Ăn trộm hai lần có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24
Câu hỏi:
Em tôi đến nay chưa đủ 18 tuổi. Đầu năm 2017 em tôi có hành vi trộm cắp số tiền là 1.800.000 đồng bị công an xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa nộp phạt. Tháng 7/2017 em tôi trộm cắp 01 chiếc xe đạp trị giá khoảng 300.000 đồng. Theo luật sư thì em tôi có đủ điều kiện để khởi tố bị can không? Xin cám ơn!
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
1. Căn cứ pháp lý
Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009
2. Nội dung tư vấn
Căn cứ vào Điều 17 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:
"Điều 7. Thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính
1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
2. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nếu trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính."
Căn cứ Điều 138 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009:
"1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm."
Trường hợp đã có quyết định xử lý vi phạm hành chính về tội trộm cắp tài sản mà còn vi phạm với giá trị dưới 2.000.000 đồng thì trong trường hợp này, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trộm cắp tài sản.
Chủ thể: Người đã đạt đến độ tuổi nhất định, có năng lực nhận thức và điều chỉnh hành vi
Đối với tội trộm cắp tài sản, người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 1999 người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Phạm tội trong trường hợp quy định tại Khoản 3, 4 Điều 138 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 1999 thì người phạm tội phải đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự.
Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
Khách thể: Quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. Đối với tội trộm cắp tài sản là quan hệ sở hữu tài sản
Mặt khách quan: Là những biểu hiện của bên ngoài tội phạm. Mặt khách quan bao gồm các dấu hiệu: hành vi nguy hiểm cho xã hội, hậu quả tác hại do tội phạm gây ra, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi nguy hiểm và hậu quả do hành vi đó gây ra; thời gian, địa điểm; công cụ phương tiện thực hiện tội phạm, lén lút để chiếm đoạt tài sản (che giấu hành vi của mình với chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản).
Chiếm đoạt được tài sản và giá trị của tài sản chiếm đoạt phải từ 2 triệu trở lên, nếu dưới 2 triệu đồng thì phải đáp ứng được điều kiện: gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích.
Mặt chủ quan: biểu hiện bên trong của tội phạm, là thái độ tâm lý của người phạm tội. Mặt chủ quan của tội phạm gồm các dấu hiệu lỗi, động cơ, mục đích cuả tội phạm. Lỗi trong trường hợp đối với là lỗi cố ý.
Em bạn chưa đủ 18 tuổi, căn cứ Điều 12, Bộ luật hình sự 1999 về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự:
"Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng".
Đối chiếu theo quy định trên vào trường hợp của em bạn, em bạn chưa đủ 18 tuổi, đầu năm 2017, em bạn có hành vi trộm cắp số tiền là 1.800.000 đồng đã bị công an xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa nộp phạt, tháng 7/2017, em trai bạn lại trộm chiếc xe có giá trị là 300.000 đồng, nếu trong trường hợp không có các yếu tố thuộc khoản 2 Điều 138 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 như: có tổ chứ, có tính chất chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm; hay dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm, hành hung để tẩu thoát, gây hậu quả nghiêm trọng,.. thì hành vi này thuộc vào trường hợp truy cứu trách nhiệm theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Vì bạn không nói rõ em bạn cụ thể bao nhiêu tuổi nên có thể căn cứ vào các trường hợp sau:
Trường hợp đủ 16 tuổi: Phải chịu trách nhiệm về mọi tội phạm. Trong trường hợp này, vì em bạn thuộc trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính là phạt tiền, nên thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm; Trong trường hợp khi chưa hết thời gian bị coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2.000.000 đồng thì thuộc vào khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009, mức phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, thuộc tội phạm ít nghiêm trọng
Trường hợp chưa đủ 16 tuổi: theo quy định, người từ đủ 14 đến chưa đủ 16 tuổi thì chỉ chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Trong trường hợp nếu em trai bạn chưa đủ 16 tuổi thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi này mà sẽ áp dụng một trong các biện pháp tư pháp có tính giáo dục, phòng ngừa sau đây:
– Giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
– Đưa vào trường giáo dưỡng.
– Toà án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ một năm đến hai năm đối với người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam
Gửi yêu cầu tư vấn
Chi tiết xin liên hệ:
Tổng đài: 024.6294.9155
Hotline: 0984.988.691