Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1620/BC-BNN-KTHT

Hà Nội, ngày 29 tháng 05 năm 2012

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ XÓA BỎ, THAY THẾ CÂY CHỨA CHẤT MA TÚY 6 THÁNG ĐẦU NĂM VÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỐI NĂM 2012

Thực hiện Văn bản số 1359/BCA-C41 ngày 04/5/2012 của Bộ Công an về việc sơ kết công tác phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, phòng chống mua bán người 6 tháng đầu năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo kết quả chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi cây trồng thay thế, xóa bỏ cây chứa chất ma túy 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2012 như sau:

I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN:

1. Về thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước

a) Phối hợp với cơ quan thường trực để triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng đầu năm:

- Hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG phòng chống ma túy giai đoạn 2011 - 2015 (Công văn số 1007/BNN-KTHT ngày 09/4/2012 về việc tham gia dự thảo CTMTQG Phòng, chống ma túy 2012-2015).

- Hoàn chỉnh Chương trình công tác năm 2012 của Ủy ban Quốc gia (Công văn số 814/BNN-KTHT ngày 23/3/2012 về việc góp ý dự thảo chương trình công tác năm 2012 của UBQG phòng chống ma túy, mại dâm).

b) Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ xóa bỏ, thay thế cây chứa chất ma túy niên vụ 2011-2012

- Ban hành văn bản đôn đốc các địa phương tăng cường kiểm tra phát hiện, phá nhổ diện tích tái trồng và hướng dẫn nội dung, mẫu biểu báo cáo tại Công văn số 907/BNN-KTHT ngày 30/3/2012 hướng dẫn các địa phương báo cáo kết quả xóa bỏ cây chứa chất ma túy niên vụ 2011 - 2012.

- Tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc các địa phương trọng điểm thực hiện nhiệm vụ trong những tháng cao điểm về tái trồng cây chứa chất ma túy tại Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu.

c) Hoàn thành các báo cáo, tài liệu theo yêu cầu của Ủy ban Quốc gia và Cơ quan thường trực chương trình về tổng kết, phục vụ các Hội nghị:

- Báo cáo sơ kết 04 năm thực hiện Chỉ thị 21/CT-TW của Bộ Chính trị về công tác phòng chống ma túy (Báo cáo số 209/BCS-BC ngày 17/01/2012);

- Báo cáo kết quả nhiệm vụ xóa bỏ thay thế cây chứa chất ma túy năm 2011 và kế hoạch năm 2012 (Báo cáo số 120/BC-BNN-KTHT ngày 16/01/2012);

- Báo cáo sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình MTQG phòng, chống ma túy năm 2011 (Báo cáo số 430/BNN-KTHT ngày 27/02/2012);

- Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Kế hoạch số 83/2007/KH-UBQG(BCA) ngày 11/7/2007 về việc phối hợp phòng chống ma túy vùng Tây Bắc và các tỉnh thành phố có liên quan (Báo cáo số 15/BC-KTHT-PTNT ngày 22/5/2012);

- Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2012;

- Tổng hợp kết quả phát hiện và phá nhổ diện tích tái trồng cây chứa chất ma túy của các địa phương niên vụ 2011 - 2012.

d) Hoàn chỉnh các thủ tục để triển khai thực hiện kinh phí quản lý chỉ đạo sau khi được giao kế hoạch năm 2012.

2. Kết quả xóa bỏ, thay thế cây chứa chất ma túy niên vụ 2011-2012

Theo báo cáo của 54/63 tỉnh, thành phố, tình hình tái trồng cây chứa chất ma túy niên vụ 2011 - 2012 vẫn tiếp tục tăng so với niên vụ trước về diện tích khoảng 48.000 m2 (tương đương 14%).

Trong 54 địa phương báo cáo, có 27 tỉnh đã phát hiện, triệt phá được 378.024 m2 tái trồng cây chứa chất ma túy trên địa bàn, trong đó diện tích tái trồng cây thuốc phiện 339.853 m2 (chiếm 90%) và cây cần sa 38.171 m2 (chiếm 10%). Một số địa phương có diện tích tái trồng với quy mô lớn, cụ thể như sau:

- Tái trồng cây thuốc phiện ở các tỉnh: Sơn La 175,58 m2 (tăng 25.593 m2 so niên vụ trước), Điện Biên 82.109 m2 (tăng 48.143 m2 so niên vụ trước), Lai Châu 54.690 m2, Nghệ An 12.270 m2 (tăng 3.770 m2 so niên vụ trước), Phú Thọ (10.032 m2), Yên Bái 2.400 m2, …;

- Tái trồng cây Cần sa tại Đắc Nông 23.888 m2, Lâm Đồng 6.335 m2, Bình Phước 3.419 m2, Bình Dương 1.155 m2, Tiền Giang 1.032 m2, Kiên Giang 646 m2, …

Mặc dù các đối tượng tái trồng có nhiều hình thức đối phó với cơ quan chức năng, nhưng được sự chỉ đạo kịp thời của Ủy ban quốc gia và quyết tâm của các địa phương nên đã kịp thời phát hiện và triệt phá toàn bộ diện tích tái trồng trên địa bàn. Để hạn chế trình trạng tái trồng, các địa phương đã tập trung xác định đối tượng tái trồng, có biện pháp xử lý phù hợp. Trong đó biện pháp đưa ra kiểm điểm và giáo dục trước cộng đồng đang phát huy rất hiệu quả ở nhiều địa phương.

(Chi tiết theo biểu đính kèm)

4. Đánh giá chung

a) Thuận lợi:

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được sự chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Ủy ban quốc gia;

- Có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của Bộ Công an, cơ quan thường trực Chương trình;

- Các địa phương tích cực, chủ động triển khai thực hiện và phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

- Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo xây dựng các Đề án phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng và khí hậu của từng vùng trên địa bàn để tập trung đầu tư giúp người dân có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo, nhất là vùng có nguy cơ tái trồng cây chứa chất ma túy.

b) Khó khăn:

- Tình hình tái trồng cây chứa chất ma túy vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Diện tích và địa bàn tái trồng đang tiếp tục gia tăng.

- Việc kiểm tra, phát hiện và triệt phá càng gặp nhiều khó khăn do đối tượng tái trồng ngày càng có nhiều cách thức tinh vi hơn để đối phó với các cơ quan chức năng, địa bàn tái trồng ở vùng xa xôi, hẻo lánh chỉ sử dụng xe máy và đi bộ mới đến được. Trong điều kiện thời vụ tái trồng cây thuốc phiện tập trung vào cuối năm, lực lượng tham gia đoàn kiểm tra không thể đi quá dài ngày vì còn phải tập trung giải quyết nhiều công việc cuối năm. v.v.

- Nhận thức của cán bộ, người dân ở nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa về chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước về xóa bỏ, thay thế cây chứa chất ma túy còn chưa đầy đủ, thống nhất. Đặc biệt cán bộ và người dân chưa nhận biết được cây có chất ma túy để không trồng hoặc giúp các cơ quan chức năng phát hiện kịp thời.

- Kế hoạch năm 2012 của các chương trình mục tiêu quốc gia nói chung và chương trình phòng, chống ma túy nói riêng giao chậm, đến hết tháng 4 năm 2012 chưa có thông báo vốn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

c) Nguyên nhân:

- Đồng bào vùng cao đã có tập quán trồng và sử dụng thuốc phiện từ lâu đời, số người nghiện thuốc phiện còn nhiều; đời sống còn quá khó khăn, trong khi lợi nhuận mang lại từ việc trồng cây chứa chất ma túy cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác.

- Cây thuốc phiện là một loại cây dễ trồng, gắn với canh tác nương rẫy, thích nghi với khí hậu thời tiết vùng cao. Sản phẩm bảo quản, chế biến đơn giản, vận chuyển gọn nhẹ rất thuận lợi với điều kiện giao thông khó khăn ở vùng cao như hiện nay.

- Công tác chỉ đạo, quản lý địa bàn, kiểm tra, giám sát và xử lý của chính quyền ở một số địa phương còn chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết. Trong đó còn có sự nể nang vì mối quan hệ gia đình, dòng tộc và thân quen.

- Một số tỉnh khu vực Tây Bắc có biên giới với nước láng giềng, đồng bào sang đất của nhau để trồng do đó phần lớn diện tích bị phát hiện ở những vùng giáp ranh hầu như vô chủ, rất khó khi xử lý và kiểm soát quản lý địa bàn.

- Tình trạng buôn bán, tàng trữ, nghiện hút tuy đã được xử lý quyết liệt nhưng vẫn còn lớn, tác động quy luật cung cầu, kích thích số hộ trồng thuốc phiện để hút tại chỗ và buôn bán.

- Quan hệ phối hợp giữa các ngành, các vùng, chính quyền các cấp đã được thực hiện song ở một số địa phương còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ, cán bộ thực hiện chủ yếu là kiêm nhiệm, không có cán bộ chuyên trách. Việc phát hiện trồng và phá nhổ vẫn là chính quyền cấp xã, thôn, bản, dẫn đến một số nơi còn thiếu biện pháp kiểm tra, quản lý và giám sát địa bàn trong việc phát hiện, xử lý hộ tái trồng, buôn bán và nghiện hút.

II. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ 6 THÁNG CUỐI NĂM 2012

Trước thực trạng tình hình ma túy trong nước cũng như khu vực đang diễn biến hết sức phức tạp, diện tích cây chứa chất ma túy còn tiềm ẩn tái trồng ở nhiều địa phương trên cả nước khá lớn, nhất là các địa phương có chung đường biên giới với các nước láng giếng. Vì vậy trong những tháng cuối năm 2012 cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xóa bỏ tái trồng cây thuốc phiện và tập trung vào một số giải pháp chính như sau:

1. Tổ chức tuyên truyền pháp luật phòng, chống ma túy

Tiếp tục chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền vận động, áp dụng nhiều biện pháp, đa dạng như báo nói, báo hình, tờ rơi, hội thảo, hội nghị; phát sóng bằng tiếng dân tộc, tuyên truyền luật phòng, chống ma túy giúp cán bộ, người dân nâng cao nhận thức, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để phát hiện, phá nhổ diện tích tái trồng cây chứa chất ma túy. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến triển khai một số nhiệm vụ cụ thể như sau:

- Xây dựng phóng sự bằng hình ảnh và các bài viết để phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam bằng một số tiếng dân tộc chủ yếu. Phối hợp với báo Nông thôn ngày nay đưa tin về các điển hình tốt, kết quả triển khai thực hiện ở các địa phương trọng điểm và tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước nhằm thực hiện nhiệm vụ xóa bỏ, thay thế cây chứa chất ma túy;

- In và phát hành sách về các văn bản của Đảng và Nhà nước, quy định của các ngành liên quan về thực hiện nhiệm vụ xóa bỏ, thay thế cây chứa chất ma túy.

2. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát

Bằng các văn bản chỉ đạo, tổ chức các đoàn công tác phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, nắm tình hình tái trồng và giúp các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tuyên truyền, vận động cấm trồng cây chứa chất ma túy tại một số tỉnh trọng điểm ở các địa phương như:

- Tổ chức 03 - 04 đoàn công tác liên ngành kiểm tra một số tỉnh trọng điểm của 3 miền.

- Tổ chức đoàn kiểm tra định kỳ, nhất là vào thời vụ tái trồng ở các địa phương có nguy cơ tái trồng cao trên địa bàn cả nước, như: Yên Bái, Lào Cai, Lạng Sơn, Điện Biên, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, Đắc Nông, Gia Lai, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Vĩnh Long, Cần Thơ, Cà Mau, ………

3. Triển khai thực hiện tốt Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn

- Tập trung chỉ đạo công tác chuyển đổi cơ cấu sản xuất, lồng ghép các chương trình nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống và ổn định đời sống cho đồng bào người dân nông thôn đặc biệt là vùng sâu, vùng xa và vùng cao.

- Lồng ghép các chương trình, dự án, tập trung vốn đầu tư tại các xã vùng trọng điểm tái trồng, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn người dân ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm tăng thu nhập cho nông dân.

4. Quy hoạch, bố trí lại dân cư, định canh định cư cho đồng bào

Tiếp tục triển khai và thực hiện tốt công tác quy hoạch, bố trí dân cư, nhất là bố trí dân cư vùng biên giới, nghiên cứu xây dựng chính sách hậu tái định cư tạo điều kiện cho đồng bào yên tâm sản xuất, cũng như quản lý, vận động không tái trồng cây thuốc phiện.

5. Làm tốt công tác thi đua khen thưởng và xử phạt nghiêm minh theo pháp luật

Tổ chức tốt công tác thi đua, khen thưởng đối với tập thể và cá nhân, đồng thời kiên quyết xử phạt nghiêm minh những hộ, cá nhân cố tình tái trồng và vi phạm Luật phòng, chống ma túy theo quy định của pháp luật.

III. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

1. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia Phòng, chống ma túy giai đoạn 2011-2015, trong đó bổ sung, làm rõ nhiệm vụ về xóa bỏ thay thế cây chứa chất ma túy và giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện theo các văn bản của Đảng và Chính phủ đã phân công.

2. Đề nghị Ủy ban quốc gia chỉ đạo, phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan trung ương và địa phương trong việc phối hợp triển khai nhiệm vụ xóa bỏ thay thế cây chứa chất ma túy trên địa bàn cả nước nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ xóa bỏ cây chứa chất ma túy được bền vững.

3. Đề nghị Cơ quan thường trực chương trình tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế để hỗ trợ kinh nghiệm, nguồn lực để thực hiện các mục tiêu đề ra, trong đó có nội dung xóa bỏ, thay thế cây chứa chất ma túy ở các tỉnh trọng điểm.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Công an;
- Bộ trưởng Cao Đức Phát (B/c);
- VPTT phòng chống ma túy;
- Lưu VT, KTHT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Đăng Khoa

 

BIỂU 01

TỔNG HỢP DIỆN TÍCH TÁI TRỒNG CÂY CHỨA CHẤT MA TÚY NIÊN VỤ 2011 - 2012
(Kèm theo Báo cáo 1620/BC-BNN-KTHT ngày 29/5/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT)

TT

TỈNH

Huyện

Số hộ tái trồng

Diện tích tái trồng và phá nhổ (m2)

Tổng số

Cây thuốc phiện

Cây cần sa

 

TỔNG CỘNG

74

126

156

378,024

339,853

38,171

1

Hà Giang

6

7

11

151

151

 

2

Cao Bằng

4

4

2

108

108

 

3

Bắc Kạn

2

7

7

340

340

 

4

Lạng Sơn

5

9

23

257

216

41

5

Phú Thọ

2

2

 

10,032

10,000

32

6

Lào Cai

2

2

 

120

120

 

7

Yên Bái

3

5

 

3,643

3,643

 

8

Lai Châu

3

6

 

54,690

54,690

 

9

Điện Biên

5

18

 

82,109

82,109

 

10

Sơn La

7

12

 

175,583

175,583

 

11

Hòa Bình

2

2

2

60

60

 

12

Thanh Hóa

1

4

4

564

564

 

13

Nghệ An

1

1

 

12,270

12,270

 

14

Khánh Hòa

 

3

13

18

 

18

15

Đắc Nông

2

2

4

23,888

 

23,888

16

Lâm Đồng

5

6

7

6,335

 

6,335

17

Bình Phước

6

8

18

3,419

 

3,419

18

Bình Dương

1

2

3

1,155

 

1,155

19

Đồng Nai

3

4

4

105

 

105

20

Bình Thuận

4

4

13

194

 

194

21

Bà Rịa-Vũng Tàu

1

1

1

150

 

150

22

Tiền Giang

3

4

5

1,032

 

1,032

23

Kiên Giang

 

3

20

646

 

646

24

Cần Thơ

1

4

5

100

 

100

25

Hậu Giang

3

3

5

387

 

387

26

Trà Vinh

1

1

2

35

 

35

27

Cà Mau

1

2

7

634

 

634