Hệ thống pháp luật

15 tuổi điều khiển xe máy điện không đội mũ bảo hiểm có bị xử phạt không?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL32336

Câu hỏi:

Có thể cho cháu hỏi là: học sinh 15 tuổi đi xe điện không đội mũ bảo hiểm khi bị bắt và lập biên bản sẽ bị thu xe bảy ngày vậy đã thu xe rồi thì có nạp phạt nữa không ạ. Bởi vì khi bị bắt thì cháu hỏi đồng chí công an đó rồi chú nói chưa đủ tuổi thì chỉ bị thu xe bảy ngày thôi chứ không nạp tiền nhưng khi đến lấy thì cháu được cô công an nói là phải nạp tiền phạt . Thế trường hợp này là nên nộp phạt hay không ạ?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

Luật giao thông đường bộ năm 2008

Thông tư 39/2013/TT-BGTVT

Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2013 

Nghị định 46/2016/NĐ-CP

2. Nội dung tư vấn

Tại Điều 60 Luật giao thông đường bộ năm 2008 có quy định như sau:

“1. Độ tuổi của người lái xe quy định như sau:

a) Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;

b) Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;

c) Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2);

d) Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);

đ) Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);

e) Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.

2. Người lái xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khoẻ của người lái xe”

Theo quy định Thông tư 39/2013/TT-BGTVT Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện có giải tích thuật ngữ xe đạp điện như sau:

Xe đạp điện là xe đạp hai bánh, được vận hành bằng động cơ điện một chiều hoặc được vận hành bằng cơ cấu đạp chân có trợ lực từ động cơ điện một chiều, có công suất động cơ lớn nhất không lớn hơn 250 W, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25 km/h và có khối lượng bản thân (bao gồm cả ắc quy) không lớn hơn 40 kg.

Xe được vận hành bằng động cơ điện một chiều sau đây gọi tắt là xe vận hành bằng động cơ điện. Xe được vận hành bằng cơ cấu đạp chân có trợ lực từ động cơ điện một chiều sau đây được gọi là Xe trợ lực điện.

 Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2013 như sau:

"Điều 5. Đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính

1. Các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

 Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.”

Theo đó, đối với những đối tượng từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuối nếu có hành vi cố ý vi phạm hành chính thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Đối với hành vi bạn không đội mũ bảo hiểm khi đi xe điện là cố ý không chấp hành quy định của luật giao thông đường bộ nên trong trường hợp này bạn phải nộp phạt đối với hành vi vi phạm của mình.

Tuy nhiên, vì ở đây bạn không nói rõ là xe máy điện hay xe đạp điện nên mức xử phạt đối với hành vi của bạn được chia thành 2 trường hợp như sau:

Trường hợp 1: bạn điều khiển phương tiện tham gia giao thông là xe đạp điện

Căn cứ vào điểm d khoản 4 Điều 8 về xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm của Nghị định 46/2016/NĐ-CP:

“Điều 8: Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

4. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

d) Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ;”

Theo đó, nếu bạn điều khiển phương tiện tham gia giao thông là xe đạp điện, khi tham gia giao thông bạn không đội mũ bảo hiểm thì sẽ bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

Trường hợp 2: Bạn điều khiển phương tiện giao thông là xe máy điện

Căn cứ vào điểm i khoản 3 Điều 6 về xử phạt người điều khiển người ngồi trên xe máy điện không đội mũ bảo hiểm của Nghị định 46/2016/NĐ-CP:

Điều 6: Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

3. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

i) Người điều khiển, người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ;”

>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 024.6294.9155

Theo đó, nếu bạn điều khiển phương tiện tham gia giao thông là xe máy điện, khi tham gia giao thông bạn không đội mũ bảo hiểm sẽ bị xử phạm từ 100.000 đồng đến 200.000 nghìn đồng.

Như vậy, trong trường hợp này bạn phải nộp phạt do lỗi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Mức xử phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện là xe đạp điện hoặc xe máy điện khi tham gia giao thông.

Đối với hành vi cố ý điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi:

Đối với xe đạp điện được phân vào nhóm phương tiện giao thông thô sơ đường bộ tại điềm 19 Điều 3 Luật giao thông đường bộ năm 2008:

"19. Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (sau đây gọi là xe thô sơ) gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự"

Như vậy theo các quy định nêu trên có thể hiểu xe đạp điện không phải là xe gắn máy mà được áp dụng là xe thô sơ.

Đối với xe máy điện, tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 46/2016/ NĐ-CP có quy định như sau:

“1. Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô”.

Đối với vấn đề tạm giữ xe thì theo quy định tại Điều 78 Nghị định số 46/2016 NĐ-CP quy định như sau:

"Để ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được phép tạm giữu phương tiện đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm được quy định tại các Điều, Khoản, Điểm sau đây của Nghị định này và phải tuân thủ theo quy định tại khoản 2 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính:

i) Khoản 1; Điểm a, Điềm c Khoản 4; Khoản 5; Khoản 6; Khoản 7 Điều 21"

Vậy từ những quy định trên nếu xe của bạn là xe đạp điện, bạn sẽ bị phạt 100 000 đến 200 000 đồng.

Trường hợp xe của bạn là xe máy điện, bạn phải nộp phạt từ 100 000 đến 200 000  đồng do không đội mũ bảo hiểm, phạt cảnh cáo và tạm giữ phương tiện từ 07 đến 10 ngày do hành vi lái xe khi chưa đủ tuổi.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn