệt được các mặt hàng trong cùng thị trường, không chỉ vậy việc có nhãn mác hàng hóa rõ ràng cũng là để phục vụ cho việc kiểm tra của cơ quan nhà nước, để cơ quan nhà nước kiểm tra tính minh bạch, kiểm tra hàng giả hàng nhái hàng kém chất lượng và xác định hành vi vi phạm nếu có rồi kịp thời xử lý theo quy định pháp luật.

Nếu theo như nội dung bạn cung cấp, việc hàng hóa của bạn đang trong quá trình vận chuyển mà không có nhãn mác thì lô hàng đó đã vi phạm quy định pháp luật về việc không có nhãn mác trong quá trình giao dịch mua bán hàng hóa.

Thứ hai, về mức xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp của bạn thì quy định pháp luật sẽ căn cứ vào giá trị của lô hàng để quy ra mức phạt vi phạm. Ví dụ cụ thể như sau :

Nếu giá trị hàng hóa bạn vi phạm có giá trị đến 5 triệu đồng thì mức phạt của bạn sẽ là từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng.

Nếu giá trị hàng hóa bạn vi phạm có giá trị từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng thì mức phạt của bạn sẽ là từ 3 triệu đồng đến 6 triệu đồng.

Nếu giá trị hàng hóa bạn vi phạm có giá trị từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng thì mức phạt của bạn sẽ là từ 6 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Nếu giá trị hàng hóa bạn vi phạm có giá trị từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng thì mức phạt của bạn sẽ là từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng.

Nếu giá trị hàng hóa bạn vi phạm có giá trị từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng thì mức phạt của bạn sẽ là từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng.

Nếu giá trị hàng hóa bạn vi phạm có giá trị từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng thì mức phạt của bạn sẽ là từ 25 triệu đồng đến 35 triệu đồng.

Nếu giá trị hàng hóa bạn vi phạm có giá trị từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng thì mức phạt của bạn sẽ là từ 35 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Nếu giá trị hàng hóa bạn vi phạm có giá trị từ  100 triệu đồng trở lên thì mức phạt của bạn sẽ là từ 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng.

Theo như nội dung mà bạn cung cấp, thì giá trị lô hàng của bạn đang giao động ở mức từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Thì căn cứ theo quy định về Nghị định số 119/2017/NĐ-CP quy định về mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi hàng hóa không có nhãn mác thì bạn sẽ bị xử phạt với mức phạt là từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng.Vì vậy, việc cơ quan công an đưa ra quyết định xử phạt vi phạm với bạn là có cơ sở nếu như hành vi của bạn là xác thực vì hàng hóa của bạn không có nhãn mác. Việc nộp phạt hành chính đối với hành vi này cần phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính với các hành vi vận chuyển, mua bán hàng hóa không có nhãn mác.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.