Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 94/BC-BCT

Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2021

 

BÁO CÁO

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI XÂY DỰNG QUY ĐỊNH THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM CƠ CHẾ MUA BÁN ĐIỆN TRỰC TIẾP GIỮA ĐƠN VỊ PHÁT ĐIỆN TỪ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO VỚI KHÁCH HÀNG SỬ DỤNG ĐIỆN LỚN

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao về xây dựng thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA), Bộ Công Thương kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung đã thực hiện và các vướng mắc, kiến nghị như sau:

I. Các công việc đã thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Ngày 21 tháng 01 năm 2020, Bộ Công Thương đã có Tờ trình số 544/TTr-BCT trình Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình thí điểm cơ chế DPPA (dạng Quyết định cá biệt).

Ngày 11 tháng 6 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về cơ chế DPPA tại Công văn số 710/TTg-CN, trong đó, giao Bộ Công Thương phê duyệt chi tiết và chỉ đạo thực hiện Chương trình thí điểm cơ chế DPPA căn cứ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 47 Luật điện lực và Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 100/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về hoạt động chất vất tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, trong đó có nội dung “Năm 2020, mở rộng thị trường bán buôn điện cạnh tranh, thí điểm để chủ đầu tư các nhà máy điện gió và điện mặt trời bán điện trực tiếp cho khách hàng, tiến tới hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào năm 2023”.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 710/TTg-CN và Công văn số 10124/VPCP-CN ngày 02 tháng 12 năm 2020 về giao Bộ Công Thương chịu trách nhiệm thống nhất với các Bộ ngành để thực hiện Chương trình thí điểm cơ chế DPPA theo nội dung Công văn số 710/TTg-CN, Bộ Công Thương đã có Công văn số 9984/BCT-ĐTĐL gửi Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính để lấy ý kiến thống nhất triển khai thực hiện việc ban hành chương trình thí điểm cơ chế DPPA theo hình thức Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Trong Quý I năm 2021, Bộ Công Thương đã tiến hành xây dựng Dự thảo Thông tư quy định thực hiện thí điểm cơ chế DPPA và tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan bằng văn bản và đăng tải nội dung Dự thảo Thông tư lên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Bộ Công Thương để lấy ý kiến rộng rãi.

Trong quá trình tổng hợp ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan, Bộ Công Thương đã rà soát và nhận thấy Nghị quyết số 100/2019/QH14 ngày 27 tháng 11 năm 2019 (cơ sở để Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương triển khai xây dựng Chương trình thí điểm cơ chế DPPA theo Công văn số 710/TTg-CN) đã bị thay thế bởi Nghị quyết số 134/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 trong đó không có nội dung quy định về thí điểm cơ chế DPPA.

Do vậy, Bộ Công Thương không có cơ sở pháp lý để ban hành Thông tư thực hiện thí điểm cơ chế DPPA.

II. Sự cần thiết của việc xây dựng và thực hiện thí điểm cơ chế DPPA

1. Sự cần thiết thực hiện cơ chế DPPA

Cơ chế DPPA là một cơ chế chuyển tiếp của các cơ chế giá ưu đãi (Feed in Tariff - FIT) hay đấu thầu đã và đang được các nước trên thế giới tiếp cận từng bước. Đây là cơ chế được đánh giá là một chính sách bền vững, lâu dài vì vậy mục tiêu tổng thể của Cơ chế DPPA là:

- Đáp ứng xu hướng sử dụng năng lượng sạch của khách hàng;

- Góp phần thu hút đầu tư vào việc phát triển bền vững năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường;

- Là bước chuẩn bị cần thiết để chuyển sang vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam.

Việc nghiên cứu xây dựng cơ chế DPPA là phù hợp với các quy định tại Luật Điện lực như quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 47 Luật Điện lực, đồng thời, cũng phù hợp với các chủ trương, chính sách mới cho phát triển năng lượng tái tạo của Đảng và Chính phủ như: (i) Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nêu rõ một trong các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là Đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ”; (ii) Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW đã giao Bộ Công Thương xây dựng và hoàn thiện cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ điện; (iii) Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trong đó Thủ tướng Chính phủ giao “đề xuất cơ chế, chính sách mới, các quy định cho việc khuyến khích đầu tư phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, phù hợp với từng giai đoạn, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.

Triển khai nhiệm vụ Đảng và Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã đưa nội dung này vào Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương tại Quyết định số 3027/QĐ-BCT ngày 20 tháng 11 năm 2020 về việc ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW.

2. Cơ sở triển khai thí điểm cơ chế DPPA

Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 47 Luật Điện lực, khách hàng sử dụng điện lớn có quyền mua điện trực tiếp của đơn vị phát điện thông qua hợp đồng có thời hạn hoặc mua điện giao ngay trên thị trường điện. Tuy nhiên, việc thực hiện rộng rãi ngay cơ chế này trong giai đoạn hiện nay là chưa khả thi với các lý do sau:

- Cơ sở hạ tầng của thị trường điện hiện nay chưa đủ đáp ứng để thực hiện rộng rãi cơ chế này: Các nguồn năng lượng tái tạo có đặc thù là các nguồn khó dự báo, thay đổi công suất bất thường, được điều độ ưu tiên so với các nguồn điện truyền thông. Nếu như có một lượng lớn nguồn năng lượng tái tạo trực tiếp tham gia vào thị trường điện và có các giao dịch trực tiếp với khách hàng sử dụng điện lớn, việc lập lịch, định giá và vận hành thời gian thực đối với các nguồn điện năng lượng tái tạo này sẽ ảnh hưởng tới định giá và lập lịch huy động các nhà máy điện truyền thông khác khi tham gia thị trường điện;

- Đơn vị phát điện và Khách hàng sử dụng điện được tự do thỏa thuận, ký kết hợp đồng theo quy định tại Luật Điện lực nhưng vẫn cần phải thử nghiệm để có các quy định phù hợp để đảm bảo việc thực hiện theo đúng tính chất của cơ chế mua bán điện trực tiếp, tránh lợi dụng cơ chế để chuyển chi phí/lợi nhuận.

Ngoài ra, theo lộ trình do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện thị trường điện tại Việt Nam đang ở cấp độ 2 - bán buôn điện cạnh tranh và đang trong giai đoạn chuẩn bị cho vận hành thí điểm cấp độ 3 - bán lẻ điện cạnh tranh. Căn cứ theo Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng chính phủ, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh được thực hiện theo 02 bước: thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh. Năm 2020, Bộ Công Thương đã hoàn thành Đề án về thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ thông qua, trên cơ sở đó Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2093/QĐ-BCT ngày 07 tháng 8 năm 2020 về mô hình thiết kế, các giải pháp và kế hoạch thực hiện thị trường bán lẻ điện. Theo đó, cơ chế DPPA thí điểm được xem là 01 giải pháp đầu tiên để triển khai bước thí điểm cơ chế thị trường bán lẻ điện để kiểm tra, đánh giá về cơ chế cho phép khách hàng sử dụng điện lớn trực tiếp đàm phán hợp đồng với các nguồn năng lượng tái tạo, thực hiện các giao dịch mua bán điện thông qua cơ chế thị trường điện giao ngay. Do vậy, cần có các quy định pháp lý để hướng dẫn cụ thể về cơ chế thí điểm này.

Vì vậy, Bộ Công Thương nhận thấy trong giai đoạn trước mắt, việc thực hiện thí điểm ở quy mô nhỏ (đề xuất quy mô không quá 1.000 MW theo nội dung đã trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 544/TTr-BCT ngày 21 tháng 01 năm 2020 và dự thảo Thông tư đã lấy ý kiến rộng rãi) là cần thiết để đánh giá, rút kinh nghiệm và hoàn thiện đồng bộ, thống nhất khuôn khổ pháp lý và hạ tầng cơ sở để áp dụng chính thức.

3. Mô hình cơ chế DPPA đề xuất thực hiện trong giai đoạn thí điểm

Trong giai đoạn thí điểm, để hạn chế những thay đổi lớn về quy định, hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị tham gia và đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các bên, Bộ Công Thương kiến nghị lựa chọn mô hình cơ chế DPPA dạng tài chính, trong đó Khách hàng sử dụng điện vẫn duy trì mua điện từ Tổng công ty điện lực theo giá bán lẻ điện hiện hành, cụ thể các giao dịch như sau:

- Khách hàng sử dụng điện: (i) Duy trì mua điện từ Tổng công ty điện lực theo giá bán lẻ hiện hành và (ii) Trực tiếp thỏa thuận, ký kết với đơn vị phát điện một Hợp đồng kỳ hạn (hợp đồng CfD) với giá và sản lượng điện do hai Bên thỏa thuận, thống nhất cho các chu kỳ giao dịch trong tương lai, qua đó Khách hàng sử dụng điện thanh toán phần chênh lệch giữa giá hợp đồng đã thỏa thuận và mức giá thị trường giao ngay cho sản lượng điện cam kết trong hợp đồng trong chu kỳ giao dịch mà hai Bên thống nhất.

- Đơn vị phát điện: (i) Ký kết hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để bán toàn bộ điện năng lên thị trường điện giao ngay, nhận doanh thu theo giá thị trường điện và (ii) Ký kết hợp đồng kỳ hạn với Khách hàng sử dụng điện với nguyên tắc giao dịch đã nêu trên.

- Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Thanh toán cho đơn vị phát điện theo giá thị trường điện giao ngay cho toàn bộ sản lượng điện phát lên hệ thống theo quy định thị trường điện.

- Tổng công ty Điện lực: Duy trì vai trò như hiện tại, mua điện từ EVN theo giá bán buôn điện nội bộ và bán điện cho Khách hàng theo giá bán lẻ điện hiện hành.

III. Thẩm quyền ban hành thí điểm cơ chế DPPA và quy định thủ tục hành chính

1. Thẩm quyền ban hành thí điểm cơ chế

Theo quy định hiện nay, chỉ có Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền ban hành thực hiện cơ chế thí điểm theo các hình thức:

- Nghị Quyết của Quốc hội, theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016.

Do đó, việc Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thực hiện thí điểm cơ chế DPPA là phù hợp.

2. Thẩm quyền quy định thủ tục hành chính

Trong giai đoạn thí điểm với quy mô hạn chế sẽ cần thực hiện việc lựa chọn các đơn vị tham gia (Đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn). Theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật), Bộ Công Thương kiến nghị trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có quy định thủ tục hành chính về lựa chọn đơn vị tham gia thí điểm cơ chế DPPA.

IV. Kiến nghị

Cơ chế mua bán điện trực tiếp là cơ chế phát triển bền vững cho các nguồn năng lượng tái tạo và đã trở thành xu hướng phát triển trên thế giới do cơ chế này đem lại lợi ích hài hòa cho các bên tham gia và giúp các đơn vị quản lý tốt hơn các rủi ro trong quá trình phát triển. Tại Việt Nam, việc thực hiện cơ chế DPPA nhằm mục đích: (i) Thí điểm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo lộ trình được duyệt; (ii) Đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng sạch của các tổ chức, Tập đoàn tại Việt Nam để thực hiện các cam kết về giảm phát thải Cacbon và bảo vệ môi trường; (iii) Chính phủ giảm được gánh nặng tài chính để trợ giá cho các nguồn điện năng lượng tái tạo mà vẫn thúc đẩy được sự phát triển của các nguồn điện năng lượng tái tạo, góp phần đáp ứng các cam kết và mục tiêu quốc gia về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Hiện nay cơ chế DPPA đang được nhiều nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và khách hàng sử dụng điện quan tâm với kỳ vọng sẽ góp phần phát triển năng lượng tái tạo bền vững ở Việt Nam. Trong năm 2020 và đầu năm 2021, rất nhiều các tổ chức, tập đoàn lớn như Samsung, Apple, Heiniken, Google.., các nhãn hàng may mặc tại Việt Nam như Nike, H&M Group, Mammut……….đã gửi Thư tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương để thể hiện sự ủng hộ đối với cơ chế DPPA và mong muốn Chính phủ Việt Nam sớm ban hành cơ chế này.

Để có cơ sở triển khai xây dựng thí điểm cơ chế DPPA nhằm tiếp tục thúc đẩy việc phát triển và sử dụng các nguồn điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của các Tập đoàn/công ty quốc tế trong tiếp cận, tiêu thụ các nguồn điện năng lượng tái tạo cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, Bộ Công Thương đã dự thảo các nội dung tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy định thực hiện cơ chế DPPA để Thủ tướng Chính phủ xem xét. Bộ Công Thương kính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:

1. Thông qua chủ trương xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (theo hình thức văn bản quy phạm pháp luật).

2. Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện Dự thảo Quyết định theo quy định hiện hành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

(Dự thảo Quyết định được gửi kèm theo Báo cáo này).

Bộ Công Thương kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó TTCP Lê Văn Thành (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp;
- Website Chính phủ;
- Vụ Pháp chế;
- Lưu: VT, ĐTĐL.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đặng Hoàng An

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

Số:     /202.../QĐ-TTg

Hà Nội, ngày    tháng    năm 202…

 

 

DỰ THẢO

 

QUYẾT ĐỊNH

Quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương;

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

a) Phạm vi điều chỉnh:

Quyết định này quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế mua bán điện trực tiếp).

b) Đối tượng áp dụng:

Quyết định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia vào cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.

Điều 2. Nguyên tắc vận hành cơ chế mua bán điện trực tiếp

Mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ nguồn điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn được thực hiện thông qua các giao dịch chính như sau:

1. Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn trực tiếp đàm phán, ký kết hợp đồng kỳ hạn (hợp đồng CfD) với giá và sản lượng điện do hai bên thỏa thuận, thống nhất cho các chu kỳ giao dịch trong tương lai. Khách hàng sử dụng điện lớn thanh toán phần chênh lệch giữa giá hợp đồng đã thỏa thuận và giá thị trường giao ngay cho sản lượng điện cam kết trong hợp đồng trong chu kỳ giao dịch.

2. Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh, bán toàn bộ điện năng lên thị trường điện giao ngay, nhận doanh thu theo giá thị trường điện và sản lượng điện năng đo đếm của đơn vị phát điện trong chu kỳ giao dịch.

3. Khách hàng sử dụng điện lớn mua điện theo các quy định hiện hành và phù hợp với lộ trình phát triển thị trường điện lực cạnh tranh.

Điều 3. Lộ trình thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp

1. Việc triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp được thực hiện theo 02 giai đoạn như sau:

a) Giai đoạn vận hành thí điểm: Từ năm 2022 đến năm 2024: thực hiện trên phạm vi toàn quốc với quy mô công suất các dự án phát điện từ năng lượng tái tạo được lựa chọn không quá 1.000 MW

b) Giai đoạn vận hành chính thức: Từ năm 2025 trở đi.

Điều 4. Lựa chọn các đơn vị tham gia trong giai đoạn thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp

1. Trong giai đoạn vận hành thí điểm, Bộ Công Thương hướng dẫn chi tiết về đối tượng (bao gồm Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn) tham gia vận hành thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp phù hợp với các quy định hiện hành về thị trường bán buôn điện cạnh tranh;

2. Bộ Công Thương thực hiện lựa chọn các dự án phát điện năng lượng tái tạo tham gia vận hành thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp theo trình tự, thủ tục như sau:

- Trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Công Thương mở cổng đăng ký trên Trang thông tin điện tử thí điểm mua bán trực tiếp, Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn thực hiện nộp Hồ sơ đăng ký tham gia cơ chế trên Trang thông tin điện tử thí điểm mua bán trực tiếp. Hồ sơ đăng ký tham gia bao gồm các tài liệu được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định này. Trường hợp trong Hồ sơ đăng ký có tài liệu bằng tiếng Anh thì phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt có công chứng. Các biểu mẫu trong hồ sơ đăng ký phải được đại diện hợp pháp của đơn vị tham gia hoặc người được ủy quyền hợp pháp ký tên và đóng dấu (nếu có), trường hợp ủy quyền phải có giấy ủy quyền. Tất cả các tài liệu chứng minh kèm theo trong hồ sơ đăng ký phải là bản gốc hoặc bản sao có công chứng;

- Trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn nộp Hồ sơ đăng ký tham gia, Bộ Công Thương có trách nhiệm đánh giá các Hồ sơ đăng ký tham gia theo các tiêu chí lựa chọn do Bộ Công Thương quy định và thông báo danh sách các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn đủ điều kiện tham gia vận hành thí điểm cơ chế mua bán điện trên Trang thông tin điện tử thí điểm mua bán trực tiếp.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của Bộ Công Thương

a) Ban hành hướng dẫn thực hiện thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn trong giai đoạn vận hành thí điểm;

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp trong giai đoạn thí điểm; hướng dẫn, theo dõi, giám sát và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp theo thẩm quyền.

c) Căn cứ trên kết quả triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp trong giai đoạn thí điểm, Bộ Công Thương hướng dẫn việc thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp trong giai đoạn vận hành chính thức; nghiên cứu đề xuất các nội dung để hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt để áp dụng rộng rãi cơ chế mua bán điện trực tiếp.

2. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

Hướng dẫn việc áp dụng thuế VAT đối với giao dịch Hợp đồng kỳ hạn giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn theo quy định hiện hành.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày…….. tháng………. năm 202..

Điều 7. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng TW Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
- VPCP: các Ban ... các Vụ...
- Lưu: Văn thư,...

THỦ TƯỚNG




Phạm Minh Chính

 

Phụ lục I

DANH MỤC TÀI LIỆU TRONG HỒ SƠ ĐĂNG KÝ THAM GIA THÍ ĐIỂM MUA BÁN ĐIỆN TRỰC TIẾP
(Kèm theo Quyết định số …../202../QĐ-TTg ngày    tháng    năm 202..)

Hồ sơ đăng ký tham gia thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp do Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn cùng chuẩn bị bao gồm các tài liệu sau:

STT

NỘI DUNG

BIỂU MẪU

1

Văn bản đăng ký tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp của Khách hàng sử dụng điện lớn và Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo

Mẫu 01

2

Thỏa thuận nguyên tắc ký kết giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn về giá điện dài hạn cho một mức sản lượng điện cam kết thông qua Hợp đồng kỳ hạn, khi được tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp

Mẫu 02

3

Thông tin về Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo

Mẫu 03.1

4

Thông tin về Dự án của Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo

Mẫu 03.2

5

Thông tin về Khách hàng sử dụng điện lớn

Mẫu 04

6

Thỏa thuận liên danh giữa các tổ chức, cá nhân mua điện tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp trong trường hợp Khách hàng sử dụng điện lớn/Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo là một nhóm các tổ chức, cá nhân

Mẫu 05

7

Các tài liệu chứng minh Khách hàng có cam kết về mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh (hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương tài liệu theo mẫu)

Mẫu 06

8

Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo hoặc cam kết từ một hoặc nhiều tổ chức tài chính, tín dụng thể hiện việc hỗ trợ tài chính cho Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo để thực hiện dự án

Mẫu 07

9

Hợp đồng mua bán điện đã ký kết giữa Khách hàng sử dụng điện lớn và Tổng công ty Điện lực (nếu có).

 

10

Tài liệu về tình trạng phát triển của dự án điện đăng ký tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp đến thời điểm đăng ký để chứng minh mức độ sẵn sàng tham gia của dự án, gồm: Thông tin về dự án; biểu tiến độ phát triển dự án và các tài liệu khác liên quan (Thiết kế kỹ thuật và/hoặc Báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư dự án do cơ quan có thẩm quyền cấp, văn bản cam kết của các nhà cung cấp thiết bị, Thỏa thuận đấu nối, Nghiên cứu tiền khả thi được duyệt, Văn bản bổ sung dự án vào quy hoạch điện lực quốc gia hoặc cấp tỉnh v.v).

 

 

Mẫu 1

VĂN BẢN ĐĂNG KÝ THAM GIA THÍ ĐIỂM MUA BÁN ĐIỆN TRỰC TIẾP

Ngày: (ghi ngày tháng năm)

Kính gửi: Bộ Công Thương (Cục Điều tiết điện lực)

Sau khi nghiên cứu Thông tư số .../2021/TT-BCT ngày   tháng... năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định thực hiện thí điểm mua bán điện trực tiếp, chúng tôi gồm: Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo _____________  và Khách hàng sử dụng điện lớn/Liên danh ___________________ đã cùng nhau chuẩn bị Hồ sơ đăng ký và cam kết:

1. Tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp nếu được lựa chọn.

2. Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo _______________ cam kết đưa dự án nhà máy điện ___________________ vào vận hành thương mại và tham gia thị trường điện trong vòng 270 ngày làm việc kể từ ngày được công bố lựa chọn tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp.

3. Đồng ý với việc thu thập và sử dụng thông tin do chúng tôi cung cấp.

4. Tất cả các tài liệu và thông tin được cung cấp trong hồ sơ đăng ký đính kèm là trung thực và chính xác.

Đại diện hợp pháp của Đơn vị phát điện:
(ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu)

Đại diện hợp pháp của Khách hàng/Liên danh: (ghi tên từng thành viên, chức danh, ký tên và đóng dấu)

 

Mẫu 2

THỎA THUẬN NGUYÊN TẮC GIỮA ĐƠN VỊ PHÁT ĐIỆN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO VÀ KHÁCH HÀNG SỬ DỤNG ĐIỆN LỚN

Ngày: (ghi ngày tháng năm)

Chúng tôi, ________________________ (Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo) và ____________ (Khách hàng sử dụng điện lớn/Liên danh), dưới đây xác nhận thực hiện thỏa thuận, ký kết hợp đồng kỳ hạn để cam kết mức giá hỗ trợ dài hạn cho việc mua điện từ dự án _____________ (Tên nhà máy điện) của Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo sau khi được chấp thuận tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp trong thời gian từ______________ năm cho sản lượng điện _______________________ (MWh) cụ thể mỗi năm, tương ứng với ______________ (%) sản lượng điện mà dự án dự kiến phát được mỗi năm với mức giá cam kết. Với việc cam kết mức giá hỗ trợ dài hạn tại Hợp đồng kỳ hạn,  _________________ (Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo) sẽ chuyển giao quyền sở hữu phần thuộc tính môi trường liên quan do dự án tạo ra cho ______________________  (Khách hàng sử dụng điện lớn) theo các thỏa thuận chi tiết sau này trong Hợp đồng ký kết.

Đại diện hợp pháp của Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo:
(ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu)

Đại diện hợp pháp của Khách hàng sử dụng điện lớn:
(ghi tên từng thành viên, chức danh, ký tên và đóng dấu)

 

Mẫu 3.1

THÔNG TIN VỀ ĐƠN VỊ PHÁT ĐIỆN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO

Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo

Tên Đơn vị phát điện:

 

Người đại diện theo pháp luật:

 

Chức vụ:

 

Địa chỉ:

 

Điện thoại liên hệ:

 

Năm thành lập:

 

Email công ty:

 

Tài khoản:

 

Mã số thuế:

 

 

Mẫu 3.2

THÔNG TIN VỀ DỰ ÁN

1. Mô tả dự án

Tên dự án:

 

Công suất đặt:

(Lưu ý: Nếu dự án chia thành nhiều giai đoạn, chỉ cần ghi công suất đề xuất tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp

 

Sản lượng điện dự kiến hàng năm (MWh):

 

Loại năng lượng tái tạo (Mặt trời/gió):

 

Địa điểm dự án:

 

Điểm đấu nối (nếu có):

 

Dự án đã được phê duyệt trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và/hoặc cấp tỉnh?

 

Chủ đầu tư dự án

 

Dự án đã có văn bản cam kết/ý định thư về hỗ trợ tài chính từ tổ chức tài chính và tín dụng?

 

Ngày dự kiến:

 

1

Ký thỏa thuận thương mại với tổ chức tín dụng

 

2

Đóng tài chính

 

3

Vận hành thương mại

 

1 2. Tiến độ phát triển dự án (Trình bày tóm tắt tiến độ phát triển dự án (tối đa 100 từ))

 

Để chứng minh tiến độ phát triển dự án, vui lòng cung cấp các văn bản sau (nếu phù hợp):

Tích vào ô nếu cung cấp:

□ Văn bản phê duyệt Thiết kế kỹ thuật của cơ quan có thẩm quyền

□ Văn bản phê duyệt Nghiên cứu khả thi của cơ quan có thẩm quyền

□ Văn bản bổ sung dự án vào quy hoạch điện lực quốc gia hoặc cấp tỉnh

□ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định về chủ trương đầu tư của cơ quan có thẩm quyền

□ Văn bản cam kết từ nhà cung cấp

□ Văn bản về sử dụng đất

□ Văn bản Thỏa thuận đấu nối

□ Văn bản cam kết hỗ trợ tài chính/Ý định thư từ tổ chức tài chính và tín dụng

(Lưu ý: các văn bản tài liệu kèm theo Hồ sơ đăng ký phải được chứng thực do cơ quan / đơn vị có thẩm quyền)

 

Mẫu 4

THÔNG TIN VỀ KHÁCH HÀNG SỬ DỤNG ĐIỆN LỚN

1. Thông tin về Khách hàng

Tên Khách hàng: (Công ty)

 

Người đại diện theo pháp luật

 

Chức vụ

 

Địa chỉ

 

Điện thoại liên hệ

 

Năm thành lập

 

Email công ty

 

Tài khoản

 

Mã số thuế

 

Có là thành viên hoặc là chuỗi cung ứng của các công ty là thành viên của các tổ chức cam kết NLTT quốc tế (RE-100, SBTi, v.v.) không? Nếu có, là những tổ chức nào?

 

2. Thông tin về các cơ sở sử dụng điện đăng ký tham gia của Khách hàng Thông tin này (và tài liệu đính kèm) phải được cung cấp cho từng cơ sở tham gia

Tên cơ sở:

 

Địa điểm:

 

Loại hình Sản xuất:

 

Mua điện tại cấp điện áp:

 

Hiện đang được cung cấp điện từ Tổng công ty Điện lực:

 

Mã số Khách hàng (trong hợp đồng ký với Tổng công ty điện lực):

 

Sử dụng điện năng trung bình hàng năm (MWh/năm) (các năm 2018, 2019, 2020) và dự kiến các năm 2021, 2022, 2023:

 

2023

 

2022

 

2021

 

2020

 

2019

 

2018

 

Vui lòng đính kèm:

Bản sao Hóa đơn tiền điện tháng 1 và tháng 12 của 03 năm gần nhất (2018,2019,2020) đối với trường hợp không thay công tơ định kỳ hoặc hóa đơn tiền điện 12 tháng của 02 năm gần nhất (2018,2019,2020) đối với trường hợp có thay công tơ định kỳ hoặc ảnh chụp sản lượng tiêu thụ điện theo mã số khách hàng trên phần mềm tra cứu của Tổng công ty điện lực.

 

Mẫu 5

THỎA THUẬN LIÊN DANH KHÁCH HÀNG SỬ DỤNG ĐIỆN LỚN/ĐƠN VỊ PHÁT ĐIỆN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO

Điền thông tin cho mỗi thành viên trong Liên danh.

*Chỉ điền phần này nếu đăng ký như một phần của Liên danh* và phải kèm theo mẫu số 4 cho từng thành viên của Liên danh

Ngày: (ghi ngày tháng năm)

Căn cứ Thông tư số ……/2021/TT-BCT_______ ngày_____ tháng_____ năm của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định thực hiện thí điểm mua bán điện trực tiếp

Chúng tôi, đại diện cho các bên ký thỏa thuận liên danh, gồm có:

Tên thành viên liên danh: (ghi tên từng thành viên liên danh)

Người đại diện theo pháp luật:

Chức vụ:

Địa chỉ:

Điện thoại:

Email:

Tài khoản:

Mã số thuế:

Các bên (sau đây gọi là thành viên) thống nhất ký kết thỏa thuận liên danh với các nội dung sau:

Điều 1. Nguyên tắc chung

1. Các thành viên tự nguyện hình thành liên danh để tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp.

2. Các thành viên thống nhất tên gọi của liên danh cho mọi hoạt động liên quan tới quá trình đăng ký tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp này là ___________

3. Trong trường hợp liên danh được chấp thuận tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp, không thành viên nào có quyền từ chối thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ đã quy định trừ khi có sự đồng ý bằng văn bản của các thành viên trong liên danh. Trường hợp thành viên của liên danh từ chối hoàn thành trách nhiệm riêng như đã thỏa thuận thì thành viên đó bị xử lý như sau ______ (ghi rõ hình thức xử lý)

Điều 2. Phân công trách nhiệm

Các bên nhất trí ủy quyền cho __________ (ghi tên một bên) làm thành viên đứng đầu liên danh, đại diện cho liên danh trong những phần việc sau:

- Ký Văn bản đăng ký tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp cùng với Đơn vị phát điện/Khách hàng trong trường hợp là Liên danh Khách hàng/ Đơn vị phát điện;

- Tham gia quá trình thương thảo, hoàn thiện hợp đồng;

- Các công việc khác;

Các thành viên trong liên danh Khách hàng /Đơn vị phát điện thỏa thuận tham gia vào Hợp đồng với Đơn vị phát điện/Khách hàng với nội dung như sau:

 

Trường hợp Liên danh Khách hàng

Trường hợp Liên danh Đơn vị phát điện

 

A (MWh)

B (MWh)

A (MWh)

B (MWh)

 

Sản lượng điện tiêu thụ dự kiến hàng năm (MWh)

Tỷ lệ sản lượng điện năng dự kiến hàng năm cam kết mua từ Đơn vị phát điện

Sản lượng điện phát dự kiến hàng năm (MWh)

Tỷ lệ sản lượng điện năng phát dự kiến hàng năm cam kết bán cho Khách hàng

Thành viên đứng đầu liên danh

 

 

 

 

Thành viên 2

 

 

 

 

Thành viên 3

 

 

 

 

…………

 

 

 

 

Tổng cộng

 

 

 

 

Điều 3. Hiệu lực của thỏa thuận liên danh

1. Thỏa thuận liên danh có hiệu lực từ ngày ký

2. Thỏa thuận liên danh chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp sau:

- Các bên hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ của mình;

- Các bên cùng thỏa thuận chấm dứt;

- Liên danh không được lựa chọn tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp;

Thỏa thuận liên danh được thành lập thành________ bản, mỗi bên giữ_________, các bản thỏa thuận có giá trị pháp lý như nhau.

Đại diện hợp pháp của thành viên đứng đầu liên danh:
(ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu)

Đại diện hợp pháp của thành viên liên danh
(ghi tên từng thành viên, chức danh, ký tên và đóng dấu)

 

Mẫu 6

VĂN BẢN CAM KẾT MỤC TIÊU SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO (NLTT) CỦA KHÁCH HÀNG SỬ  DỤNG ĐIỆN LỚN (*)

Ngày: (ghi ngày tháng năm)

Đại diện cho_________________ (Khách hàng sử dụng điện lớn/Liên danh), chúng tôi xác nhận rằng____________________ (Khách hàng sử dụng điện lớn/Liên danh) là thành viên của________________________ ((các) tổ chức cam kết NLTT quốc tế) và đã cam kết mua tối thiểu_________ % tổng tiêu thụ điện năng từ nguồn NLTT đến năm 2025, và đạt 100% NLTT đến năm__________ . Tính đến ngày_____ ,______ , 2020,_____________________ (Khách hàng sử dụng điện lớn/Liên danh) đã mua________ % tổng tiêu thụ điện năng từ nguồn NLTT. Chúng tôi______________ (Khách hàng sử dụng điện lớn/Liên danh) xin gửi kèm các tài liệu (báo cáo thường niên, thông báo công khai mới nhất….. ) để chứng minh các cam kết năng lượng tái tạo này và nỗ lực để hướng tới các cam kết đó của chúng tôi.

Đại diện hợp pháp của Khách hàng sử dụng điện lớn/Liên danh:
(ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu)

Xác nhận của Tổ chức năng lượng tái tạo quốc tế:
Đại diện hợp pháp của Tổ chức năng lượng tái tạo quốc tế:
(ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu)

(*): Áp dụng cho các Khách hàng có cam kết quốc tế

 

Mẫu 7

VĂN BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ TÀI CHÍNH CHO DỰ ÁN

Ngày: (ghi ngày tháng năm)

Đại diện cho ____________________________(Tổ chức tài chính/tín dụng), chúng tôi xác nhận rằng chúng tôi cam kết cung cấp tín dụng cho______________ (Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo) với hạn mức tối thiểu là________________ (tương đương với ______% của tổng mức đầu tư được duyệt/dự kiến của dự án) để_________________ (Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo) thực hiện dự án _______________(công nghệ: mặt trời/gió) có công suất______ MW (quy mô) tại_____________ (địa điểm dự án) nếu_______________ (Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo) và___________________ (Khách hàng sử dụng điện lớn/Liên danh) được lựa chọn tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp.

Đại diện hợp pháp của Tổ chức tài chính/tín dụng:
(ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu)