UỶ BAN THƯỜNG VỤ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 164/BC-UBTVQH13 | Hà Nội, ngày 11 tháng 6 năm 2012 |
BÁO CÁO
GIẢI TRÌNH, TIẾP THU Ý KIẾN CÁC VỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VỀ DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2013, ĐIỀU CHỈNH CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2012 VÀ NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHOÁ XIII
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Trong các ngày 28 tháng 5 và 01 tháng 6 năm 2012, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở Tổ và Hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội tán thành với dự kiến Chương trình do Ủy ban thường vụ Quốc hội trình; đồng thời, góp thêm nhiều ý kiến về các nội dung cụ thể. Trên cơ sở thảo luận ở Tổ và Hội trường, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban pháp luật, Bộ tư pháp và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.
Tiếp theo Báo cáo ngày 01 tháng 6 năm 2012 dự kiến giải trình, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội kính trình Quốc hội Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.
I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH CỦA QUỐC HỘI NHIỆM KỲ KHÓA XIII
1. Đánh giá tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến nay
Các vị đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với những đánh giá trong báo cáo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về những mặt được, chưa được trong việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến nay. Đồng thời, các vị đại biểu Quốc hội cũng đã phân tích và làm rõ thêm nguyên nhân của việc chưa hoàn thành Chương trình.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội xin được tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội và sẽ cùng với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục những yếu kém, tồn tại trong việc xây dựng và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong quá trình lập dự kiến Chương trình; tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội thực hiện quyền kiến nghị về luật của mình; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội phần về xây dựng pháp luật khi được Quốc hội thông qua và các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
2. Về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012
- Nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tán thành với đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng, luật pháp lệnh năm 2012, trong đó thể hiện sự nhất trí cao với việc bổ sung dự án Luật biển Việt Nam vào Chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 3, bổ sung dự án Luật việc làm, Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi) vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4.
Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, để giải quyết các bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giữ dự án Luật đất đai (sửa đổi) trong Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 theo đúng Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012.
Các dự án Luật thư viện, Luật quy hoạch và Luật đô thị đều thuộc Chương trình nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, cho đến thời điểm này chưa xác định rõ phạm vi và các chính sách của luật, do đó đề nghị chưa đưa vào Chương trình năm 2012, năm 2013.
- Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, giá điện là vấn đề rất quan trọng, liên quan đến cuộc sống hằng ngày của người dân. Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật điện lực lần này, ngoài vấn đề về giá điện, còn có nhiều vấn đề khác như đã nêu trong Tờ trình Quốc hội và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật điện lực. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ việc trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật này theo quy trình tại hai kỳ họp Quốc hội để bảo đảm tiến độ và chất lượng dự án.
- Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị chuyển dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) từ Chương trình năm 2013 lên Chương trình năm 2012 nhằm sớm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI (Nghị quyết Trung ương 5); một số ý kiến đề nghị giữ trong Chương trình năm 2013 như dự kiến.
Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, Nghị quyết Trung ương 5 đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, trong đó có một số nội dung liên quan đến việc sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng, như việc thay đổi mô hình Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, không tổ chức Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; việc công khai kết quả kê khai tài sản, thu nhập ở nơi công tác và nơi cư trú; từng bước mở rộng diện kê khai và phạm vi công khai việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức... Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, sớm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, tiếp thu nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vào Chương trình năm 2012 để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2012) theo quy trình xem xét, thông qua tại một kỳ họp.
3. Về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII
- Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành bổ sung các dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi), Luật đầu tư (sửa đổi), Luật ban hành quyết định hành chính vào Chương trình nhiệm kỳ khoá XIII như đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Có ý kiến cho rằng, trong hồ sơ trình dự án mới chỉ nói đến sự cần thiết ban hành dự án mà chưa rõ việc chuẩn bị dự án như thế nào nên đề nghị cân nhắc nếu chuẩn bị chưa tốt thì chưa bổ sung vào Chương trình.
Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau:
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức làm việc với cơ quan thẩm tra, cơ quan trình dự án, các cơ quan hữu quan về tình hình thực tế chuẩn bị các dự án luật này và nhận thấy các dự án luật này đã đáp ứng các yêu cầu về hồ sơ để đưa vào Chương trình nhiệm kỳ. Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung các dự án này vào Chương trình nhiệm kỳ khóa XIII và sẽ cân nhắc một cách kỹ lưỡng cả về chất lượng, tiến độ chuẩn bị trình Quốc hội đưa các dự án này vào Chương trình hằng năm khi đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm sự đồng bộ với việc sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) vào Chương trình nhiệm kỳ khóa XIII; đồng thời, đề nghị đưa dự án này vào Chương trình năm 2013 để cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 5 theo quy trình xem xét, thông qua tại một kỳ họp.
- Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” vào Chương trình nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và Chương trình năm 2012.
- Đối với dự án Luật cảnh vệ, Luật kiến trúc sư, Luật khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, Luật khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư, như đã trình bày với Quốc hội tại Tờ trình số 136/TTr-UBTVQH13, đề nghị Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu tổng kết thi hành pháp luật hiện hành, chuẩn bị hồ sơ và sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định đưa vào Chương trình khi đã có đủ điều kiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 dự án Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính tại Tòa án nhân dân. Ý kiến khác đề nghị chưa đưa dự án Pháp lệnh này vào Chương trình.
Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị đưa dự án Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân vào Chương trình để triển khai thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính sau khi được Quốc hội xem xét, thông qua.
- Đối với các dự án còn lại là Luật bảo vệ an toàn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, Luật trọng dụng nhân tài, Luật cảnh vệ mới chỉ là đề xuất về tên dự án, chưa có hồ sơ, thuyết minh, chưa nêu rõ phạm vi điều chỉnh, nội dung, chính sách cần điều chỉnh nên đề nghị các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu để đề nghị Quốc hội đưa vào Chương trình khi có đủ điều kiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đối với kiến nghị xây dựng luật, đền bù, hỗ trợ, thu hồi đất và tái định cư là cần thiết để xử lý các vấn đề bất cập hiện nay, nhưng đây là các vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đất đai nên sẽ được quy định và cụ thể hóa trong Luật đất đai (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 (trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 4), dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 5 vào năm 2013
II. VỀ DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NĂM 2013
- Đa số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tán thành với định hướng lập Chương trình và dự kiến các dự án luật, pháp lệnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 như nêu trong Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Có ý kiến nhấn mạnh một số định hướng cần tập trung trong việc lập dự kiến Chương trình.
Ủy ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội là phải bám sát các định hướng đặt ra trong việc xây dựng Chương trình, đánh giá mức độ chuẩn bị, thứ tự ưu tiên của từng dự án để xây dựng Chương trình phù hợp, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, khắc phục tình trạng “dễ làm, khó để lại”.
- Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật tiếp công dân, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú tại kỳ họp thứ 5, vì cần có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị. Với lý do như đã trình bày tại Báo cáo ngày 01 tháng 6 năm 2012 dự kiến giải trình, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ việc xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú, cho ý kiến về dự án Luật tiếp công dân tại kỳ họp thứ 5.
- Có ý kiến đề nghị giảm bớt số lượng dự án trong Chương trình kỳ họp thứ 6, vì kỳ họp này phải dành thời gian cho việc xem xét, thông qua Hiến pháp năm 1992 sửa đổi.
Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, trong tổng số 20 dự án trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 đã có đến 10/20 dự án sửa đổi, bổ sung một số điều, 5/20 dự án sửa đổi nên sẽ bảo đảm quỹ thời gian cho việc xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và các dự án được đưa vào Chương trình. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự kiến. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm chuẩn bị tốt các dự án để bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Quốc hội.
- Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị tách dự án Luật đầu tư công, mua sắm công thành hai dự án riêng biệt là Luật đầu tư công và Luật mua sắm công.
Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, đầu tư công, mua sắm công là hai vấn đề có mối quan hệ với nhau. Việc xây dựng dự án Luật điều chỉnh cả hai vấn đề này đã được Quốc hội thảo luận và quyết định khi thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và của nhiệm kỳ khóa XIII. Hiện dự án này đang được cơ quan soạn thảo chuẩn bị. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự kiến. Tại kỳ họp thứ 4 sắp tới, sau khi xem xét cụ thể phạm vi, nội dung của dự án Luật này trên cơ sở hồ sơ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của cơ quan thẩm tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ xem xét trình Quốc hội quyết định.
- Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị chuyển các dự án Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) từ Chương trình chuẩn bị sang Chương trình chính thức. Có ý kiến đề nghị cân nhắc, chưa đưa dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân vào Chương trình. Có ý kiến đề nghị bổ sung dự án Luật biểu tình, Luật tố tụng lao động, Luật an toàn thông tin số, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, Luật tạm giữ, tạm giam vào Chương trình năm 2013. Có ý kiến đề nghị không bổ sung dự án Luật biểu tình vào Chương trình năm 2013.
Ủy ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉ đạo các cơ quan hữu quan rà roát từng dự án, bám sát các định hướng đặt ra, xem xét sự cần thiết, phạm vi điều chỉnh, các nội dung cơ bản của từng dự án, thứ tự ưu tiên, quỹ thời gian của Quốc hội dành cho công tác xây dựng pháp luật để bảo đảm tính khả thi của Chương trình. Các dự án đã được đưa vào Chương trình nhiệm kỳ cũng phải được tích cực chuẩn bị, đặc biệt là các dự án liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho quán triệt nguyên tắc xuyên suốt trong việc xem xét, đưa các dự án vào Chương trình bảo đảm đảm đúng các định hướng đã đặt ra và theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật về hồ sơ và thủ tục, trình tự đề xuất dự án vào Chương trình. Do đó, đề nghị Quốc hội cho được giữ như dự kiến.
- Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung các dự án luật có liên quan đến Đề án tái cơ cấu nền kinh tế được trình Quốc hội tại kỳ họp này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, ngoài một số dự án luật phải sửa đổi, bổ sung để thực hiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế đã được đưa vào Chương trình như Luật doanh nghiệp (sửa đổi), Luật đầu tư (sửa đổi), Luật đầu tư công, mua sắm công, Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi)..., đề nghị Quốc hội cho bổ sung dự án Luật phá sản (sửa đổi), Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh vào Chương trình năm 2013. Các dự án luật còn lại tại thời điểm này chưa xác định được cụ thể phạm vi sửa đổi, chính sách cần sửa đổi hoặc ban hành mới, các điều kiện bảo đảm thực hiện. Do đó, đề nghị Quốc hội giao Chính phủ chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, đề xuất, chuẩn bị hồ sơ các dự án luật cần thiết phải sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phúc đáp yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế và trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 4 để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 gồm 32 dự án luật, 4 dự án pháp lệnh trong Chương trình chính thức và 18 dự án luật trong Chương trình chuẩn bị (xem dự thảo Nghị quyết kèm theo).
3. Về các biện pháp bảo đảm thực hiện Chương trình
- Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với các biện pháp bảo đảm thực hiện Chương trình như trong Tờ trình Quốc hội. Đồng thời, kiến nghị thêm một số giải pháp cụ thể để tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng luật, pháp lệnh, xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức thực hiện tốt Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và đã bổ sung vào dự thảo Nghị quyết.
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Trên đây là Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII. Uỷ ban thường vụ Quốc hội kính trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI |
- 1 Nghị quyết 23/2012/QH13 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, điều chỉnh năm 2012 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII do Quốc hội ban hành
- 2 Nghị quyết 20/2011/QH13 về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII do Quốc hội ban hành
- 3 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008
- 4 Luật Cư trú 2006
- 5 Luật Đầu tư 2005
- 6 Luật Doanh nghiệp 2005
- 7 Luật Điện Lực 2004
- 8 Luật Phá sản 2004
- 9 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004
- 10 Luật Ngân sách Nhà nước 2002