ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 231/BC-UBND | Quảng Bình, ngày 03 tháng 11 năm 2016 |
BÁO CÁO
TỔNG KẾT 10 NĂM THI HÀNH LUẬT ĐIỆN ẢNH
Thực hiện công văn số 4031/BVHTTDL-ĐA ngày 07 tháng 10 năm 2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc “Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Điện ảnh”, UBND tỉnh Quảng Bình báo cáo như sau:
I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN LUẬT ĐIỆN ẢNH 2006 - 2016
1. Công tác phổ biến, quán triệt, triển khai Luật Điện ảnh
Điện ảnh Việt Nam gắn với vận mệnh của dân tộc, vừa là nhân chứng trên mỗi chặng đường lịch sử, vừa là người bạn đồng hành của nhân dân. Cùng với tính chất tiên tiến, điện ảnh Việt Nam cũng mang bản sắc dân tộc trong nhiều tác phẩm điện ảnh, thể hiện đậm nét những đặc điểm nổi bật, bản chất của con người và xã hội Việt Nam bằng những hình tượng, thủ pháp và ngôn ngữ điện ảnh phù hợp với tâm hồn và tình cảm người Việt Nam.
Luật Điện ảnh được ban hành đã tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng, rộng rãi, rõ ràng và minh bạch hơn, tạo cơ chế phát triển điện ảnh, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, đẩy mạnh nền kinh tế xã hội phát triển, hội nhập được xu thế phát triển của thế giới.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất phim có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập, đầu tư nước ngoài tăng lên kéo theo sự gia tăng của cơ hội việc làm cho người lao động, đồng thời cũng là động lực thúc đẩy nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh.
Sản xuất phim được tiếp cận với công nghệ làm phim mới tạo nên những tác phẩm điện ảnh vừa có tính nghệ thuật vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Người thụ hưởng được thưởng thức những tác phẩm hay của những nền văn hóa đa dạng hơn mà chi phí lại không tăng.
Sự ra đời của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh phù hợp với thực tế có tác động cải thiện mạnh mẽ đến pháp luật về điện ảnh nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung, nâng cao được sự ổn định và chất lượng của pháp luật về điện ảnh, tránh được sự chồng chéo, dễ thực hiện, dễ dàng đi vào đời sống xã hội, hạn chế các hành vi vi phạm trong hoạt động điện ảnh, đồng thời nâng cao được hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước.
10 năm qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nội dung của Luật Điện ảnh và các văn bản liên quan được triển khai, hướng dẫn đầy đủ và kịp thời đến toàn thể tổ chức, cá nhân trong tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy điện ảnh phát triển.
2. Công tác soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật
Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến sự nghiệp phát triển văn hóa, trong đó có điện ảnh. Đã có những chủ trương lớn của Đảng về việc này như Nghị quyết Hội nghị lần thứ V của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII ngày 16/7/1998 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020…
Cho đến thời điểm hiện tại, điện ảnh là ngành nghệ thuật được quan tâm xây dựng hệ thống văn bản pháp quy đầy đủ nhất: Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 năm 2006 có hiệu lực từ ngày 1/1/2007; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh số 31/2009/QH12 có hiệu lực từ ngày 01/10/2009; gần đây nhất là Nghị định số 54/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh có hiệu lực từ ngày 01/7/2010.
3. Thực hiện chính sách phát triển điện ảnh
Nghị quyết TW5 Khóa 8 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc gắn bó chặt chẽ với điện ảnh Việt Nam. Trong 10 năm qua, chính sách đầu tư xây dựng nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hiện đại hóa công nghiệp điện ảnh, nâng cao chất lượng phim, phát triển quy mô sản xuất và phổ biến phim, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần ngày càng cao của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng giao lưu văn hóa với các nước. Chính vì vậy Nhà nước khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh theo quy định của pháp luật; bảo đảm để các cơ sở điện ảnh được bình đẳng trong hoạt động, được hưởng các chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, việc để dành quỹ đất để xây dựng rạp chiếu phim được quan tâm trong quy hoạch đô thị. Các đội chiếu bóng lưu động hoạt động thường xuyên theo đúng kế hoạch hằng năm phục vụ miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nông thôn, thiếu nhi, lực lượng vũ trang nhân dân, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội.
4. Đánh giá việc xây dựng các quy định của Luật Điện ảnh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh
4.1. Các Quy định về Cơ sở điện ảnh (từ Điều 12 đến Điều 17 Luật Điện ảnh năm 2006)
Các quy định về Cơ sở điện ảnh đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam trong hội nhập, khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào điện ảnh tại Việt Nam; thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc hội nhập quốc tế với các chuẩn mực chung, phù hợp. Với cơ chế pháp luật rõ ràng, mang tính quốc tế, đảm bảo cho hoạt động điện ảnh hòa nhập với xu hướng phát triển chung của quốc tế nhưng vẫn giữ chủ quyền quốc gia, giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
4.2. Các quy định về Sản xuất phim, Phát hành phim, Phổ biến phim (Từ điều 18 đến Điều 44 Luật Điện ảnh)
Việc cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền hợp tác đầu tư trong lĩnh vực sản xuất phim, phát hành phim và phổ biến phim đã đáp ứng được xu thế phát triển điện ảnh trong nước cũng như trên thế giới, có tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội và giao lưu quốc tế. Tác phẩm điện ảnh có tính đại chúng, có sức hút đông đảo khán giả và có thể phổ biến trên toàn quốc. Đặc biệt tác phẩm điện ảnh là một sản phẩm nghệ thuật có tác động sâu đến tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống của công chúng trong xã hội, còn đem lại những lợi ích kinh tế không nhỏ góp phần trong việc phát triển kinh tế-xã hội.
Sửa đổi điều, khoản về xuất khẩu phim và nhập khẩu phim: cụ thể bãi bỏ hạn ngạch, không hạn chế về số lượng đối với phim nhập khẩu. Vấn đề này khi được thông qua đảm bảo cho các quy định của pháp luật phù hợp với cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, đồng thời tạo nên sự phong phú, đa dạng về chủng loại phim và tăng số lượng phim nhập khẩu.
Sửa đổi điều, khoản về đấu thầu phim đặt hàng sử dụng ngân sách nhà nước: trên thực tế quy định như Luật Điện ảnh hiện hành việc sản xuất phim đặt hàng sử dụng ngân sách nhà nước bị cắt khúc và không đảm bảo được tính thống nhất, thực tế hoạt động cho thấy quy định về đấu thầu phim đặt hàng sử dụng ngân sách nhà nước không phù hợp thực tế. Vì vậy việc sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước đang gặp khó khăn. Khi Luật sửa đổi được thông qua sẽ tạo một cơ chế pháp lý rõ ràng, minh bạch phù hợp với xu thế phát triển điện ảnh trên thế giới và với thực tế tại Việt Nam. Với 3 hình thức: đấu thầu trên cơ sở kịch bản đã được Hội đồng tư vấn lựa chọn, đấu thầu theo dự án (bao gồm tất cả các khâu từ kịch bản đến khi hoàn thành một bộ phim) và chỉ định thầu, chủ đầu tư các dự án làm phim sẽ chọn được những nhà sản xuất phim có năng lực đảm bảo được lợi ích về sáng tạo nghệ thuật và hiệu quả kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để nâng chất lượng và giảm giá thành phù hợp với quy luật vận động của nền kinh tế thị trường.
Bổ sung thêm việc cho phép một số đài phát thanh - truyền hình được công nhận là cơ quan báo chí được tham gia sản xuất phim, phổ biến phim và xuất nhập khẩu phim nhằm mục đích xác định trách nhiệm của Tổng giám đốc đài phát thanh - truyền hình trong hoạt động này. Đây là quy định phù hợp với xu thế phát triển của truyền hình trong tương lai và tình hình thực tế, tránh việc các đài phát thanh - truyền hình tồn tại như một cơ quan báo chí nhưng hoạt động không tuân theo các quy định có liên quan của Luật Điện ảnh.
4.3. Các quy định về Thanh tra (Từ Điều 48 đến Điều 53 Luật Điện ảnh năm 2006)
Trước đây, quy định thanh tra điện ảnh trực thuộc thanh tra Bộ như vậy không bao gồm thanh tra Sở do vậy không phát huy được tác dụng của thanh tra trong việc thanh tra chấp hành các quy định của Luật Điện ảnh, tạo kẽ hở cho các hành vi vi phạm về hoạt động điện ảnh mà không bị xử lý. Vì vậy khi sửa đổi thanh tra điện ảnh là thanh tra chuyên ngành về điện ảnh là phù hợp với Luật Thanh tra và nâng cao được hiệu lực của thanh tra chuyên ngành các địa phương trong hoạt động thanh tra về lĩnh vực điện ảnh.
II. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Những kết quả cơ bản đạt được
Sự ra đời của Luật Điện ảnh và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh phù hợp với thực tế có tác động cải thiện mạnh mẽ đến pháp luật về điện ảnh nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung, nâng cao được sự ổn định và chất lượng của pháp luật về điện ảnh, tránh được sự chồng chéo, dễ thực hiện, dễ dàng đi vào đời sống xã hội, hạn chế các hành vi vi phạm trong hoạt động điện ảnh, đồng thời nâng cao được hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước.
Một số bộ phim do nhà nước đặt hàng và tài trợ sản xuất về đề tài chiến tranh cách mạng, phản ánh quá khứ hào hùng của dân tộc đạt chất lượng nghề nghiệp cao (Đừng đốt, Sinh mệnh, Mùi cỏ cháy, Những người viết huyền thoại…); nhiều bộ phim thành công về nghệ thuật và có tính nhân văn, đạt giải tại các Liên hoan phim trong nước và quốc tế (Đời cát, Mùa ổi, Bến không chồng, Thung lũng hoang vắng, Mùa len trâu, Thời xa vắng, Trăng nơi đáy giếng, Chơi vơi…). Đó là những tác phẩm ít nhiều mang phẩm chất “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, tuy nhiên số lượng các tác phẩm có giá trị như vậy không nhiều, nhất là trong vài năm gần đây, khi việc Nhà nước đặt hàng và tài trợ cho phim truyện giảm sút, thậm chí có năm tạm ngưng vì nhiều lý do.
Chủ trương xã hội hóa hoạt động điện ảnh được phát huy cao độ khiến diện mạo điện ảnh Việt Nam trong 10 năm qua trở nên đa dạng, phong phú; thị trường điện ảnh phát triển mạnh. Theo thống kê của Hiệp hội điện ảnh Mỹ (MPA) và công ty Megastar, doanh thu điện ảnh tại Việt Nam năm 2000 là 2 triệu đôla, năm 2010 là 26 triệu, năm 2011 là 35 triệu, năm 2012 là 47 triệu, 2013 là trên 57 triệu.
Vị trí của các hãng phim tư nhân ngày càng rõ rệt: Số lượng hãng phim tư nhân tăng vọt, đến hết tháng 6/2013 cả nước có 252 hãng phim, trong đó 90% là hãng phim tư nhân. Phim tư nhân dần chiếm tỉ lệ áp đảo trong tổng số phim Việt Nam phát hành ở rạp (từ chỗ mỗi năm chỉ có 1-2 phim, đến nay phim tư nhân chiếm 80-90%) và thu hút lượng khán giả lớn (có phim đông người xem hơn và đạt doanh thu cao hơn phim “bom tấn” của Mỹ chiếu cùng thời điểm, đạt đến 60 tỉ). Một số phim tư nhân gần đây được đánh giá khá cao về tay nghề. Số lượng phim sản xuất năm 2013 tăng mạnh (lên đến 26 phim so với 16 phim của năm 2011, 2012), trong đó chủ yếu là phim tư nhân (chỉ có 2 phim của hãng phim nhà nước).
Các nhà làm phim trẻ xuất hiện dần tạo nên dấu ấn của lớp đạo diễn thời hội nhập bên cạnh thế hệ đạo diễn thời kỳ đổi mới. Các đạo diễn trẻ có những thử nghiệm đáng ghi nhận với các dòng phim khác nhau: phim nghệ thuật, phim giải trí, phim độc lập…
Sự xuất hiện đồng thời và liên tục của các đạo diễn Việt kiều đã làm cho điện ảnh VN có những mầu sắc mới. Trong vài năm trở lại đây, phim của các đạo diễn Việt kiều chiếm tỉ lệ cao ở rạp, nhiều phim thương mại doanh thu cao bên cạnh một số phim được đánh giá khá về tay nghề, kỹ thuật, kỹ xảo.
Hệ thống văn bản pháp quy về điện ảnh dần hoàn thiện: Luật Điện ảnh năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh năm 2009; Nghị định số 54/2010/NĐ-CP của Chính Phủ năm 2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh. Các văn bản này tạo hành lang pháp lý cho hoạt động điện ảnh, quy định một số chính sách về sản xuất, phát hành phổ biến phim…
Chính phủ, Bộ VHTTDL quan tâm chỉ đạo xây dựng Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt ngày 11/11/2013); Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 12/2013. Điện ảnh là ngành nghệ thuật đầu tiên xây dựng thành công Chiến lược và Quy hoạch.
2. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
Cơ chế thị trường định hướng XHCN ngoài một số mặt tích cực, năng động nhưng cũng có nhiều mặt trái, tác động tiêu cực đến điện ảnh, đặc biệt xu hướng chạy theo lợi nhuận, sự “chụp giật” làm nghiệp dư hóa hoạt động điện ảnh; trong khi một số nước trong khu vực xây dựng nền công nghiệp điện ảnh một cách khá bài bản thì điện ảnh Việt Nam lại thiếu đồng bộ, thiếu chuyên nghiệp; sự đầu tư ngày càng hạn chế của Nhà nước vào sáng tác và sản xuất phim khiến cho phẩm chất “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của tác phẩm điện ảnh có sự phai nhạt trong những năm gần đây, cụ thể:
Lực lượng sáng tác trẻ chưa có sự vững chắc về phong cách, có sự phân tâm trong sáng tác và chưa thực sự tâm huyết do bị ảnh hưởng bới yếu tố thương mại.
Nhiều hãng phim tư nhân chạy theo thị hiếu một bộ phận khán giả, sản xuất các phim giải trí dễ dãi với mục đích thu lãi lớn. Phim câu khách rẻ tiền, ít có giá trị nhận thức, giáo dục hay thẩm mỹ xuất hiện ngày càng nhiều; có phim lạm dụng yếu tố bạo lực, tình dục hoặc xoáy sâu vào hiện tượng cá biệt, cái xấu, góc tối, “xã hội đen”, thậm chí kích động bạo lực…
Những năm gần đây, trên thị trường không có nhiều tác phẩm hướng đến chân thiện mỹ mà chủ yếu là các phim thương mại chiếm lĩnh rạp chiếu dẫn đến thị hiếu khán giả có phần đi xuống. Khán giả, nhất là khán giả trẻ chỉ thích xem các phim giải trí thậm chí phim “tầm phào”, và thờ ơ với những phim truyền thống, phim có giá trị.
Trong thời đại bùng nổ thông tin, các trang mạng xã hội, thậm chí cả báo chí truyền thông đặc biệt là báo mạng vì mục đích “câu view” đã có những lúc phản ảnh thiếu khách quan, khi thì “tâng bốc” quá đáng, khi thì suy diễn, chụp mũ các hiện tượng làm nhiễu loạn dư luận và ảnh hưởng đến hoạt động điện ảnh.
Tại Quảng Bình rạp chiếu phim trang thiết bị và cơ sở vật chất cũ, lạc hậu chỉ có thể chiếu phim nhựa trong khi cả thế giới chuyển sang rạp kỹ thuật số. Nguồn phim hạn chế và bị động, phụ thuộc, chủ yếu làm nhiệm vụ chiếu phim phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu vùng xa do Cục Điện ảnh cung cấp và thực hiện các tuần phim, đợt phim kỷ niệm. Vì vậy, khán giả đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới hải đảo ít có điều kiện được thưởng thức các tác phẩm điện ảnh.
Luật Điện ảnh, Nghị định hướng dẫn đã có từ nhiều năm, tuy nhiên, một số văn bản quan trọng chưa được ban hành do chưa có sự đồng thuận của một số Bộ liên quan với Bộ VHTTDL (Ví dụ: Thông tư liên Bộ VHTTDL- Tài chính hướng dẫn đấu thầu sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhà nước; Đề án Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh) nên định hướng của nhà nước chưa phát huy được hết tác dụng, nhất là đối với các địa phương.
3. Kiến nghị, đề xuất
Hiện nay, Ngành điện ảnh đang đối mặt với những khó khăn to lớn ở hầu hết các lĩnh vực. Một số chính sách dành cho ngành điện ảnh không còn phù hợp và chưa được quan tâm thích đáng. Thị trường sản xuất và phát hành phim khó định hướng. Cần có sự hỗ trợ nhiều hơn của nhà nước để hỗ trợ định hướng sáng tác, sản xuất, phát hành và phổ biến phim, xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống rạp đạt tiêu chuẩn, từ đó ngành có thể xây dựng tác phẩm đạt chất lượng cao, có giá trị giáo dục tư tưởng và thẩm mỹ cho công chúng, cụ thể:
1. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về thuế và cơ chế đặc thù cho các cơ sở điện ảnh.
2. Nhà nước cần triển khai việc mua toàn bộ hoặc một phần bản quyền của các tác phẩm có giá trị cao (theo Nghị định 54) mà không phân biệt phim của hãng tư nhân hay hãng nhà nước.
3. Cần tìm đầu ra cho các bộ phim tài liệu, phim hoạt hình được nhà nước đặt hàng.
4. Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho điện ảnh đúng hướng
5. Yếu tố quan trọng nhất để củng cố, xây dựng và phát triển điện ảnh là con người: người tài trong sáng tác; người có chuyên môn, tay nghề công nghệ kỹ thuật; người có trình độ và kinh nghiệm trong quản lý… Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất cần quan tâm là đào tạo và sử dụng con người.
Trên đây là Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Điện ảnh, UBND tỉnh báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Kế hoạch 6948/KH-UBND năm 2016 công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 của tỉnh Quảng Ngãi
- 2 Báo cáo 255/BC-UBND năm 2016 tổng kết 5 năm Đề án Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công, viên chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- 3 Kế hoạch 1960/KH-UBND năm 2016 công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 của tỉnh Quảng Bình
- 4 Nghị định 54/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật điện ảnh 62/2006/QH11 và luật sửa đổi 31/2009/QH12
- 5 Luật Điện ảnh sửa đổi 2009
- 6 Quyết định 581/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7 Nghị quyết 23-NQ/TW năm 2008 về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới do Bộ Chính trị ban hành
- 8 Luật Điện ảnh 2006
- 1 Kế hoạch 6948/KH-UBND năm 2016 công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 của tỉnh Quảng Ngãi
- 2 Báo cáo 255/BC-UBND năm 2016 tổng kết 5 năm Đề án Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công, viên chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- 3 Kế hoạch 1960/KH-UBND năm 2016 công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 của tỉnh Quảng Bình