Hệ thống pháp luật

Anh trai có quyền thờ cúng em trai liệt sỹ không?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL31162

Câu hỏi:

Chào anh/chị luật sư tư vấn, tôi tên là Nguyễn Đức Thuận ở Hải Phòng tôi muốn nhờ anh chị tư vấn giúp tôi về việc thờ cúng liệt sỹ như sau : Gia đình bố tôi là ông Nguyễn Thanh Nghị có chú ruột là liệt sỹ chống Pháp, tên là Nguyễn Trọng Thứng ( vợ là Bùi Thị Lủn- đã mất) và con của ông Nguyễn Trọng Thứng là Nguyễn Xuân Thuấn- liệt sỹ chống Mỹ, và một người con gái tên là Nguyễn Thị Xuân ( đã mất). Trước kia khi người con gái Liệt sĩ Nguyễn Trọng Thứng còn sống ông Nguyễn Thanh Nghị có cho người con gái là Nguyễn Thị Xuân cúng bố ( ông Nguyễn Trọng Thứng) và anh trai ( ông Nguyễn Xuân Thuấn ) nhưng từ khi người con gái liệt sĩ là( bà Nguyễn Thị Xuân ) mất, ông Nguyễn Thanh Nghị có đến xin lại thờ cúng hai liệt sĩ: Nguyễn Trọng Thứng và Nguyễn Xuân Thuấn nhưng không được gia đình con trai bà Nguyễn Thị Xuân chấp nhận. Vậy tôi xin hỏi tư vấn quyền thờ cúng ông Nguyễn Trọng Thứng và con ông là ông Nguyễn Xuân Thuấn thuộc về ông Nguyễn Thanh Nghị có đúng không ? ?

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Nghị định 31/2013/NĐ-CP

– Thông tư 16/2014/TT-BLĐTBXH

2. Nội dung tư vấn

Bạn có trình bày gia đình bố bạn có chú ruột là liệt sỹ chống Pháp, tên là Nguyễn Trọng Thứng ( vợ là Bùi Thị Lủn- đã mất) và con của ông Nguyễn Trọng Thứng là Nguyễn Xuân Thuấn- liệt sỹ chống Mỹ, và một người con gái tên là Nguyễn Thị Xuân (đã mất). Trước kia khi con gái liệt sĩ là bà Xuân còn sống thì bà Xuân là người thờ cúng bố (ông Nguyễn Trọng Thứng) và anh trai (ông Nguyễn Xuân Thuấn) nhưng từ khi người con gái liệt sĩ là (bà Nguyễn Thị Xuân ) mất. Hiện tại, bố bạn – ông Nguyễn Thanh Nghị có đến xin lại thờ cúng hai liệt sĩ: Nguyễn Trọng Thứng và Nguyễn Xuân Thuấn nhưng không được gia đình con trai bà Nguyễn Thị Xuân chấp nhận. Ở đây, bạn có thể tham khảo các quy định dưới đây để biết bố bạn có quyền thờ cúng liệt sỹ hay không. 

– Và theo Điều 2 Thông tư 16/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn một số nội dung xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng quy định như sau:

"Điều 2. Hướng dẫn Điều 21 của Nghị định số 31/2013/NĐ-CP về trợ cấp thờ cúng liệt sĩ

1. Trường hợp liệt sĩ có nhiều con thì người thờ cúng liệt sĩ là một người con được những người con còn lại ủy quyền; nếu liệt sĩ chỉ có một con hoặc chỉ còn một con còn sống thì không phải lập biên bản ủy quyền.

Trường hợp con liệt sĩ có nguyện vọng giao người khác thực hiện thờ cúng liệt sĩ thì người thờ cúng là người được con liệt sĩ thống nhất ủy quyền.

Trường hợp liệt sĩ không có hoặc không còn con hoặc có một con duy nhất nhưng người con đó bị hạn chế năng lực hành vi, mất năng lực hành vi, cư trú ở nước ngoài hoặc không xác định được nơi cư trú thì người thờ cúng là người được gia đình hoặc họ tộc liệt sĩ ủy quyền.

2. Trường hợp người thờ cúng liệt sĩ chết trong năm nhưng trước thời điểm chi trả trợ cấp thì trợ cấp thờ cúng liệt sĩ của năm đó được chi trả cho người thờ cúng khác được ủy quyền."

Như vậy, theo quy định trên thì trường hợp của gia đình bạn, chú bạn – ông Nguyễn Trọng Thứng chỉ có một người con gái là bà Nguyễn Thị Xuân còn sống thì quyền thờ cúng theo quy định trên là do bà Xuân đảm nhận. Do hiện nay, bà Nguyễn Thị Xuân đã mất thì trong trường hợp này xác định rằng chú bạn không còn con thì lúc này người thờ cúng là người được gia đình hoặc họ tộc liệt sĩ ủy quyền. Như vậy, nếu bố bạn được gia đình hoặc họ tộc liệt sỹ thống nhất uỷ quyền bằng biên bản sẽ là người thờ cúng liệt sĩ hợp pháp và được hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ. Trường hợp, bạn có ý kiến thắc mắc về vấn đề thờ cúng liệt sĩ thì bạn có thể liên hệ trực tiếp Phòng Lao động – Thương binh xã hội để được giải đáp cụ thể hơn.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn