Áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với viên chức
Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24
Câu hỏi:
Xin chào luật sư tôi có câu hỏi muốn hỏi: Viên chức làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn 1 năm, nghỉ việc tự do không xin phép 15 ngày. Nhưng người đó lại không muốn bị kỷ luật là buộc thôi việc mà muốn xin cơ quan tổ chức cho nghỉ với hình thức là xin thôi việc. Với trường hợp như vậy thì cơ quan, tổ chức có thể giải quyết cho viên chức nghỉ việc theo hình thức xin thôi việc được không hay phải lập hội đồng kỷ luật buộc thôi việc viên chức?
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
1. Căn cứ pháp lý
2. Nội dung tư vấn
Theo quy định tại Điều 52 Luật viên chức 2010 về các hình thức kỷ luật đối với viên chức như sau:
"1. Viên chức vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Cách chức;
d) Buộc thôi việc.
2. Viên chức bị kỷ luật bằng một trong các hình thức quy định tại khoản 1 Điều này còn có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.
3. Hình thức kỷ luật cách chức chỉ áp dụng đối với viên chức quản lý.
4. Quyết định kỷ luật được lưu vào hồ sơ viên chức.
5. Chính phủ quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với viên chức".
Một trong những hình thức kỷ luật đối với viên chức là buộc thôi việc.
Điều 13 Nghị định 27/2012/NĐ-CP hướng dẫn hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với viên chức như sau:
"Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với viên chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
1. Bị phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng;
2. Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;
3. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập;
4. Nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền;
5. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà không có lý do chính đáng được tính trong tháng dương lịch; năm dương lịch;
…".
Như vậy, nếu viên chức tự ý nghỉ việc mà không có lý do chính đáng từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng thì sẽ bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc. Do đó, đơn vị bạn phải tổ chức họp xử lý kỷ luật đối với viên chức này mà không thể thỏa thuận chấm dứt hợp đồng làm việc do viên chức tự làm đơn xin nghỉ việc.
Nếu viên chức nghỉ việc mà có lý do chính đáng thì nay viên chức muốn nghỉ việc, viên chức làm đơn xin nghỉ và đơn vị đồng ý thì viên chức sẽ được nghỉ việc thuộc trường hợp hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng làm việc.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam
Gửi yêu cầu tư vấn
Chi tiết xin liên hệ:
Tổng đài: 024.6294.9155
Hotline: 0984.988.691