Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật

Ngày gửi: 15/01/2020 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL34094

Câu hỏi:

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Quy định của pháp luật về xử phạt hành chính.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Bảo vệ và kiểm dịch thực vật  là hoạt động phòng, chống sinh vật gây hại thực vật; kiểm dịch thực vật; quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

1. Những hành vi bị cấm trong bảo vệ và kiểm dịch thực vật quy định tại Điều 13 Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013 quy định các hành vi bị cấm:

– Sử dụng biện pháp bảo vệ và kiểm dịch thực vật trái quy định của Luật này.

– Không áp dụng hoặc cố ý áp dụng không đúng các biện pháp chống dịch.

– Nhập khẩu, sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thực vật bị nhiễm sinh vật gây hại hoặc sử dụng giống cây bị nhiễm sinh vật gây hại trong Danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật, Danh mục đối tượng phải kiểm soát mà chưa được xử lý.

– Phát tán sinh vật gây hại.

– Đưa đất, nhập khẩu sinh vật gây hại vào Việt Nam, nhân nuôi sinh vật gây hại, trừ trường hợp được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

– Sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam; thuốc bảo vệ thực vật giả, không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng; thuốc bảo vệ thực vật không có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 67 của Luật này.

– Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam, thuốc bảo vệ thực vật không có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hoặc quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật không đúng với nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật.

– Sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản, vận chuyển, thải bỏ, thu gom, xử lý thuốc và bao gói thuốc bảo vệ thực vật trái quy định của Luật này.

Theo đó, các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật sẽ bị xử lý theo quy định. Các hành vi vi phạm hành chính về giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật quy định bao gồm:

– Vi phạm quy định về giống cây trồng;

– Vi phạm quy định về bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật và thuốc bảo vệ thực vật.

2. Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả: Quy định tại Nghị định 114/2013/NĐ-CP, Nghị định 31/2016/NĐ-CP (có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 06 năm 2016).

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, tổ chức, cá nhân phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

– Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn gồm: Giấy chứng chỉ hành nghề đại diện quyền đối với giống cây trồng; Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng; Giấy công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng; Quyết định chỉ định khảo nghiệm giống cây trồng; Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; Thẻ hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật; Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật; Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật; Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu;

– Đình chỉ hoạt động có thời hạn;

– Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điểm a, c, d, đ, e, g, h, i Khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 114/2013/NĐ-CP quy định các biện pháp khắc phục hậu quả sau:

– Buộc chuyển đổi mục đích sử dụng giống cây trồng;

>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 024.6294.9155

– Buộc thực hiện gắn mã hiệu cho nguồn giống;

– Buộc lập sổ theo dõi tình hình cung cấp vật liệu nhân giống;

– Buộc thực hiện việc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng;

– Buộc trả thù lao cho tác giả giống cây trồng theo quy định;

– Buộc thực hiện đúng nghĩa vụ giúp chủ Bằng bảo hộ duy trì vật liệu nhân giống của giống cây trong được bảo hộ;

– Buộc tái chế đối với những thuốc bảo vệ thực vật còn có khả năng tái chế là thuốc có hàm lượng hoạt chất đạt từ 70% trở lên so với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;

– Buộc chấp hành đúng biện pháp chống dịch khi có quyết định công bố dịch hại thực vật;

– Buộc xử lý bao bì đóng gói bằng gỗ theo quy định;

– Buộc xử lý triệt để vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật;

– Buộc hủy bỏ kết quả khảo nghiệm đã thực hiện;

– Buộc thay nhãn theo đúng quy định.

3. Mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền:

Căn cứ Khoản 1 Điều 5 Nghị định 114/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật đối với cá nhân là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức là 100.000.000 đồng.

Theo Điều 5 Nghị định 31/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật có hiệu lực ngày 22/06/2016 thì mức phạt tiền được quy định như sau:

– Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật đối với cá nhân là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức là 100.000.000 đồng.

– Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

– Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của những người được quy định tại Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 (hai) lần thẩm quyền xử phạt cá nhân.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT. Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.