Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG CỤC HẢI QUAN
CỤC HẢI QUAN
TỈNH THANH HÓA

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1811/BC-HQTH

Thanh Hóa, ngày 03 tháng 12 năm 2012

 

BÁO CÁO

TỔNG KẾT CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO VÀ GIẢM NHẸ THIÊN TAI NĂM 2012 - PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2013

Thực hiện công điện số 287 ngày 30/11/2012 của Tổng cục Hải quan (Vụ Tài vụ - Quản trị); căn cứ quy định tại điều 16, Quyết định số 1776/QĐ-BTC ngày 13/7/2012 của Bộ Tài chính ban hành Quy chế phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tài chính, Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa báo cáo Tổng kết công tác Phòng, chống lụt, bão và giảm nhẹ thiên tai năm 2012 - Phương hướng, nhiệm vụ năm 2013. Cụ thể như sau:

I. CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO NĂM 2012

1. Tình hình thời tiết, thiên tai năm 2012:

Mùa mưa, bão, lũ năm 2012, trên địa bàn quản lý của Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa (gồm Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình và Hà Nam) chịu ảnh hưởng trực tiếp của 2 cơn bão (bão số 4 - tháng 7/2012, bão số 8 - tháng 10/2012) và đợt lũ lụt tháng 9/2012.

2. Công tác chỉ đạo và chuẩn bị phòng, chống lụt, bão:

a) Công tác chỉ đạo:

- Văn phòng Cục cùng với Phòng Tổ chức cán bộ trình Lãnh đạo Cục ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão và biên chế lực lượng thường trực cơ quan Cục trong mùa mưa bão.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lập danh sách lực lượng thường trực phòng chống lụt bão tại đơn vị. Trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện và trực tiếp về việc huy động mọi nguồn lực của đơn vị, chủ động ứng phó với các loại thiên tai đột xuất; Nghiêm túc thực hiện mệnh lệnh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão địa phương nơi đơn vị đóng trụ sở.

- Bộ phận Quản trị và Thông tin của Văn phòng Cục chịu trách nhiệm theo dõi diễn biến thời tiết, chủ động báo cáo với Ban chỉ đạo để thông tin liên lạc với các đơn vị trực thuộc sẵn sàng huy động phương tiện, lực lượng thường trực để ứng phó kịp thời khi xảy ra bão lụt, lũ quét, lốc xoáy.

- Khi có bão lụt, lốc xoáy... lực lượng thường trực có trách nhiệm chằng chống nhà cửa, di dời tài sản, phương tiện làm việc, tài liệu về khu vực an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra...

b) Công tác chuẩn bị:

- Tổ chức lực lượng và phân công theo dõi diễn biến của thời tiết để có kế hoạch, biện pháp công tác thích hợp.

- Chấp hành nghiêm túc Quyết định số 63/2002/QĐ-TTg ngày 20/5/2002 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư; phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ).

- Lực lượng thường trực, Đội xe, Đội tàu sẵn sàng phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng hữu quan cứu nạn khi có yêu cầu.

- Dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, thuốc men để đề phòng bị chia cắt do bão lụt dài ngày.

3. Kết quả thực hiện công tác phòng chống lụt bão:

a) Kết quả công tác phòng, chống lụt, bão:

Năm 2012, các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình và Hà Nam) chịu ảnh hưởng trực tiếp của 2 cơn bão, riêng tỉnh Thanh Hóa bị ảnh hưởng nặng nề của đợt lũ lụt tháng 9/2012. Do thực hiện tốt công tác chuẩn bị phòng chống lụt bão và chủ động tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống, ứng phó kịp thời nên đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ được tài sản cơ quan, tính mạng của cán bộ, công chức.

- Chế độ thường trực phòng chống lụt bão đảm bảo nghiêm túc, đúng quy định. Thực hiện tốt công tác theo dõi, bám sát diễn biến của thiên tai nên đã chủ động triển khai ứng phó kịp thời, phù hợp với diễn biến mưa, lũ, bão và áp thấp nhiệt đới trong năm.

b) Thiệt hại do thiên tai:

- Gió bão giật vỡ 02 bộ cửa sổ tại Trụ sở Cục.

- Đổ ngã 03 cây xanh tại Trụ sở Cục và Chi cục Hải quan Nam Định.

- Tốc mái tôn nhà để xe, giật đổ 01 cột cờ tại Trụ sở Hải quan Nam Định, gió phá hỏng toàn bộ quạt thông gió...

c) Biện pháp khắc phục:

Sửa chữa lại công trình, tài sản bị hư hại do bão, lụt gây ra. Trồng lại cây xanh bị đổ ngã.

4. Bài học kinh nghiệm:

- Công tác chuẩn bị phòng chống lụt bão từ khâu kiểm tra phê duyệt các phương án phòng chống lụt bão phải đầy đủ, chu đáo, cụ thể nhằm đảm bảo tính thống nhất trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp ứng phó với các tình huống thiên tai. Khi bão, lũ xảy ra phải thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ với cơ chế chỉ huy tập trung, thống nhất.

- Phải có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, hợp lý cho các thành viên Ban chỉ đạo để chỉ đạo, điều hành từng lĩnh vực, từng địa bàn. Công tác chỉ huy, điều hành phải bám sát diễn biến tình huống thiên tai, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, phù hợp, nhất là công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, ứng phó kịp thời với thiên tai tại cơ sở mang yếu tố quyết định.

- Công tác dự báo, cảnh báo và tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thiên tai và cách phòng, tránh đóng vai trò then chốt nhằm cung cấp kịp thời, chính xác diễn biến thiên tai cho các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư để chủ động phòng tránh, đối phó hiệu quả với thiên tai.

- Công tác cứu trợ, khắc phục hiệu quả thiên tai phải được thực hiện khẩn trương, kịp thời.

5. Các khó khăn, tồn tại:

- Phương tiện, vật tư, lực lượng phòng chống lụt bão của cơ quan vẫn còn hạn chế, chưa được hiện đại hóa, tính chuyên nghiệp chưa cao.

- Công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức phòng, chống thiên tai cho cán bộ công chức còn hạn chế, chưa kịp thời; chất lượng dự báo, cảnh báo còn thấp và chưa lường hết các diễn biến phức tạp của thiên tai.

II. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ 2013

Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn, mùa mưa, bão, lũ năm 2013 tình hình thời tiết, thủy văn có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, cần chủ động đề phòng bão mạnh, mưa lớn trên diện rộng, lũ cao trên các triền sông và nước dâng vùng ven biển.

1. Mục tiêu:

Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục có hiệu quả ảnh hưởng của thiên tai. Trong đó, lấy công tác phòng là chính, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tính mạng cán bộ công chức, tài sản của nhà nước.

2. Trọng điểm phòng chống lụt bão, thiên tai:

- Tính mạng và tài sản của từng cán bộ công chức.

- Hồ sơ, ấn chỉ, tài liệu nghiệp vụ.

- Hồ sơ công tác Tổ chức cán bộ.

- Tài sản, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ.

- Sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu của các gia đình cán bộ công chức và nhân dân nằm trong khu vực bão lũ.

3. Phương hướng nhiệm vụ và giải pháp:

- Củng cố, kiện toàn bộ máy, tổ chức của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống lụt, bão năm 2012 và phương hướng nhiệm vụ năm 2013.

- Thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1776/QĐ-BTC ngày 13/7/2012 của Bộ Tài chính ban hành Quy chế phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tài chính.

- Triển khai các biện pháp ứng phó, chủ động chằng chống nhà ở, nhà làm việc; trong trường hợp cần thiết có thể quyết định việc sơ tán để đảm bảo an toàn cho người, hồ sơ tài liệu, tài sản... của cơ quan đơn vị; tham gia các hoạt động phòng chống bão theo huy động cửa Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của địa phương.

- Tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng công trình trụ sở, cây xanh có nguy cơ bị thiệt hại do mưa bão.

- Kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị phòng chống thiên tai, nhất là công tác 4 tại chỗ ở vùng có nguy cơ cao về thiên tai, đảm bảo cụ thể, sát thực, phù hợp với nguồn lực của từng đơn vị Hải quan trực thuộc.

- Tổ chức tốt công tác tập huấn, diễn tập phòng, chống thiên tai; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ phòng, chống lụt, bão, động đất, sóng thần.

- Tổ chức tốt công tác thường trực phòng chống lụt bão theo quy định, sẵn sàng ứng phó kịp thời với các diễn biến thiên tai.

Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa báo cáo để Tổng cục Hải quan (Vụ Tài vụ - Quản trị) biết và theo dõi./.

 

 

Nơi nhận:
- TCHQ (Vụ TV-QT)-“để thay b/c”;
- Lưu: VT, VP-BPQT (03b).

CỤC TRƯỞNG




Vũ Văn Khánh