Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 370/BC-BGDĐT

Hà Nội, ngày 29 tháng 6 năm 2010

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2010

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Trong các ngày 02, 03 và 04 tháng 6 năm 2010, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2010 đã được tiến hành trên phạm vi toàn quốc với phương châm nghiêm túc, khách quan, chính xác và công bằng.

Đến nay, về cơ bản các khâu của kỳ thi đã hoàn tất. Bộ Giáo dục và Đào tạo xin báo cáo sơ bộ về kết quả tổ chức thi như sau:

I. NHỮNG ĐIỂM CƠ BẢN VỀ CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO

1. Đổi mới trong chỉ đạo chất lượng dạy học

Trong năm học 2009-2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành tài liệu hướng dẫn thực hiện Chuẩn kiến thức, kĩ năng (Chuẩn KTKN) trong dạy học, coi đó là yêu cầu tối thiểu mà học sinh cần đạt để tốt nghiệp; đối với học sinh khá giỏi, giáo viên cần yêu cầu cao hơn tùy theo năng lực của từng học sinh. Đồng thời, ngay từ đầu năm học Bộ đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát, phân loại trình độ học sinh để áp dụng các hình thức phụ đạo, bồi dưỡng phù hợp, đặc biệt chú trọng phụ đạo cho học sinh yếu kém, nhất là trong thời gian cuối năm học, để nâng chất lượng thật sự cho các thí sinh đủ điều kiện dự thi và tốt nghiệp.

Tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới công tác thi đua đã triển khai từ năm 2007, Bộ không sử dụng tỷ lệ tốt nghiệp THPT làm tiêu chí đánh giá thi đua, không giao chỉ tiêu tốt nghiệp THPT cho các địa phương, đồng thời chỉ đạo các địa phương không giao chỉ tiêu tốt nghiệp cho từng trường mà để các cơ sở giáo dục chủ động xác định chỉ tiêu phù hợp với thực tế dạy và học của trường mình.

2. Tiếp tục tổ chức thi theo cụm trường, chấm chéo bài thi tự luận giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như năm 2009 nhưng có một số điều chỉnh, bổ sung như sau:

2.1. Đối với các trường ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, địa bàn chia cắt, giao thông không thuận tiện, điều kiện kinh tế khó khăn, cơ sở vật chất trường lớp thiếu thốn, không đáp ứng việc tổ chức thi theo cụm trường:

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động lựa chọn phương án tổ chức thi riêng trường.

2.2. Về công tác thanh tra coi thi: Căn cứ kết quả thực hiện Cuộc vận động Hai không trong ngành, năm nay Bộ cử về mỗi tỉnh 1 đoàn thanh tra lưu động gồm từ 5 đến 10 cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ. Nhưng tại mỗi Hội đồng coi thi, số cán bộ thanh tra cắm chốt của sở lại tăng gấp rưỡi (10 phòng thi/1 cán bộ thanh tra, năm 2009 là 15/1).

2.3. Đối với việc chấm chéo bài thi tự luận giữa các địa phương: Để việc chấm bài thi ở tất cả các Hội đồng được triển khai đúng đáp án và thang điểm, đồng thời khắc phục hiện tượng “chấm chặt” hoặc “chấm lỏng” và nâng cao tính khách quan trong công tác chấm thi, năm nay mỗi môn đều chấm chung ít nhất 15 bài thi (năm trước chấm chung 10 bài). Mặt khác, đoàn thanh tra chấm thi của Bộ được điều động đến từ tỉnh thứ ba (không thuộc tỉnh chấm thi và cũng không thuộc tỉnh có bài thi).

2.4. Quy định mới về phúc khảo bài thi nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh: Thí sinh có quyền xin phúc khảo bài thi nếu điểm bài thi thấp hơn điểm trung bình cả năm của môn học đó ở lớp 12 từ 1,0 điểm trở lên (mức quy định trước đây là 2,0 điểm) và được điều chỉnh điểm nếu điểm chấm phúc khảo chênh lệch so với điểm chấm lần trước từ 1,0 điểm trở lên đối với môn Ngữ văn và từ 0,5 điểm trở lên đối với các môn thi khác (mức quy định trước đây là 1,0 điểm trở lên đối với tất cả các môn).

II. KẾT QUẢ THI

1. Công tác đề thi

Công tác đề thi tiếp tục được cải tiến. Thông qua phân tích kết quả thi, cũng như phản ánh của các Hội đồng chấm thi, đề thi đã đáp ứng yêu cầu chính xác, khoa học, bám sát Chuẩn KTKN của chương trình THPT, phù hợp với cấu trúc đề thi đã ban hành, đảm bảo kiểm tra được kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức đồng thời phân hoá được trình độ của các đối tượng dự thi. Đề thi các môn Ngoại ngữ, Vật lí, Hoá học đáp ứng yêu cầu của thi trắc nghiệm.

Đặc biệt, đề thi các môn Lịch sử, Địa lí đều giảm thiểu yêu cầu học thuộc lòng, tăng yêu cầu vận dụng kiến thức; đề thi môn Ngữ văn tiếp tục ra theo hướng “mở” tạo điều kiện phát huy năng lực sáng tạo của thí sinh.

2. Công tác coi thi

Nhờ sự lãnh đạo chỉ đạo sát sao của cấp ủy và chính quyền các địa phương, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, kịp thời của các lực lượng trong và ngoài ngành giáo dục, cuộc thi tốt nghiệp THPT năm 2010 đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Số lượng thí sinh dự thi là 910.931 học sinh, so với tổng số đăng ký thi đạt 99,47%, bằng kỳ thi năm 2009; Số thí sinh bị tai nạn giao thông trong khi đi thi là 56 trường hợp, giảm 17 trường hợp so với năm 2009 (73 trường hợp); Số thí sinh vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật đình chỉ thi giảm mạnh so với cùng kỳ những năm trước và đây là năm việc vi phạm quy chế ở mức thấp nhất (Tại kỳ thi lần 1 năm 2007, khi toàn ngành bắt đầu triển khai thực hiện Chỉ thị 33 của Thủ tướng Chính phủ và cuộc vận động Hai không, có đến 2.621 thí sinh bị đình chỉ thi và 33 giám thị bị đình chỉ công tác thi; Kỳ thi lần 1 năm 2008 giảm xuống còn 833 thí sinh và 15 giám thị; Năm 2009 giảm xuống còn 299 thí sinh và 3 giám thị bị kỷ luật; Đến năm nay chỉ còn 90 thí sinh bị đình chỉ thi và 1 giám thị bị đình chỉ công tác thi).

Những hiện tượng bất thường và các sự cố xảy ra trong các giờ thi đã được kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng quy chế thi. Không xảy ra các vụ việc tiêu cực nghiêm trọng.

3. Công tác chấm thi và công nhận tốt nghiệp

Các sở GDĐT đã huy động lực lượng chấm thi đáp ứng yêu cầu về chất lượng (theo quy chế thi) và về số lượng (để đảm bảo tiến độ chấm). Việc chấm chéo bài thi tự luận giữa các tỉnh đã được thực hiện nghiêm túc; Không có thắc mắc của các địa phương về việc vận dụng sai đáp án chấm như năm trước.

Kết quả tốt nghiệp (có bảng đính kèm)

2.1. Giáo dục phổ thông

* Tỷ l đỗ tốt nghiệp toàn quốc là 92,57%, cao hơn các năm trước (Kỳ thi lần 1 năm 2007, chỉ đạt 66,7%; Cùng kỳ năm 2008 là 76,0%, tăng hơn 9% so với năm 2007; Năm 2009 là 83,8%, tăng 7,8% so với năm 2008; Năm 2010 này tăng 8,97% so với năm 2009). Tuy nhiên, tỷ lệ tốt nghiệp loại khá và loại giỏi[1] chỉ đạt 10,02%, giảm 1,18% so với năm 2009 (11,2%,) và thấp hơn các năm trước (năm 2008 là 11,1% và năm 2007 là 10,6%).

* Điểm trên trung bình bình quân của các môn thi đạt 72,84%. Trong đó, môn Hóa học đạt 88,33%, Toán đạt 80,45%, Lịch sử đạt 79,91%, Địa lí đạt 74,75%, Ngữ văn đạt 72,62%; thấp nhất là môn Ngoại ngữ đạt 57,30% và Vật lí (môn thi thay thế môn Ngoại ngữ) đạt 67,66%.

* Tương quan về kết quả thi giữa các vùng thi đua của cuộc vận động Hai không tương tự như năm 2009: Tám tỉnh đồng bằng Bắc Bộ tiếp tục có tỷ lệ tốt nghiệp cao nhất toàn quốc (tỷ lệ tốt nghiệp bình quân vùng đạt 99,14%). Có tỷ lệ tốt nghiệp thấp nhất toàn quốc vẫn là các tỉnh Tây Nam bộ: tỷ lệ bình quân vùng là 81,23% (năm 2009 là 75,0%, xếp thứ 7/7; năm 2008 là 70,1% xếp thứ 5/7, năm 2007 là 65,0%, xếp thứ 4/7).

2.2. Giáo dục Thường xuyên

* Tỷ lệ đ tốt nghiệp toàn quốc là 66,71%, cao hơn các năm trước. Kỳ thi lần 1 năm 2007 chỉ đạt 26,47%; cùng kỳ năm 2008 là 42,55% (tăng 16,08% so với năm 2007); năm 2009 là 39,7%, (giảm 2,85% so với năm 2008); năm nay tăng 27,11% so với 2009. Điều đáng nói là năm nay tuy tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng nhưng lại không đồng đều giữa các địa phương: có đến 30/64 đơn vị có tỷ lệ tốt nghiệp dưới 50%, trong đó có 21/64 đơn vị có tỷ lệ tốt nghiệp rất thấp (từ 13% đến dưới 40%).

* Bình quân t l điểm trên trung bình của các môn thi đạt thấp (44,23%); trong đó, môn Lịch sử đạt 58,88%, Toán đạt 47,39%, Hóa học đạt 42,36%, Ngữ văn đạt 39,14%, Vật lí đạt 39,04% và Địa lí đạt 38,57%.

* Tương quan giữa các vùng miền của cuộc vận động Hai không về cơ bản như ở giáo dục THPT và tương tự năm 2009. Các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ có tỷ lệ tốt nghiệp cao nhất toàn quốc: Tỷ lệ bình quân vùng là 96,26% (năm 2009 là 69,60%, xếp thứ 1/7; năm 2008 là 63,99% xếp thứ 1/7; năm 2007 là 41,87% xếp thứ 2/7). các tỉnh Tây Nam Bộ có tỷ lệ tốt nghiệp thấp nhất toàn quốc với tỷ lệ bình quân vùng là 30,59% (năm 2009 là 15,3%, xếp thứ 7/7; năm 2008 là 17,18%, xếp thứ 7/7; năm 2007 là 15,26%, xếp thứ 7/7).

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Những ưu điểm cơ bản

Kỳ thi được chỉ đạo và chuẩn bị chu đáo, thực hiện nghiêm túc, an toàn; kết quả thi có tiến bộ và phản ánh sát hơn chất lượng dạy và học. Đó là kết quả sự đầu tư lớn và sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo kiên quyết, sát sao của cấp ủy, chính quyền các địa phương và của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên và học sinh. Đó cũng là kết quả đạt được của các cuộc vận động “Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo” và phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, kết quả thực hiện Cuộc vận động Hai không và Chỉ thị 33 của Thủ tướng Chính phủ trong nhà trường, là kết quả trực tiếp của việc nâng cao ý thức tự giác học tập của học sinh, ý thức trách nhiệm của nhà giáo, sự quan tâm của gia đình đối với việc học hành của con em mình và sự góp sức của các đoàn thể.

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng tương đối đồng đều ở tất cả các địa phương, có sự tương thích giữa kết quả tốt nghiệp giáo dục THPT và GDTX trong từng địa phương cũng như trên phạm vi toàn quốc.

2. Những hạn chế cần tiếp tục khắc phục

Vẫn còn hiện tượng chưa nghiêm túc ở một số Hội đồng coi thi như: Thí sinh sử dụng tài liệu, mang phao thi vào phòng thi; Một số cán bộ, giáo viên tham gia Hội đồng thi còn hạn chế nghiệp vụ, có biểu hiện thiếu sâu sát trong quá trình hướng dẫn thí sinh dự thi, để xảy ra sai sót ảnh hưởng không tốt đến việc làm bài của thí sinh, nhất là ở các Hội đồng coi thi GDTX.

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng đều qua các năm nhưng tỷ lệ đỗ khá giỏi ở mức rất thấp và không tăng đều hằng năm (năm 2007 là 10,6%, năm 2008 là 11,1%, năm 2009 là 11,2% và năm 2010 chỉ là 10,02%). Điều đó cho thấy sự cố gắng những năm qua nhằm nâng cao kết quả học tập của học sinh mới chủ yếu đạt được nhờ nâng chất lượng đầu yếu, chưa nâng được chất lượng học sinh khá giỏi. Mặt khác, việc đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra, đánh giá chưa thật đồng bộ theo mục tiêu đã đặt ra cũng làm cho kết quả thi phần nào bị hạn chế.

3. Về một số ý kiến cho rằng đề thi năm nay dễ, buông lỏng trong các khâu tổ chức thi nên tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao

Bộ Giáo dục và Đào tạo xin được báo cáo như sau:

Qua công tác chỉ đạo thi được biết: Từ 1-2 tháng trước khi thi cho đến kết thúc coi thi, các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tục có nhiều tin bài phản ánh về việc tổ chức ôn tập và coi thi nghiêm túc ở hầu hết các địa phương, và nhận định việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và hướng dẫn thực hiện Chuẩn kiến thức kỹ năng chương trình THPT đã tạo điều kiện thuận lợi cho thày và trò, đồng thời thúc đẩy việc dạy và học trong các nhà trường theo hướng tích cực. Kết quả thi năm 2010 cao hơn năm trước là hệ quả tất yếu của các động thái tích cực mà báo chí đã kịp thời biểu dương đó.

Thực tế kết quả tốt nghiệp THPT năm 2010 cho thấy: Bên cạnh các tỉnh, thành phố có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp tăng so với năm 2009, vẫn còn một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp không tăng hoặc giảm so với năm 2009 (như: TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Tiền Giang, Trà Vinh, Bình Thuận, Bến Tre, Điện Biên). Đồng thời, tỷ lệ tốt nghiệp khá giỏi của giáo dục THPT năm 2010 không những không tăng mà còn giảm so với 3 năm trước như đã phân tích ở trên; Tỷ lệ điểm trên trung bình của các môn thi ở GDTX đạt thấp (44,23%): Có đến 30/64 đơn vị tỷ lệ tốt nghiệp dưới 50%; trong đó, có 21/64 đơn vị tỷ lệ tốt nghiệp từ 13% đến dưới 40%.

Những chỉ số kỹ thuật nêu trên đưa đến nhận xét: Kết quả thi tốt nghiệp THPT phản ảnh thực tế là chất lượng học sinh (nhất là đối tượng yếu kém) đã được nâng lên, chứ không phải là đề thi dễ hơn các năm trước.

Cũng như các kỳ thi trước, ngay sau khi hoàn thành việc chấm phúc khảo bài thi và tổng hợp kết quả tốt nghiệp chính thức, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức chấm thẩm định bài thi tại các địa phương để rút kinh nghiệm các khâu ra đề thi, coi thi, chấm thi.

Có thể khẳng định: Tuy còn một số hạn chế, nhưng nhìn chung kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010 đã được tổ chức đúng kế hoạch, đúng Quy chế, diễn ra an toàn, nghiêm túc và thắng lợi, góp phần làm cho các kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm ngày càng tốt hơn và dần đi vào nền nếp, trật tự và ổn định.

Trên cơ sở đó, trong những năm tới, toàn ngành giáo dục sẽ tiếp tục tập trung nỗ lực nhằm phát huy thành tích và ưu điểm, khắc phục những hạn chế yếu kém để các kỳ thi tốt nghiệp THPT nói riêng và hoạt động giáo dục đào tạo nói chung có những bước phát triển mới, đáp ứng lòng mong mỏi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Bộ Giáo dục và Đào tạo xin trân trọng báo cáo./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên (để báo cáo);
- Các PTTg (để báo cáo);
- Văn phòng Quốc hội (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo) ;
- Các Ủy ban của Quốc hội (để báo cáo);
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn TNCS HCM, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Khuyến học, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Cựu giáo chức, Công đoàn GD Việt Nam;
- Văn phòng TƯ Đảng, Ban Tuyên giáo TƯ Đảng (để báo cáo);
- Bộ trưởng các bộ;
- Các Thứ trưởng Bộ GDĐT;
- Các tỉnh uỷ, thành uỷ
- UBND các tỉnh, thành phố;
- Các sở GDĐT;
- Ban chỉ đạo thi phổ thông TƯ;
- Các đơn vị thuộc Bộ GDĐT;
- Các cơ quan báo chí;
- Website Bộ;
- Lưu: VT, Cục KTKĐCLGD.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC




Phạm Vũ Luận

 

 

 



[1] Tốt nghiệp loại khá theo quy định của Quy chế là: Bình quân điểm thi từ 6,5 điểm trở lên, không có bài thi nào dưới 6,0 điểm và năm lớp 12 xếp loại học lực từ khá trở lên, hạnh kiểm từ khá trở lên.

Tốt nghiệp loại giỏi theo quy định của Quy chế là là: Bình quân điểm thi từ 8,0 trở lên, không có bài thi nào dưới 7,0 điểm và năm lớp 12 xếp loại học lực giỏi, hạnh kiểm tốt.