Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NGOẠI GIAO
******

 

Số: 72/2005/LPQT

Hà Nội, ngày 07 tháng 07 năm 2005 


Bản ghi nhớ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Ca-na-đa về Dự án đổi mới ngân hàng có hiệu lực từ ngày 27 tháng 6 năm 2005./.

TL. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG
 




Nguyễn Thị Hoàng Anh

 

BẢN GHI NHỚ

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ CA-NA-ĐA VỀ DỰ ÁN ĐỔI MỚI NGÂN HÀNG

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi là “VIỆT NAM”) và Chính phủ CA-NA-ĐA (sau đây được gọi là “CA-NA-ĐA”), mong muốn hợp tác trong việc triển khai thực hiện dự án hỗ trợ phát triển của Ca-na-đa tại Việt Nam, đã đi đến những nội dung thống nhất sau:

Điều 1: Bản chất của bản ghi nhớ

Mục 1.01

Bản ghi nhớ này chỉ nhằm đưa ra những cam kết của VIỆT NAM và của CA-NA-ĐA về Dự án được miêu tả tại Điều III. Bản ghi nhớ này là một thỏa thuận bổ sung, được xây dựng theo Hiệp định chung về Hợp tác Phát triển giữa VIỆTNAM và CA-NA-ĐA, ngày 21 tháng 6 năm 1994.

Điều 2 :Những cơ quan chịu trách nhiệm

Mục 2.01

CA-NA-ĐA chỉ định Cơ quan Phát triển Quốc tế Ca-na-đa (sau đây gọi là “CIDA”) để thực hiện những cam kết trong Bản ghi nhớ này.

Mục 2.02

VIỆT NAM chỉ định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là “NHNN”) để thực hiện những cam kết trong Bản ghi nhớ này.

Điều 3 :Dự án

Mục 3.01

VIỆT NAM và CA-NA-ĐA sẽ tham gia triển khai thực hiện Dự án Đổi mới Ngân hàng (sau đây được gọi là “Dự án”). Mục đích của Dự án là nhằm nâng cao sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng thông qua cải tiến hoạt động giám sát, các quy định kiểm soát, và hoạt động quản lý an toàn hoạt động ngân hàng, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Các mục tiêu này sẽ đạt được thông qua sự hỗ trợ để cải tiến hoạt động giám sát, quản trị điều hành trong ngành ngân hàng; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi cơ cấu tổ chức của NHNN; và hỗ trợ để nâng cao hoạt động giám sát rủi ro trong ngành ngân hàng.

Mục 3.02

Miêu tả chi tiết về Dự án được trình bày trong Phụ lục A đính kèm Bản ghi nhớ này.

Mục 3.03

Nhằm phục vụ cho việc triển khai thực hiện dự án, CIDA đã lựa chọn và ký kết hợp đồng với một Cơ quan thực hiện Dự án Ca-na-đa (sau đây được gọi là “CEA”). CEA là một nhóm các công ty tư vấn gồm: công ty Tư vấn IBM, công ty Tư vấn Đối tác phát triển (Development Parnerships), và công ty Tư vấn Gowlings.

Mục 3.04

Cơ quan thực hiện Dự án (CEA) sẽ hợp tác chặt chẽ với NHNN để xây dựng Kế hoạch thực hiện Dự án để điều hành các hoạt động của Dự án. Kế hoạch Thực hiện Dự án (sau đây được gọi là “PIP”) sẽ được trình tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Dự án để thông qua, phù hợp với quy định của VIỆT NAM và CIDA. PIP sẽ bao gồm, ngoài các nội dung khác, những nội dung sau:

a) Miêu tả chi tiết về Dự án;

b) Khái quát về biện pháp và cách thức được sử dụng để thực hiện Dự án;

c) Lịch trình thực hiện các hoạt động của Dự án;

d) Vai trò và nhiệm vụ của mỗi bên liên quan;

e) Yêu cầu báo cáo về thực hiện Dự án;

f) Cách thức quản lý Dự án;

g) Ngân sách chi tiết của Dự án;

Kế hoạch Thực hiện Dự án có thể được cập nhật và sửa đổi mà không cần phải theo các thủ tục sửa đổi chính thức được quy định ở Mục 11.2.

Điều 4 :Đóng góp của ca-na-đa

Mục 4.01

Đóng góp của Ca-na-đa sẽ bao gồm: cung cấp nguồn tài chính, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo, trang thiết bị cần thiết cho việc thực hiện dự án, giám sát, đánh giá kết quả và đồng quản lý Dự án. Tổng giá trị đóng góp tối đa của CA-NA-ĐA là chín triệu đô la Ca-na-đa (9.000.000 Cnd), được phân bổ thông qua Cơ quan Thực hiện Dự án Ca-na-đa để phục vụ cho việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, và các dịch vụ có liên quan.

Mục 4.02

Đóng góp của CA-NA-ĐA không thể được dùng để thanh toán các loại thuế, lệ phí, thuế hải quan hoặc các loại phí khác mà VIỆT NAM đánh trực tiếp hoặc gián tiếp đối với bất kỳ loại hàng hóa, vật tư, thiết bị, phương tiện chuyên chở đi lại và các dịch vụ được mua sắm để phục vụ cho yêu cầu của Dự án, hoặc liên quan đến việc triển khai thực hiện Dự án. Các nghĩa vụ thuế, lệ phí, thuế hải quan và các loại phí khác nêu trên sẽ được miễn theo quy định hiện hành của VIỆT NAM, hoặc sẽ do VIỆT NAM thanh toán.

Điều 5 :Đóng góp của việt nam

Mục 5.01

Đóng góp của VIỆT NAM sẽ bao gồm việc đồng quản lý Dự án và cung cấp các cán bộ đủ trình độ, vật tư, dịch vụ, thông tin nghiệp vụ và quản lý và các nguồn lực cần thiết khác để đáp ứng yêu cầu của Dự án. VIỆT NAM sẽ chịu trách nhiệm trả lương, phúc lợi và các chi phí hoạt động khác cho các cán bộ đối tác tham gia vào Dự án.

Điều 6 : Đánh giá tác động môi trường

Mục 6.01

Bản ghi nhớ này có thể sẽ bao gồm cả việc thực hiện các tiểu dự án, hình thành nên các “dự án” theo quy định của Luật đánh giá tác động môi trường của Ca-na-đa (sau đây được gọi tắt là “CEAA”). Trừ khi các tiểu dự án được miễn áp dụng CEAA, CA-NA-ĐA sẽ đảm bảo rằng một đánh giá môi trường của những tiểu dự án đó sẽ được thực hiện ngay khi có thể trong giai đoạn thiết kế các tiểu dự án, phù hợp với quy định của CEAA, trước khi CIDA quyết định việc phân bổ vốn để tiến hành các tiểu dự án có thể.

Mục 6.02

CA-NA-ĐA sẽ đảm bảo rằng các báo cáo giám sát của toàn bộ các hồ sơ khác liên quan tới việc đánh giá môi trường của các tiểu dự án được lưu trong sổ đăng ký chung của Ca-na-đa theo yêu cầu của CEAA.

Điều 7 :Thông tin

Mục 7.01

VIỆT NAM và CA-NA-ĐA sẽ đảm bảo rằng Bản ghi nhớ này được thực hiện một cách tích cực và hiệu quả. Mỗi bên sẽ cung cấp cho bên kia tất cả các thông tin liên quan đến Dự án, theo những yêu cầu cung cấp thông tin hợp lý.

Điều 8 : Trao đổi thông tin

Mục 8.01

Mọi hình thức trao đổi thông tin hoặc tài liệu do VIỆT NAM hoặc CA-NA-ĐA giao, lập, hoặc gửi theo Bản ghi nhớ này sẽ được thực hiện bằng văn bản và sẽ được coi là đã được giao, được lập, được gửi hợp thức cho bên kia, khi chúng đã được chuyển bằng các hình thức: gửi tay, thư tín, hoặc fax theo các địa chỉ dưới đây:

Cho CA-NA-ĐA:

Giám đốc, Chương trình Khu vực Đông Nam Á

Phân ban Á châu

Cơ quan Phát triển Quốc tế CA-NA-ĐA

Số 200 Promenade du Portage

Gatineau, Quebec

Canada K1A 0G4

Fax: 01 819-953-3350

Cho VIỆT NAM:

Thống đốc

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

47-49 Lý Thái Tổ

Hà Nội, Việt Nam

Fax: 84 4-8250-612

Mục 8.02

VIỆT NAM và CA-NA-ĐA, thông qua thông báo bằng văn bản gửi tới bên kia, có thể thay đổi địa chỉ gửi đến các văn bản trao đổi thông tin và tài liệu.

Mục 8.03

Mọi văn bản trao đổi thông tin và tài liệu gửi cho CA-NA-ĐA sẽ được làm bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Các văn bản trao đổi thông tin và tài liệu gửi cho VIỆTNAM sẽ được làm bằng tiếng Anh.

Điều 9 :Tham vấn

Mục 9.01

VIỆT NAM và CA-NA-ĐA sẽ tham vấn ý kiến của phía bên kia về các vấn đề phát sinh liên quan đến Bản ghi nhớ này.

Điều 10 :Áp dụng

Mục 10.01

Những khác biệt có thể phát sinh trong việc áp dụng các quy định của Bản ghi nhớ này sẽ được giải quyết thông qua đàm phán giữa VIỆT NAM và CA-NA-ĐA, hoặc bằng các biện pháp khác theo thỏa thuận giữa hai Bên.

Điều 11 :Các quy định chung

Mục 11.01

Bản ghi nhớ này cùng với Phụ lục “A” là phần không thể tách rời, tạo thành toàn bộ thỏa thuận giữa VIỆT NAM và CA-NA-ĐA liên quan đến Dự án.

Mục 11.02

VIỆT NAM và CA-NA-ĐA có thể sửa đổi hoặc hủy bỏ Bản ghi nhớ này nếu cần thiết, thông qua trao đổi thư.

Mục 11.03

Bản ghi nhớ này có hiệu lực kể từ ngày ký và sẽ hết hiệu lực vào ngày 31 tháng 3 năm 2010, trừ trường hợp VIỆT NAM và CA-NA-ĐA gia hạn.

Ký tại Ốt-ta-oa, ngày 27 tháng 6 năm 2005, thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Anh; các văn bản đều có giá trị như nhau./.

 

THAY MẶT
CHÍNH PHỦ CA-NA-ĐA
BỘ TRƯỞNG
BỘ HỢP TÁC QUỐC TẾ




Acleen Carroll

THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG
CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ  





Đoàn Mạnh Giao

  

 

 

 

Phụ lục A :

MIÊU TẢ DỰ ÁN

1. Bối cảnh

Chính phủ Việt Nam đang thực hiện các chính sách và biện pháp nhằm tạo môi trường hỗ trợ cho việc phát triển bền vững và giảm đói nghèo. Một trong những nội dung cơ bản của hành động này là xây dựng ngành tài chính ngân hàng hiệu quả, nhằm tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, phát triển thị trường vốn hiệu quả và hỗ trợ cho sự phát triển của khu vực tư nhân. Đây được xem là nhân tố then chốt góp phần tạo việc làm cho khoảng 1,4 triệu lao động mới tham gia đội ngũ lao động hàng năm. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của khu vực tư nhân đã và đang bị kìm hãm do những hạn chế như mức tiết kiệm, mức đầu tư, nguồn vốn, và tín dụng còn khiêm tốn. Các quy trình nghiệp vụ ngân hàng, hệ thống quản lý rủi ro dẫn đến tỷ lệ nợ xấu cao, tạo ra gánh nặng nợ nần cho hệ thống ngân hàng. Cải cách hệ thống ngân hàng có thể khắc phục được nhiều hạn chế thông qua việc bảo đảm rằng: các hoạt động thương mại của hệ thống ngân hàng được thực hiện một cách hiệu quả, tạo ra môi trường thuận lợi cho hoạt động quản lý cẩn trọng nguồn vốn, nâng cao khả năng được tiếp cận tín dụng ngân hàng của khu vực kinh tế tư nhân.

Chính phủ Việt Nam đã dành ưu tiên cao cho việc đổi mới hệ thống ngân hàng. Đây là công việc được xác định là một trong những mục tiêu của Chiến lược Phát triển và Giảm đói nghèo toàn diện (CPRGS), cũng như của các nhà tài trợ, đặc biệt là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới. Trong suốt 15 năm qua, hệ thống ngân hàng đã và đang trong tiến trình đổi mới từ mô hình ngân hành một cấp trong cơ chế kinh tế kế hoạch hóa, sang mô hình ngân hàng hai cấp hoạt động trong môi trường kinh tế thị trường tự do hơn. Những chuyển đổi này là rất đáng kể và đang nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính quốc tế và một số nhà tài trợ song phương. Mặc dù đã đạt được một số kết quả, nhưng thực tế đòi hỏi nhiều đổi mới hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh phải đối diện với cạnh tranh khi thực hiện Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ vừa được ký năm 2001 và việc Việt Nam gia nhập WTO. Những yếu tố này sẽ mở cửa thị trường cho cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, thúc đẩy nhanh hơn tiến trình đổi mới trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Do vai trò quan trọng như vậy của ngành này, Ca-na-đa có trình độ cao về ngân hàng và theo yêu cầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Ca-na-đa phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vào tháng 7/2001 về việc Ca-na-đa hỗ trợ cho tiến trình đổi mới khu vực ngân hàng, các bước chuẩn bị ban đầu đã được thực hiện để xây dựng Dự án đổi mới ngân hàng. Sau những nghiên cứu ban đầu về ngành ngân hàng, một phái đoàn đã được triển khai vào tháng 11/2002 để rà soát tình hình tiến trình đổi mới ngân hàng, tìm hiểu những lĩnh vực cần sự hỗ trợ, và hoạt động của các nhà tài trợ khác trong lĩnh vực này. Trên cơ sở báo cáo rà soát của phái đoàn này, CIDA đã cung cấp hỗ trợ cho việc rà soát và sửa đổi các luật ngân hàng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan (Dự án rà soát hệ thống pháp luật Việt Nam) với hỗ trợ kỹ thuật của một luật sư Ca-na-đa có chuyên môn trong lĩnh vực luật ngân hàng. Đồng thời CIDA cũng xây dựng Yêu cầu đề xuất Dự án đổi mới ngân hàng. Một nhóm các công ty tư vấn đã được lựa chọn và hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan thực hiện Dự án (CEA) thông qua quy trình đấu thầu cạnh tranh theo chế độ đấu thầu công khai của Chính phủ Ca-na-đa. Cơ quan Thực hiện Dự án đã cử một số đoàn đến Việt Nam từ tháng 3/2004 và làm việc chặt chẽ với các cán bộ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng khác để xây dựng thiết kế dự án đề xuất và dự thảo Kế hoạch thực hiện Dự án để CIDA và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt.

2.Miêu tả:

Dự án nhằm củng cố hệ thống ngân hàng Việt Nam, thông qua một chương trình hỗ trợ kỷ thuật, đào tạo chuyên sâu theo một định hướng cụ thể cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và cho ngành ngân hàng nói chung. Trọng tâm của Dự án là tăng cường năng lực tổ chức và quản lý nguồn nhân lực của NHNN; hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng; và củng cố hoạt động quản trị điều hành, quản lý của các ngân hàng thương mại để nâng cao hoạt động quản lý an toàn. Dự án sẽ có 3 cấu phần chính:

i) Cơ cấu tổ chức và quản lý nguồn nhân lực của Ngân hàng Nhà nước:

Sẽ có hỗ trợ rà soát chức năng quản lý nhân sự của NHNN, giới thiệu chính sách và quy trình quản lý nhân sự hiện đại, bao gồm tuyển dụng, rà soát kết quả công tác, nhu cầu phát triển nghiệp vụ. Nội dung củng cố hoạt động đào tạo cũng được triển khai thông qua các hỗ trợ việc xây dựng một chương trình đào tạo mới cho Trung tâm Đào tạo của NHNN; hỗ trợ áp dụng các phương pháp đào tạo mới và thực hiện đào tạo một đội ngũ giảng viên nhằm chuyển tải những kiến thức mới cho các chi nhánh NHNN.

ii) Thanh tra ngân hàng:

Hỗ trợ kỹ thuật sẽ được cung cấp nhằm cải thiện hoạt động thanh tra tại chỗ và giám sát từ xa; nâng cao hoạt động của hệ thống cảnh báo sớm; hợp lý hóa việc sử dụng dữ liệu và báo cáo từ các ngân hàng thương mại; và củng cố hoạt động giám sát, đánh giá chung hoạt động của ngành ngân hàng. Hỗ trợ kỹ thuật sẽ được cung cấp cho NHNN TW và một số chi nhánh của NHNN, nơi có nhiều hoạt động thanh tra tại chỗ được thực hiện.

Hỗ trợ kỹ thuật cũng sẽ được cung cấp nhằm củng cố chức năng kiểm toán nội bộ của NHNN nhằm đưa ra những tiêu chuẩn về hoạt động kiểm toán nội bộ, áp dụng trong toàn bộ ngành ngân hành.

iii) Hoạt động ngân hàng:

Hỗ trợ kỹ thuật trong Dự án này sẽ tập trung vào việc xây dựng các quy định và các hướng dẫn rõ ràng, phản ánh thông lệ quốc tế tốt nhất về quản lý rủi ro; quy trình cho vay và thu nợ; hoạt động kiểm soát và kiểm toán nội bộ; và hỗ trợ triển khai thực hiện những quy trình đó tại một số các ngân hàng thương mại được lựa chọn.

3. Những kết quả dự kiến:

Mục tiêu của Dự án là nhằm nâng cao sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam, với mục tiêu cuối cùng là củng cố môi trường thuận lợi cho sự phát triển khu vực tư nhân, để nâng cao khả năng tạo việc làm và đóng góp cho công cuộc giảm đói nghèo. Khi kết thúc dự án, dự kiến sẽ có các kết quả chủ yếu sau đây:

I. Cơ cấu tổ chức, quản lý và năng lực của NHNN được củng cố:

II. Hoạt động thanh tra giám sát của NHNN đối với ngành ngân hàng được nâng cao.

III. Quản trị điều hành và quản lý rủi ro trong ngành ngân hàng được cải tiến.

4. Chi phí và thời hạn:

Tổng ngân sách dự tính cho Dự án tối đa là 9.000.000 đô la Ca-na-đa và sẽ được giải ngân trong thời gian khoảng 4,5 năm, từ năm tài chính 2004/2005 đến năm tài chính 2009/2010. Ngân sách chi tiết, theo từng năm và từng lĩnh vực hoạt động chính của Dự án được nêu trong PIP.

5. Chi phí và thời hạn:

Chiến lược quản lý Dự án dựa trên nguyên tắc bền vững và quyền tự chủ của bên sở tại. CIDA sẽ ký hợp đồng với một Cơ quan thực hiện Dự án của Ca-na-đa (CEA) để quản lý toàn bộ các yêu tố của Dự án và đảm bảo rằng Dự án phù hợp với kế hoạch chiến lược chung của Chính phủ Việt Nam và bổ trợ cho các hoạt động của các nhà tài trợ khác.

Ban tham vấn cấp cao Việt Nam – Ca-na-đa sẽ được thành lập và họp định kỳ, ít nhất là hàng năm để đưa ra những định hướng lớn cho việc thực hiện Dự án. Dự án sẽ chịu chỉ đạo và giám sát trực tiếp của Ban chỉ đạo Dự án bao gồm các đại diện của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan hữu quan khác của Việt Nam. Ban chỉ đạo Dự án sẽ họp ít nhất mỗi năm hai lần để thảo luận hoạt động của Dự án và thông qua Kế hoạch công tác hàng năm. Các tổ chức, cá nhân được cử làm đại diện cho các tổ chức đó, và các điều khoản tham chiếu chi tiết của Ban chỉ đạo Dự án sẽ được quyết định trong quá trình thảo luận giữa CIDA và NHNN, và sẽ được nêu khái quát trong Kế hoạch thực hiện Dự án.

Dự án sẽ được quản lý theo nguyên tắc Quản lý dựa vào kết quả (RBM) theo hướng dẫn của CIDA. Cơ quan thực hiện dự án (CEA) sẽ xây dựng Kế hoạch thực hiện Dự án (PIP) trên cơ sở tham khảo ý kiến của các đối tác Việt Nam. Kế hoạch thực hiện Dự án sẽ xác định những kết quả dự kiến, những hoạt động cần thiết để đạt được kết quả đó, tổ chức Dự án, lịch trình thực hiện và dự báo kế hoạch giải ngân cho toàn bộ Dự án dựa trên các thông tin có sẵn. Trong quá trình xây dựng PIP, Cơ quan thực hiện Dự án đánh giá khả năng phát triển của mỗi yếu tố cũng như khả năng của mỗi yếu tố để được duy trì một cách đúng đắn sau khi Dự án kết thúc. Các hoạt động cho những năm tiếp theo sẽ được thiết kế bởi Cơ quan thực hiện Dự án, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đối tác Việt Nam, phù hợp các kết quả chung đạt được và các bài học kinh nghiệm rút ra từ hoạt động của những năm trước. Những hoạt động này sẽ được đưa vào Kế hoạch công tác hàng năm (AWP). Kế hoạch công tác hàng năm của những năm tiếp theo sẽ được đệ trình để Ban chỉ đạo Dự án phê duyệt tại thời điểm bắt đầu năm đó.

6. Nhiệm vụ của các Bên tham gia Dự án:

6.1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm phối hợp với CIDA, Cơ quan thực hiện Dự án và các cơ quan hữu quan phân công cán bộ cần thiết và đủ năng lực tham gia Dự án; triển khai các hoạt động của Dự án, bao gồm việc lập kế hoạch, lập ngân sách, triển khai, giám sát nội bộ và báo cáo; chuẩn bị và cung cấp các tài liệu cần thiết (báo cáo, tài liệu, số liệu thống kê); đảm bảo các hoạt động của dự án có tính bổ trợ cho dự án; đảm bảo các điều kiện cần thiết để hoạt động của dự án được bền vững khi dự án kết thúc; hỗ trợ CEA trong việc tạo điều kiện để đưa cán bộ các thiết bị cần thiết vào Việt Nam; trách nhiệm cụ thể của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được quy định tại PIP.

6.2. Cơ quan Phát triển quốc tế Ca-na-đa (CIDA):

CIDA chịu trách nhiệm: chỉ định một Đội trưởng Đội dự án của CIDA (PTL), người sẽ chịu trách nhiệm chính của CIDA đối với Dự án; xin mọi phê duyệt cần thiết cho việc triển khai thực hiện dự án; Lựa chọn và ký hợp đồng với Cơ quan thực hiện Dự án (CEA); phê duyệt, kiểm soát và giám sát việc giải ngân vốn CIDA; Phê duyệt Kế hoạch công tác hàng năm; rà soát và thông qua các báo cáo theo yêu cầu của Dự án; đánh giá hiệu quả hoạt động của Dự án và thực hiện các rà soát định kỳ, đặc biệt là đánh giá hiệu quả hoạt động, và thực hiện kiểm toán theo yêu cầu; thực hiện các cuộc kiểm tra tại chỗ để rà soát và giám sát Dự án; tham dự vào các cuộc họp của Ban chỉ đạo dự án và trong các cuộc họp có liên quan khác của Dự án; rà soát Thiết kế Dự án theo định kỳ trên cơ sở phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; nếu cần thiết, đề xuất, đàm phán và phê duyệt cho các điều chỉnh trong thiết kế dự án và/hoặc kế hoạch công tác hàng năm; phối hợp với các nhà tài trợ khác đang làm việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Trách nhiệm cụ thể của CIDA được quy định tại PIP.

6.3. Cơ quan thực hiện Dự án Ca-na-đa (CEA)

Một nhóm các công ty tư vấn bao gồm Công ty Tư vấn IBM Ca-na-đa, Devpar Financial consulting, và Công ty Tư vấn Gowlings đã thắng trong quy trình đấu thầu cạnh tranh, được CIDA lựa chọn và ký hợp đồng để trở thành Cơ quan thực hiện Dự án của Ca-na-đa (CEA). CEA sẽ duy trì một văn phòng tại Hà Nội với một Giám đốc thường trú người Ca-na-đa với sự hỗ trợ của một Giám đốc Dự án Ca-na-đa (CPD).

CEA, theo hợp đồng với CIDA, sẽ được giao nhiệm vụ và chịu trách nhiệm hoàn toàn cho việc triển khai thực hiện và cung cấp các kết quả dự kiến của dự án. CEA sẽ chịu trách nhiệm trước CIDA và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đạt được những kết quả đã đề ra và cũng chịu trách nhiệm về việc phân tích thường xuyên và báo cáo về những đóng góp của họ đối với việc đạt được những kết quả và thành quả của Dự án.

Cụ thể, CEA sẽ chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ sau đây với sự phối hợp chặt chẽ của NHNN: tham gia vào các công việc cùng với NHNN và các đối tác khác của Dự án, làm việc chặt chẽ và hợp tác với các đối tác, và đảm bảo rằng mối quan hệ công tác tốt được duy trì trong suốt Dự án; xây dựng Kế hoạch thực hiện Dự án (PIP), kế hoạch hàng năm, và chuẩn bị các báo cáo khác theo yêu cầu; thành lập và tuyển nhân viên và tham gia quản lý một Văn phòng Dự án tại Hà Nội cùng với đại diện Ngân hàng Nhà nước; nhận, quản lý và hạch toán nguồn vốn Dự án được CIDA ứng trước; mua sắm trang thiết bị cần thiết một cách kịp thời và thỏa đáng, phù hợp với các hoạt động mua sắm; lập kế hoạch, thực hiện và quản lý Dự án, với sự hợp tác và cộng tác của các đối tác Việt Nam theo một cách thức mà đảm bảo đạt được những kết quả phát triển của Dự án; giao nhiệm vụ, quản lý và giám sát các cán bộ dự án, bao gồm cả các bên thầu phụ, và cung cấp cho các cán bộ Dự án với các hỗ trợ hậu cần đầy đủ, bao gồm cả việc huy động và bãi bỏ các hỗ trợ, đảm bảo kết quả tối ưu về hoạt động và tài chính; xây dựng và rà soát, với sự tham gia ý kiến của các bên tham gia Dự án, điều khoản tham chiếu của các chuyên gia tư vấn Ca-na-đa và Việt Nam, bao gồm cả các nhà thầu phụ được mời để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật ngắn hạn cho Dự án; đảm bảo rằng nguồn lực Ca-na-đa và Việt Nam có chất lượng cao của dự án tạo ra kết quả với số lượng và chất lượng như yêu cầu với chi phí tối ưu; tìm kiếm, thương thảo, ký kết hợp đồng và quản lý các chuyên gia tư vấn Ca-na-đa và Việt Nam; tổ chức các khóa đào tạo, thực tập, và khảo sát tới Ca-na-đa và tới các nước khác, khi phù hợp và theo đúng kế hoạch công việc hàng năm; hỗ trợ các biện pháp đánh giá hoạt động thường xuyên và hợp tác đầy đủ với cơ quan đánh giá và kiểm toán theo yêu cầu của CIDA; chuẩn bị và đệ trình các báo cáo tiến độ, kết quả hoạt động, báo cáo tài chính cho CIDA và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dựa trên mẫu báo cáo và nguyên tắc của phương pháp RBM (quản lý dựa trên kết quả) của CIDA, và đệ trình CIDA và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam một cách kịp thời, chính xác, cô đọng, rõ ràng và đầy đủ; xây dựng hệ thống truyền thông dự án và đảm bảo hoạt động truyền thông hiệu quả và hữu ích và liên lạc giữa CIDA và các đối tác Việt Nam được dự án hỗ trợ, các nhà tài trợ khác và các tổ chức có liên quan; đảm bảo rằng thứ tự ưu tiên trong chương trình của CIDA và các vấn đề xuyên suốt được đề cập trong việc xây dựng kế hoạch dự án và thực hiện dự án; thông báo cho CIDA và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các tình huống có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện Dự án; trách nhiệm cụ thể của CEA được quy định trong PIP.

7. Thiết bị và tài sản của Dự án

Trong thời gian thực hiện Dự án, toàn bộ thiết bị và tài sản được mua sắm bằng nguồn vốn do phía Ca-na-đa đóng góp cho Dự án sẽ được sử dụng riêng cho các hoạt động Dự án cụ thể, đã được phê duyệt. Khi kết thúc Dự án, Ban chỉ đạo Dự án sẽ quyết định việc thanh lý các tài sản và thiết bị còn lại, phù hợp với các quy định của CIDA về thanh lý tài sản cố định./.