- 1 Luật khoáng sản 2010
- 2 Luật ngân sách nhà nước 2015
- 3 Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư
- 4 Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai
- 5 Quyết định 435/QĐ-TTg năm 2023 phân công Thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Quyết định 866/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 9379/BC-VPCP | Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2023 |
BÁO CÁO
KẾT QUẢ LÀM VIỆC CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ LÊ MINH KHÁI VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH TÂY NINH VÀ TỈNH BÌNH PHƯỚC VỀ TÌNH HÌNH SẢN XUẤT KINH DOANH, ĐẦU TƯ CÔNG, XÂY DỰNG HẠ TẦNG VÀ XUẤT NHẬP KHẨU
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Triển khai Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì đôn đốc làm việc với 02 tỉnh: Tây Ninh và Bình Phước về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn, ngày 22 tháng 11 năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì làm việc với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh và lãnh đạo tỉnh Bình Phước. Tham dự buổi làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái có Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm; Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương. Kết quả làm việc kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá kết quả triển khai nhiệm vụ được giao, bên cạnh những khó khăn, vướng mắc nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cấp ủy đảng, chính quyền và sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân, hai tỉnh Tây Ninh và Bình Phước đã triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đạt được kết quả tích cực đáng khích lệ.
Cuộc làm việc tập trung đánh giá kết quả triển khai nhiệm vụ được giao qua các buổi làm việc trước và thảo luận, tiếp tục đề xuất phương án, giải pháp tháo gỡ những vướng mắc khó khăn còn tồn đọng, những kiến nghị mới của địa phương. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái định hướng nội dung làm việc, đề nghị đại diện các Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có ý kiến trao đổi thẳng thắn, rõ ràng để có biện pháp triển khai quyết liệt, hiệu quả, dứt điểm những khó khăn, vướng mắc của địa phương.
A. Kết quả sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu; những khó khăn, vướng mắc của tỉnh Tây Ninh và tỉnh Bình Phước
I. Tỉnh Tây Ninh:
Tình hình sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, xuất nhập khẩu 10 tháng đầu năm: chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) lũy kế 10 tháng tăng 8,27% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa lũy kế 10 tháng ước đạt 70.340 tỷ đồng, tăng 11,32% so với cùng kỳ; thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn có 364 dự án đầu tư còn hiệu lực với vốn đăng ký là 9.641,6 đô la Mỹ; thu hút vốn đầu tư trong nước có 697 dự án còn hiệu lực với vốn đăng ký là 130.382 tỷ đồng; thu ngân sách địa phương lũy kế khoảng 9.243 tỷ đồng, đạt 84,03% dự toán, giảm 8,54% so với cùng kỳ; chi ngân sách địa phương lũy kế khoảng 8.111 tỷ đồng, đạt 72,62% dự toán, tăng 1,14% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 4.830 triệu đô la Mỹ, giảm 11,6% so với cùng kỳ, ước đạt 69,2% so với kế hoạch năm; kim ngạch nhập khẩu ước đạt khoảng 4.156 triệu đô la Mỹ, giảm 15,2% so với cùng kỳ, ước đạt 67,6% so với kế hoạch năm.
Bên cạnh đó, Tỉnh còn một số khó khăn, vướng mắc: chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn còn tăng thấp so với mục tiêu đề ra; vướng mắc về quy định pháp lý liên quan đến trình tự, thủ tục thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư gây kéo dài thời gian triển khai dự án, lãng phí nguồn lực xã hội; quy định về trình tự, thủ tục cấp phép đối với vật liệu đất, sỏi, cát thuộc danh mục khoáng sản được quy định tại Luật Khoáng sản gây kéo dài thời gian, không đáp ứng nhu cầu xây lắp của các dự án; phân cấp, phân quyền tương thích giữa thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và thẩm quyền giải quyết các thủ tục cấp giấy phép con sau khi dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư; không có quy định trường hợp dự án tiếp tục dừng hoạt động quá 12 tháng nên thực tế xử lý các trường hợp này còn lúng túng; hiện chưa ban hành quy định về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
II. Tỉnh Bình Phước:
Tình hình sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, xuất nhập khẩu 10 tháng đầu năm: tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 7,36%, mức tăng trưởng cao nhất so với Vùng Đông Nam Bộ, đứng thứ 17/63 so với cả nước; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), hoạt động bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đều tăng, ước tăng 8,89% so với cùng kỳ; thu hút đầu tư trong nước cấp mới được 13 dự án, với tổng số vốn là 2.847 tỷ đồng, điều chỉnh tăng vốn cho 12 dự án, với tổng vốn tăng là 1.470 tỷ đồng, tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 4.317 tỷ đồng; thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) cấp mới 41 dự án, tổng số vốn hơn 708 triệu đô la Mỹ, điều chỉnh tăng vốn cho 27 dự án với tổng vốn tăng hơn 71 triệu đô la Mỹ; thực hiện giải ngân đạt 33,2% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 48,8% so với kế hoạch tỉnh giao, vốn ngân sách Trung ương đạt 30% và vốn ngân sách địa phương đạt 53,5%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 3 tỷ đô la Mỹ, tăng 6% so với cùng kỳ, đạt 80,7% kế hoạch năm; kim ngạch nhập khẩu ước đạt hơn 2 tỷ đô la Mỹ, tăng 16,31% so với cùng kỳ; toàn tỉnh đã có hơn 2.855 tuyến đường, với tổng chiều dài là 9.110km, hầu hết tuyến giao thông huyết mạch và tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường liên xã đã được nhựa hóa gần 100%, các công trình giao thông trọng điểm tiếp tục được triển khai quyết liệt.
Những khó khăn, vướng mắc của Tỉnh: còn khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, nhất là đất phát triển khu công nghiệp; khó thực hiện và buộc phải dừng việc đấu giá quyền sử dụng đất theo dự án khi áp dụng quy định về đấu giá quyền sử dụng đất đối với từng thửa đất theo Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ; diện tích quy hoạch mỏ Bauxit trên địa bàn tỉnh rất lớn, chưa đưa vào khai thác sẽ ảnh hưởng lớn đến người dân và việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý Khu công nghiệp chưa được tháo gỡ.
B. Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái
Qua báo cáo của lãnh đạo tỉnh Tây Ninh và tỉnh Bình Phước, Phó Thủ tướng đánh giá kết quả triển khai nhiệm vụ của tỉnh Tây Ninh, tình hình chung vẫn còn khó khăn, tuy nhiên, Tỉnh cũng đạt được những kết quả nhất định, hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh diễn ra ổn định, tình hình sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực, thu hút được nhiều dự án quy mô vốn lớn; duy trì đà tăng trưởng tích cực ở khu vực thương mại dịch vụ; tỉnh Bình Phước có nhiều điểm tích cực, tăng trưởng kinh tế đứng đầu Vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 17 so với cả nước, đặc biệt là tăng trưởng khu vực công nghiệp, xây dựng. Phó Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai như sau:
I. Về phương án, giải pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu:
- Tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình để phân tích, dự báo, kịp thời điều hành, chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, đề xuất các giải pháp phù hợp ứng phó với các vấn đề phát sinh;
- Chủ động rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, từ nay đến hết năm chỉ còn đúng một tháng mười ngày, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, giải quyết khó khăn, vướng mắc, tận dụng tối đa cơ hội để đạt các kế hoạch, mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra ở mức cao nhất; so sánh kết quả đạt được với chỉ tiêu, kế hoạch đặt ra từ đầu năm để kịp thời điều chỉnh, có giải pháp khắc phục trong triển khai nhiệm vụ thời gian còn lại của năm;
- Tập trung quyết liệt công tác thu ngân sách để tăng thu, có giải pháp thu kịp thời, tránh trường hợp bỏ sót các nguồn thu, nhất là các khoản thu liên quan đến đất đai; thực hiện có hiệu quả các biện pháp tăng cường quản lý, chống thất thu ngân sách, phấn đấu đạt dự toán được giao;
- Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và thủ tục đầu tư đối với các công trình trọng điểm của địa phương;
- Chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường phân công, phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, rõ trách nhiệm, gắn với kiểm tra, giám sát chặt chẽ; tránh tình trạng cán bộ, công chức, viên chức e ngại, né tránh trách nhiệm, không tham mưu đề xuất để công việc đình trệ;
- Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2023 tổng hợp vướng mắc, khó khăn và kiến nghị của tỉnh Bình Phước và tỉnh Tây Ninh cùng các địa phương khác, báo cáo Thủ tướng trước ngày 25 tháng của Quý.
II. Đối với các kiến nghị của địa phương
1. Kiến nghị của tỉnh Tây Ninh:
Tại cuộc làm việc ngày 30 tháng 7 năm 2023, tỉnh Tây Ninh đề xuất 06 kiến nghị, đến nay có 02 kiến nghị đang xử lý và 04 kiến nghị chưa xử lý. Cuộc làm việc này, tỉnh nêu lại 05 kiến nghị tại cuộc làm việc trước và đề xuất mới 06 kiến nghị, cụ thể như sau:
* Kiến nghị nêu lại:
a) Kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: (i) Sớm xem xét, cho ý kiến nội dung Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Hiệp Thạnh - giai đoạn 1, tỉnh Tây Ninh; (ii) Xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài; cho phép 02 địa phương (TPHCM và tỉnh Tây Ninh) tiến hành song song việc khảo sát, lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng rút ngắn thời gian thực hiện; (iii) Sớm phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất lúa dự án đầu tư Khu đô thị mới tại Phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh đã được Bộ TNMT trình ngày 19 tháng 7 năm 2023.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Hiệp Thạnh - giai đoạn 1, tỉnh Tây Ninh, hoàn thành trong tháng 11 năm 2023.
b) Kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2023 cho địa phương là 650 tỷ đồng để thực hiện 02 dự án: (i) Dự án Nâng cấp, mở rộng đường kết nối với cửa khẩu quốc tế Tân Nam mức vốn bổ sung 150 tỷ đồng; (ii) Dự án Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, giai đoạn 2 mức vốn bổ sung 500 tỷ đồng.
Về bổ sung kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2023 cho Tây Ninh, nhiệm vụ này thuộc thẩm quyền của Quốc hội; Phó Thủ tướng và thành viên Tổ Công tác ghi nhận, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ liên quan rà soát các quy định pháp luật về việc sử dụng nguồn dự phòng ngân sách Trung ương, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
* Kiến nghị mới:
a) Kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chủ trì làm việc với Bộ Giao thông công chính Campuchia theo kiến nghị của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Tây Ninh tại Công văn số 2391/UBND-DA ngày 05 tháng 6 năm 2023.
b) Phân cấp, phân quyền tương thích giữa thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và thẩm quyền giải quyết các thủ tục, cấp giấy phép con sau khi dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư.
c) Đưa các vật liệu xây dựng thông thường là đất, cát, sỏi ra khỏi danh mục khoáng sản để có quy định cấp phép dễ dàng, đơn giản hơn.
d) Cho phép một số trường hợp không buộc lập quy hoạch chung được lập quy hoạch phân khu; một số trường hợp được lập ngay quy hoạch chi tiết căn cứ quy hoạch chung.
đ) Hướng dẫn xử lý trường hợp nhà đầu tư tự quyết định ngừng hoạt động 12 tháng, sau đó tiếp tục đề nghị ngừng hoạt động vượt quá thời gian quy định tại khoản 2 Điều 56 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021.
e) Ban hành quy định về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Phó Thủ tướng giao các Bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương nghiên cứu, tổng hợp kiến nghị của tỉnh Tây Ninh, có hướng dẫn và đề xuất phương án xử lý kịp thời theo quy định.
2. Kiến nghị của tỉnh Bình Phước:
Tại cuộc làm việc trước, tỉnh Bình Phước đề xuất 06 kiến nghị, đến nay có 03 kiến nghị đã được giải quyết; còn lại 02 kiến nghị chưa được giải quyết. Cuộc làm việc này, tỉnh nêu lại 02 kiến nghị tại cuộc làm việc trước và đề xuất mới 01 kiến nghị, cụ thể như sau:
* Kiến nghị nêu lại:
a) Về việc bỏ quy hoạch mỏ Bauxit: giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan đánh giá, xem xét, nghiên cứu việc ban hành Kế hoạch triển khai quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2023. Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương có ý kiến về Kế hoạch, gửi Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
b) Về phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý Khu công nghiệp, Khu kinh tế: giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương nghiên cứu, sớm đề xuất hướng dẫn; hoàn thành trong Quý I năm 2024.
* Kiến nghị mới: về quy định đấu giá quyền sử dụng đất đối với từng thửa đất theo Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ. Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Tờ trình Chính phủ sửa đổi cho phù hợp theo đề nghị của các địa phương trên cả nước.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc với tỉnh Bình Phước về các vướng mắc, khó khăn để có văn bản hướng dẫn tỉnh thực hiện.
Văn phòng Chính phủ kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái với tỉnh Tây Ninh và tỉnh Bình Phước./.
(Kèm theo 02 Báo cáo của 02 tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và Báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1 Thông báo 198/TB-VPCP năm 2023 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại buổi làm việc với 03 địa phương về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Thông báo 240/TB-VPCP kết luận của Thường trực Chính phủ làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển 5 tháng đầu năm 2023 và giải pháp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh thời gian tới do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Công văn 4365/BTC-TCDN năm 2023 về đôn đốc báo cáo tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của doanh nghiệp do Bộ Tài chính ban hành