Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NGOẠI GIAO

******

 

Số: 92/2005/LPQT

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2005 

 

Bản ghi nhớ giữa Ủy ban sông Mê Công Việt Nam và Ủy ban sông Mê Công Căm-pu-chia về tăng cường hợp tác và điều phối công tác quản lý và phát triển tài nguyên nước vùng biên giới Việt Nam - Căm-pu-chia thuộc lưu vực sông Mê Công có hiệu lực từ ngày 10 tháng 10 năm 2005.

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP
 VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG
 



Nguyễn Thị Hoàng Anh

 

BẢN GHI NHỚ

GIỮA ỦY BAN SÔNG MÊ CÔNG VIỆT NAM VÀ ỦY BAN SÔNG MÊ CÔNG CĂM-PU-CHIA VỀ TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC VÀ ĐIỀU PHỐI CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN TÀI NGUYÊN NƯỚC VÙNG BIÊN GIỚI VIỆT NAM - CĂM-PU-CHIA THUỘC LƯU VỰC SÔNG MÊ CÔNG

Ủy ban sông Mê Công Việt Nam (VNMC) và Ủy ban sông Mê Công Căm-pu-chia (CNMC), dưới đây gọi tắt là “các Bên”,

Nhận thức được tầm quan trọng của việc tăng cường và đẩy mạnh hợp tác và Điều phối các hoạt động liên quan trong phát triển và quản lý tài nguyên nước vùng biên giới Việt Nam - Căm-pu-chia thuộc lưu vực sông Mê Công,

Ghi nhận tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước và sự hợp tác tốt đẹp trên tinh thần Mê Công của các Bên,

Ghi nhận Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công, được ký giữa bốn nước hạ lưu sông Mê Công ngày 05 tháng 4 năm 1995 tại Chiềng Rai, Thái Lan,

thỏa thuận như sau:

Điều 1. Mục tiêu

Bản ghi nhớ này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ chế được hai nước thiết lập liên quan đến phát triển và quản lý tài nguyên nước vùng biên giới Việt Nam - Căm-pu-chia thuộc lưu vực sông Mê Công.

Điều 2. Nguyên tắc

Việc thực hiện Bản ghi nhớ này giữa các Bên được dựa trên các nguyên tắc sau:

- Cùng có lợi,

- Kịp thời,

- Hiệu quả và có ích,

- Môi trường lành mạnh, và

- Minh bạch.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

Các Bên, thông qua cơ quan điều phối của mình là Văn phòng Thường trực hoặc Ban Thư ký sẽ thường xuyên và tiếp xúc chặt chẽ với nhau qua bất kỳ phương tiện thuận lợi nào như thư tín, FAX hoặc thư điện tử để trao đổi thông tin và thực hiện kịp thời.

Các Bên trong phạm vi thẩm quyền và tổ chức thực hiện của mình, sẽ phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm thực hiện các hoạt động phát triển và quản lý tài nguyên nước vùng biên giới Việt Nam - Căm-pu-chia thuộc lưu vực sông Mê Công nhằm phát huy tối đa các lợi ích chung và giảm thiểu tác động tiêu cực đối với mỗi bên.

Điều 4. Các phiên họp

Các Bên đồng ý tiến hành các phiên họp thường kỳ để trao đổi thông tin và xem xét tiến trình hợp tác và tổ chức các chuyến thăm khi cần thiết. Các phiên họp sẽ được tổ chức thông qua trao đổi thích hợp giữa các Bên.

Trong trường hợp cần thiết, được sự thỏa thuận của các Bên, bên thứ ba có liên quan bao gồm cả Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công có thể được mời tham dự một số hoạt động hoặc cuộc họp.

Điều 5. Sửa đổi và bổ sung

Bản ghi nhớ này có thể được sửa đổi hoặc bổ sung theo thỏa thuận của các Bên.

Điều 6. Hiệu lực và chấm dứt hiệu lực

Bản ghi nhớ này sẽ có hiệu lực kể từ ngày ký. Bản ghi nhớ sẽ có giá trị trong hai năm và mặc nhiên gia hạn từng năm một, trừ khi một Bên thông báo cho Bên kia bằng văn bản trước ngày hết hiệu lực 3 tháng về ý định chấm dứt hiệu lực Bản ghi nhớ này.

Làm tại Hà Nội, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 10 tháng 10 năm 2005, thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng Khơ Me, và tiếng Anh; các văn bản đều có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau, văn bản tiếng Anh sẽ được dùng làm căn cứ.

 

ĐẠI DIỆN ỦY BAN
SÔNG MÊ CÔNG CĂM-PU-CHIA
BỘ TRƯỞNG BỘ THỦY LỢI VÀ KHÍ TƯỢNG,
CHỦ TỊCH ỦY BAN
SÔNG MÊ CÔNG CĂM-PU-CHIA
 



Lim Kean Hor

ĐẠI DIỆN ỦY BAN
SÔNG MÊ CÔNG VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN,
CHỦ TỊCH ỦY BAN
SÔNG MÊ CÔNG VIỆT NAM
 


Cao Đức Phát