Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 61/BC-BNN-PC

Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2014

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI DÂN NÔNG THÔN VÀ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ NĂM 2013

Thực hiện Quyết định số 554/QĐ-TTg ngày 04/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2009 đến năm 2012" (sau đây gọi tắt là Đề án), Quyết định 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04/KL-TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI), Quyết định số 1133/QĐ-TTg ngày 15/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt và tổ chức thực hiện các Đề án tại Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 19/4/2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin báo cáo kết quả thực hiện Đề án trong năm 2013 như sau:

I. NHỮNG KẾT QUẢ CHỦ YẾU

1. Công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Đề án

a) Tổ chức tuyên truyền, quán triệt nội dung Đề án

Theo Quyết định số 554/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (sau đây viết tắt là Bộ NN và PTNT) được giao nhiệm vụ: chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Đề án; chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Tiểu Đề án 1 "Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nông nghiệp và phát triển nông thôn cho người dân nông thôn"; Ủy ban Dân tộc chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Tiểu Đề án 2 "Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số"; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Tiểu Đề án 3 "Huy động sự tham gia của nông dân trong công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động chấp hành pháp luật ở nông thôn"; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Tiểu Đề án 4 "Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phụ nữ nông dân và phụ nữ dân tộc thiểu số ở Trung ương".

Trong năm 2013, Bộ NN và PTNT, Ủy ban Dân tộc, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các địa phương đã tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung của Đề án.

Việc quán triệt đã được thực hiện bằng nhiều hình thức như: tổ chức quán triệt, phổ biến tại các hội nghị; sao gửi các văn bản, tài liệu kèm theo công văn hướng dẫn thực hiện Đề án; lồng ghép việc phổ biến quán triệt Đề án tại các lớp tập huấn, các cuộc họp, giao ban; lồng ghép với việc quán triệt chủ trương, chính sách khác của Đảng và nhà nước tới cán bộ, công chức, người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị mình.

Đồng thời, việc quán triệt cũng được thực hiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng khác như Báo Nông nghiệp Việt Nam, Báo Phụ nữ Việt Nam, các tạp chí của ngành, các báo điện tử, báo viết, báo hình, hệ thống loa truyền thanh cấp xã của các địa phương; trên các trang thông tin điện tử: http://www.mard.gov.vn (của Bộ NN và PTNT), http://www.cema.gov.vn (của Ủy ban Dân tộc), http://www.hoinongdan.org.vn (của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) và các trang thông tin điện tử của các địa phương.

b) Kiện toàn tổ chức thực hiện Đề án

Ban Điều hành Đề án ở trung ương tiếp tục được kiện toàn và thực hiện theo Quy chế hoạt động đã được ban hành với sự giúp việc của Tổ Thư ký. Ban Điều hành gồm 14 người là đại diện lãnh đạo cấp Bộ, lãnh đạo cấp Vụ các cơ quan: Bộ NN và PTNT, Ủy ban Dân tộc, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Tài chính. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn thay Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu làm trưởng ban.

Các tổ chức để chỉ đạo thực hiện 4 Tiểu Đề án thuộc Đề án trên (Bộ NN và PTNT, Trung ương Hội nông dân Việt Nam thành lập Ban chỉ đạo; Ủy ban Dân tộc, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành lập Tổ công tác), tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Bộ, ngành mình ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng kế hoạch, kinh phí, hướng dẫn thực hiện các hoạt động của Đề án.

Nhiều nơi, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quan tâm chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án tại địa phương, phân công đơn vị chủ trì xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện Đề án tại địa phương. Thành phần của Ban gồm: lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh làm trưởng ban, lãnh đạo sở NN và PTNT là phó trưởng ban, thành viên là lãnh đạo Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ban dân tộc tỉnh. Có nơi như Nghệ An, lãnh đạo Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Tài chính, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh cũng tham gia Ban chỉ đạo.

Các địa phương thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án hoặc giao cho Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của tỉnh thực hiện nhiệm vụ xây dựng, tổ chức thực hiện Đề án tại địa phương.

c) Xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện

Với vai trò cơ quan chủ trì Đề án, Bộ NN và PTNT đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Đề án. Cụ thể:

Công văn số 116/BĐH-PC về việc hướng dẫn Hội thi tìm hiểu pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số vòng toàn quốc; Công văn số 37/BĐH-PC  ngày 21/3/2013 về tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án 554 giai đoạn 2009-2012 gửi các Tiểu Đề án; Công văn số 974/BNN-PC ngày 22/3/2013 về chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết Đề án 554 giai đoạn 2009-2012 gửi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Chỉ thị Tăng cường triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2013-2016; Công văn số 38/BĐH-PC ngày 18/4/2013 về góp ý mục tiêu Đề án và gửi dự toán kinh phí thực hiện Đề án 554 giai đoạn 2013-2016; Quyết định số 875/QĐ-BNN-PC ngày 23/4/2013 phê duyệt nhiệm vụ, thực hiện Tiểu Đề án 1 năm 2013; Công văn số 1557/BNN-PC ngày 13/5/2013 lấy ý kiến dự thảo kế hoạch thực hiện Đề án giai đoạn 2013-2016; Công văn số 2565/BNN-PC ngày 04/6/2013 về việc kiểm tra việc thực hiện Đề án; Công văn số 2566/BNN-PC ngày 04/6/2013 về việc tổ chức thực hiện các hoạt động thực hiện Đề án; Công văn số 2734/BNN-PC ngày 13/6/2013 về việc đề xuất khen thưởng Hội thi tìm hiểu pháp luật; Công văn số 2124/BNN-PC ngày 26/6/2013 về việc đề nghị cấp kinh phí thực hiện Tiểu Đề án 1 năm 2013-2016; Quyết định số 40/QĐ-BĐH-PC ngày 30/5/2013 ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2013 đến năm 2016…

Các cơ quan chủ trì các Tiểu Đề án, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản cần thiết để chỉ đạo, tổ chức triển khai các hoạt động được phân công trong phạm vi, đơn vị, địa phương mình.

2. Xây dựng nguồn nhân lực làm công tác TTPBPL cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số

Trong năm 2013, Đề án đã tiến hành rà soát, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật (sau đây gọi tắt là TTPBPL) cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể:

- Tổ chức 04 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 215 cán bộ, công chức làm công tác TTPBPL về NN và PTNT cho người dân nông thôn, bao gồm: 03 lớp bồi dưỡng cho 162 cán bộ nòng cốt làm công tác TTPBPL cho người dân nông thôn tại Cao Bằng, Gia Lai và Sóc Trăng; 01 lớp bồi dưỡng cho 50 cán bộ làm công tác thanh tra, pháp chế của ngành NN và PTNT ở trung ương, của các đơn vị thuộc Bộ NN và PTNT.

Nội dung đào tạo, bồi dưỡng bao gồm kỹ năng TTPBPL, các kiến thức pháp luật về lĩnh vực NN và PTNT.

- Bên cạnh đó, thông qua lồng ghép các hội nghị, hội thảo, các lớp tập huấn nghiệp vụ, Đề án cũng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật chuyên ngành và kỹ năng TTPBPL cho đội ngũ cán bộ làm công tác TTPBPL cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số.

3. Khảo sát xác định nhu cầu về nội dung và hình thức thực hiện TTPBPL cho đồng bào dân tộc thiểu số

Ngay sau khi Ban Điều hành Đề án có Quyết định số 40/QĐ-BĐH-PC ngày 30/5/2013 ban hành kế hoạch thực hiện Đề án từ năm 2013-2016, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng kế hoạch, chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc tại 06 tỉnh: Thái Nguyên, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đắk Nông, Trà Vinh, Bình Phước để tiến hành khảo sát, xác định nhu cầu TTPBPL của cán bộ làm công tác dân tộc và đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2013-2016.

Ủy ban Dân tộc đã xây dựng 02 mẫu phiếu điều tra đối với cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương và mẫu cho cán bộ thôn, bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, nông dân sản xuất giỏi tại địa phương với tổng số 720 phiếu.

4. Tổ chức phổ biến pháp luật thông qua các hình thức phù hợp

a) Nội dung pháp luật chủ yếu đã tuyên truyền, phổ biến:

Trong năm 2014. Đề án đã tập trung phổ biến các quy định pháp luật có tính thời sự, liên quan mật thiết đến đời sống của cán bộ và người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Các quy định này được định hướng tuyên truyền đúng đắn, phù hợp, bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương. Cụ thể gồm các nội dung sau:

- Các quy định pháp luật về NN và PTNT trong các lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật; chăn nuôi, thú y; lâm nghiệp, bảo vệ phát triển rừng; thủy sản; thủy lợi, đê điều phòng chống lụt bão; kinh tế hợp tác và PTNT; quản lý chất lượng, nông lâm sản và thủy sản; các quy định pháp luật khác có liên quan.

- Các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc và một số văn bản pháp luật thiết thực với đời sống của đồng bào như: Luật Khiếu nại, tố cáo; Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Luật Bảo vệ Môi trường; Luật Biên giới quốc gia; Luật Phòng chống Ma túy; Pháp lệnh thực hiện Quy chế ở xã, phường thị trấn…

- Các quy định pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ trẻ em, nuôi con nuôi, khiếu nại, tố cáo, ma túy, mại dâm, phòng chống tội phạm và các quy định pháp luật khác có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của phụ nữ nông thôn và phụ nữ dân tộc thiểu số phù hợp với từng đối tượng, địa bàn.

b) Đối tượng được tuyên truyền

Các cơ quan trong Đề án, các địa phương đã bám sát mục tiêu, nội dung của Đề án tiến hành phổ biến các nội dung pháp luật trên cho các đối tượng sau:

- Người dân nông thôn;

- Đồng bào dân tộc thiểu số;

- Cán bộ, công chức làm việc tại các cơ quan, đơn vị có liên quan đến người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số.

c) Các hình thức chủ yếu TTPBPL

- Thông qua hội nghị, cuộc họp, tập huấn, giới thiệu văn bản

Đã tổ chức 12 hội nghị TTPBPL cho hơn 600 lượt cán bộ, công chức của ngành NN và PTNT, người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số;

Tổ chức hội nghị, lớp tập huấn lồng ghép phổ biến pháp luật cho cán bộ, người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

- Tuyên truyền, phổ biến trên báo chí, trên phương tiện thông tin đại chúng:

Tiếp tục phát sóng các chương trình bản tin phổ biến pháp luật về NN và PTNT trên Đài Truyền hình Việt Nam trên kênh VTV2, Đài Tiếng nói Việt Nam VOV1; trên Chuyên mục riêng biệt TTPBPL về NN và PTNT với tên gọi "Pháp luật với nhà nông"; các chương trình này phát sóng đều đặn hàng tuần vào các khung giờ: 18h thứ Tư, 11h thứ 5 và 7h thứ 6, trong Tạp chí Nông nghiệp và Bạn của Nhà nông (VTV2) và trong các Chuyên mục: Nông nghiệp - Nông thôn (5h35, 11h05, 17h05) và Biển đảo Việt Nam (5h25, 9h35, 23h20) trên hệ VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Các chương trình tập trung tuyên truyền chủ yếu vào các văn bản quy phạm pháp luật về NN và PTNT; trong đó chú trọng đến một số lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc ngành đang nổi cộm như: vấn đề vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch giống vật nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh phát triển chăn nuôi, công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ, bảo vệ phát triển rừng.

Tuyên truyền trên Báo Nông thôn ngày nay, Tạp chí Nông thôn mới và Báo Điện tử Hội Nông dân Việt Nam (Website); Trang thông tin điện tử của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Báo Phụ nữ Việt Nam, Tờ tin Phụ nữ dưới hình thức mở chuyên mục về TTPBPL cho phụ nữ nông dân, phụ nữ dân tộc thiểu số, đăng tải các bài viết, phóng sự điều tra, giải đáp pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích của phụ nữ nông dân, phụ nữ dân tộc thiểu số trên Trang Bạn đọc của Báo Phụ nữ Việt Nam; biên soạn và đăng các bài viết có nội dung TTPBPL cho phụ nữ nông dân, phụ nữ dân tộc thiểu số trên Tờ tin của Hội phát tới các chi, tổ Hội Phụ nữ. Nội dung thông tin tuyên truyền tập trung lĩnh vực pháp luật hôn nhân và gia đình, nuôi con nuôi, bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống buôn bán người; phòng, chống ma túy, mại dâm, tội phạm; khiếu nại, tố cáo…

d) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua các hình thức khác

Bên cạnh đó, Đề án đã sử dụng nhiều hình thức khác để TTPBPL một cách sinh động và hiệu quả hơn cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số như: tổ chức 01 cuộc thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa vòng toàn quốc tại Hà Nội ngày 26/01/2013.

5. Kết quả thực hiện Đề án tại các địa phương

Hầu hết các địa phương đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành kế hoạch, phân công, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện; tổ chức quán triệt nội dung Đề án tại hội nghị của tỉnh và gửi văn bản kèm tài liệu hướng dẫn triển khai Đề án. Một số địa phương có hoạt động tích cực thực hiện Đề án như:

Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức: 6 lớp bồi dưỡng cho hơn 180 cán bộ công tác TTPBPL; 172 hội nghị TTPBPL cho 5.629 người; 01 cuộc thi tìm hiểu pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, phát sóng, đưa tin 31 tin bài tuyên truyền trên đài truyền thanh địa phương về bảo vệ, phát triển rừng, vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng 05 pano, 03 bảng dự báo, 400 bảng cấm, xây dựng 4 bản quy ước bảo vệ rừng, 147 cuốn tài liệu "Văn bản pháp luật và một số điều cần biết về cây có chứa chất ma túy”, 3000 tờ gấp TTPBPL.

Vĩnh Long đã tổ chức: 8 lớp bồi dưỡng cho 841 cán bộ công tác TTPBPL; 4.131 hội nghị TTPBPL cho 328.654 người; phát hành 79.594 tờ gấp, 1.830 tài liệu pháp luật, phát sóng, đưa 4.920 tin bàn TTPBPL trên báo, đài của địa phương.

Cần Thơ đã tổ chức 23 lớp bồi dưỡng cho 1.316 cán bộ công tác TTPBPL; 30.840 hội nghị TTPBPL cho 909.045 người; phát hành 53.630 tờ gấp, 1.2740 sách hỏi đáp, 7.020 sổ tay pháp luật, phát sóng, đưa 6.550 tin bàn TTPBPL trên báo, đài.

Tuyên Quang đã tổ chức 7 lớp bồi dưỡng cho 257 cán bộ làm công tác TTPBPL; 12.477 hội nghị TTPBPL cho 211.098 người; phát hành 41.181 tờ gấp, 10.078 sổ tay pháp luật, 74.550 tài liệu pháp luật, phát sóng, đưa 4.230 tin bàn TTPBPL trên báo, đài.

Phú Thọ tổ chức 5 lớp bồi dưỡng cho 500 cán bộ làm công tác TTPBPL; 335 hội nghị TTPBPL cho 14.805 người; phát hành 13.000 tờ gấp, 650 sổ tay pháp luật, 2.600 sách hỏi đáp, xây dựng 14 chuyên mục TTPBPL trên báo, đài.

6. Công tác kiểm tra việc thực hiện các nội dung của Đề án

Việc kiểm tra tình hình thực hiện Đề án đã được các cơ quan trong Đề án quan tâm chỉ đạo thực hiện. Việc kiểm tra được thực hiện thông qua nhiều hình thức: thực hiện kiểm tra chuyên đề, thực hiện chế độ kiểm tra gắn với đánh giá tác động hệ thống chính sách pháp luật trong thực tiễn, gắn với việc kiểm tra thực hiện pháp luật.

Trong năm 2013, các cơ quan trong Đề án đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra tại một số địa phương như: Phú Thọ, Hòa Bình, Cao Bằng, Gia Lai, Sóc Trăng; lồng ghép nội dung này trong các cuộc kiểm tra thực hiện pháp luật tại một số địa phương. Các đơn vị tự tổ chức kiểm tra trong đơn vị, trong hệ thống tổ chức chuyên ngành các đơn vị trực thuộc.

7. Kinh phí thực hiện Đề án ở trung ương:

Trong năm 2013, kinh phí thực hiện Đề án không được ngân sách nhà nước cấp, chủ yếu do các cơ quan tự bố trí (Bộ NN và PTNT tự bố trí 367 triệu đồng để thực hiện Tiểu Đề án 1) hoặc lồng ghép với các hoạt động khác.

II. NHỮNG HẠN CHẾ, KHÓ KHĂN KHI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Những hạn chế, khó khăn

Trong quá trình thực hiện, Đề án còn một số tồn tại sau:

- Hoạt động của Đề án không triển khai được nhiều. Nhiều nội dung của Đề án chưa được thực hiện do không có kinh phí.

- Chưa xây dựng được kế hoạch phối hợp thực hiện Đề án năm 2014 do vậy khó khăn trong việc đánh giá kết quả, tiến độ thực hiện chung của Đề án.

- Đối tượng hoạt động của Đề án thuộc nhiều địa bàn, trình độ dân trí không đồng đều đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc.

- Nhiều địa phương chưa tích cực chủ động triển khai thực hiện Đề án.

2. Nguyên nhân

- Chưa có sự thống nhất trong việc xác định thẩm quyền phê duyệt nội dung Đề án giai đoạn 2013-2016. Do đó, đến ngày 30/5/2013 Bộ NN và PTNT mới phê duyệt Đề án giai đoạn 2013-2016.

- Các mức chi cho công tác TTPBPL quá thấp so với thực tế. Nhiều địa phương rất khó khăn trong việc bố trí kinh phí thực hiện Đề án.

- Một số cơ quan, đơn vị còn lúng túng trong việc tham mưu cho Bộ, ngành mình triển khai thực hiện Đề án.

- Đội ngũ cán bộ thực hiện Đề án chưa đảm bảo về số lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lực, trình độ và hoạt động kiêm nhiệm nên đã ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ thực hiện.

- Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong Đề án chưa thực sự chặt chẽ, nhịp nhàng, chưa có sự thống nhất trong hoạt động.

III. GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NĂM 2014

1. Giải pháp thực hiện

- Khẩn trương hoàn thành thủ tục và trình cơ quan có thẩm quyền phân bổ kinh phí hoạt động để các đơn vị có liên quan có cơ sở triển khai thực hiện.

- Sớm ban hành văn bản tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai nhanh, có kết quả các nội dung của Đề án năm 2014.

- Tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số; rà soát, đánh giá, nhân rộng các mô hình phổ biến pháp luật có hiệu quả; định hướng, chỉ đạo công tác thực hiện Đề án tại các địa phương; xây dựng và hướng dẫn các địa phương xây dựng tài liệu tuyên truyền phù hợp với các nhóm đối tượng được phổ biến.

- Củng cố, nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số.

- Lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, phổ biến thuộc các chương trình, dự án khác với các hoạt động của Đề án.

- Làm rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan trong Đề án, tổ chức thực hiện có kết quả, hiệu quả các hoạt động của Đề án trong năm 2014. Tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành đối với công tác TTPBPL cho đồng bào dân tộc thiểu số, tham gia chương trình phối hợp liên ngành về công tác PBGDPL của Chính phủ với các Bộ, ngành có liên quan.

- Thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Xây dựng cơ chế thông tin, báo cáo giữa các cơ quan trong Đề án, thường xuyên trao đổi, chia sẻ về tình hình và các biện pháp thực hiện các hoạt động của Đề án.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động Đề án của các cơ quan, đơn vị trong Đề án và của địa phương. Thành lập các đoàn kiểm tra gồm đại diện của 4 Tiều Đề do Bộ NNPTNT chủ trì để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc và giải quyết các vướng mắc của các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các hoạt động của Đề án.

2. Kiến nghị

- Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của Chính phủ, Bộ Tư pháp tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra các cơ quan chủ trì các Đề án nói chung và Bộ NNPTNT, các cơ quan trong Đề án thực hiện các hoạt động của Đề án nói riêng; tổ chức các cuộc thảo luận, trao đổi để chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm tốt giữa các cơ quan, đơn vị đã và đang thực hiện các chương trình, Đề án có liên quan đến công tác phổ biến pháp luật sớm để rút kinh nghiệm và thực hiện tốt các Đề án trong năm 2014.

- Bộ Tài chính quan tâm dành nguồn kinh phí thỏa đáng cho công tác TTPBGDPL cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số năm 2014.

- Đề nghị các địa phương triển khai đề án, chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện Đề án và dành ngân sách cho triển khai đề án tại địa phương. Cần có sự chỉ đạo cụ thể, trực tiếp đối với cấp tỉnh, thành về việc phê duyệt kế hoạch hoạt động, kinh phí triển khai thực hiện Đề án 554 ở cấp địa phương để đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả và tính đồng bộ, thống nhất của các hoạt động).

Trên đây là kết quả thực hiện Đề án trong năm 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Hội đồng PHCTPBGDPL (Bộ Tư pháp);
- Các cơ quan trong Đề án;
- Lưu: VT, PC

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hà Công Tuấn