BỘ Y TẾ Số: 811/BC-BYT | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 04 tháng 10 năm 2006 |
BÁO CÁO
CÔNG TÁC CHUẨN BỊ, PHÒNG CHỐNG VÀ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CƠ BÃO SỐ 6 CỦA BỘ Y TẾ
Kính gửi: | - Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm, cứu nạn, |
Theo tinh thầnCông văn số 486/VP ngày 2/10/2006 của Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm, cứu nạn về việc tổng hợp bão số 6, Ban chỉ huy Phòng chống thảm hoạ và tìm kiếm, cứu nạn Bộ Y tế xin báo cáo như sau:
1.Những công việc đã triển khai.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ , Công diện khẩn của Chủ tịch Uỷ ban Quốcgia Tìm kiếm, cứu nạn, ngày 29/9/2006 Bộ trưởng Bộ Y tế đã có Công điện khẩn số 794/CĐ-BYT chỉ đạo các cơ sở y tế và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão thực hiện một số công việc:
- Sơ tán bệnh nhân, di chuyển và đảm bảo an toàn thuốc men, hoá chất và thiết bị y tế tại các cơ sở y tế gần biển, các cơ sở y tế có nguy cơ sập đổ do bão hoặc nằm trong các khu vực dễ bị ngập lụt do mưa lũ;
- Các bệnh viện Trung ương và bệnh viện tuyến tỉnh sẵn sàng thu dung, điều trị nạn nhân do bão không được thu tiền và chuẩn bị các đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng chi viện tuyến dưới khi có yêu cầu;
- Các Viện Vệ sinh dịch tễ khu vực chịu ảnh hưởng của bão chuẩn bị thuốc, hoá chất và cán bộ chuyên môn sẵn sàng hỗ trợ các địa phương triển khai công tác vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh sau bão;
- Công ty Dược Trung ương 3 và Công ty Thiết bị y tế Trung ương 3 tại Đà Nẵng vận chuyển các cơ số thuốc, thiết bị phòng hộ và viên sát trùng nước cấp cho Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong vùng ảnh hưởng cùa bão để sẵn sàng phục vụ công tác phòng chống và khắc phục hậu quả do bão gây ra.
Trong các ngày 29 và 30/9/2006, Công ty Dược Trung ương 3 và Công ty Thiết bị y tế Trung ương 3 đã cấp và vận chuyển tới Sở Y tế các tình Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, tp Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên, mỗi Sở Y tế 30 cơ số thuốc phòng chống lụt bão, 100 áo phao cứu sinh và 100.000 viên CloraminB theo đúng kế hoạch.
Ngay sau khi bão tan, Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế đã xuất cấp cho các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão 5.100 kg bột sát khuẩn, 1.300.000 viên CloraminB và 50.000 gói Oreson (loại pha cho 1 lít nước) để dùng cho các bệnh tiêu chảy, cấp cho Viện Pasteurs Nha Trang (Viện Vệ sinh dịch tế trực thuộc Bộ khu vực Miền Trung-Tây Nguyên) 50 cơ số phòng tả; Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã có Quyết định số 58/QĐ-DP ngày 2/10 thành lập 3 đội công tác phòng chống dịch, khắc phục hậu quả thiên tại trong mùa bão lụt do 3 đồng chí Phó Cục trưởng trực tiếp làm đội trưởng và có công văn số 1832/DP-DT chỉ đạo các Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh trong vùng chịu ảnh hưởng của bão tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý sớm các ổ dịch, kiểm tra, đảm bảo an toàn nước uống và thực phẩm, tăng cường truyền thông giáo dục công tác phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng và sẵn sàng lực lượng và phương tiện để chủ động phòng chống dịch. Tổng giám đốc Tổng công ty Dược Việt Nam đã có công văn số 257/TCTD-TCHC ngày 30/9/2006 chỉ đạo các đơn vị thành viên trên địa bàn các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên khẩn trương triển khai công tác phòng chống bão, lũ; có kế hoạch vận chuyển, dự trữ thuốc ở các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do bão, lũ để cung ứng kịp thời thuốc và hoá chất cho công tác phòng chống và khắc phục hậu quả của bão, lũ. Công ty Dược Trung ương Huế đã cấp 30 cơ số thuốc cho ngành Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế phục vụ công tác cấp cứu, điều trị nạn nhân của bão số 6.
Trước và trong thời gian bão đổ bộ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong vùng chịu ảnh hưởng của bão đã chủ động cung cấp thuốc men, hoá chất khử trùng nước và xử lý vệ sinh môi trường, trang thiết bị và tăng cường cán bộ y tế xuống các địa bàn trọng điểm, các khu vực dễ bị chia cắt do mưa, bão; tổ chức các tổ, nhóm đi kiểm tra, nắm tình hình và chỉ đạo trực tiếp y tế cơ sở triển khai thực hiện việc sơ tán bệnh nhân, di chuyển bảo vệ thuốc, hoá chất và thiết bị y tế, đảm bảo y tế trong quá trình sơ tán dân cư vùng trọng điểm của bão. Các tổ đội cấp cứu cơ động được thành lập, ứng trực 24/24 giờ với trang bị và phương tiện sẵn sàng chi viện khi có lệnh. Ngay sau khi bão tan, các đơn vị này đã tích cực, chủ động tham gia công tác tìm kiếm, sơ cứu và vận chuyển nạn nhân tới các cơ sở y tế; các cơ sở điều trị tổ chức trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung điều trị nạn nhân theo tinh thần Công điện số 794 của Bộ trưởng Bộ y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Y tế đã cử Đoàn cán bộ do đồng chí Phó Chánh Văn phòng kiêm Phó Ban chỉ huy Phòng chống thảm hoạ và tìm kiếm, cứu nạn Bộ Y tế dẫn đầu đi kiểm tra, nắm tình hình và chỉ đạo trực tiếp công tác khắc phục hậu quả của bão số 6, Ngày 2/10/2006 Đoàn đã làm việc tại Thừa Thiên Huế và chiều ngày 3/10 Đoàn làm việc tại Đà Nẵng với sự tham gia chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Trần Chí Liêm-Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thảm hoạ và tìm kiếm, cứu nạn Bộ Y tế.
Tổng hợp thuốc, thiết bị phòng hộ và hoá chất do Bộ Y tế đã chi viện là 771 triệu đồng, cụ thể như sau:
TT | Đơn vị | Cơ số thuốc | Áo phao | CloraminB (Viên ) | Bột sát khuẩn (kg) | Oreson (gói) |
1. | Quảng Bình | 30 | 100 | 200.000 | 500 | 5.000 |
2. | Quảng Trị | 30 | 100 | 200.000 | 500 | 5.000 |
3. | TT Huế | 60 | 100 | 350.000 | 700 | 5.000 |
4. | Quảng Nam | 30 | 100 | 250.000 | 1.000 | 10.000 |
5. | Đà Nẵng | 30 | 100 | 350.000 | 700 | 5.000 |
6. | Quảng Ngãi | 30 | 100 | 350.000 | 700 | 10.000 |
7. | Bình Định | 30 | 100 | 200.000 | 500 | 5.000 |
8. | Phú Yên | 30 | 100 | 200.000 | 500 | 5.000 |
9. | Viện Pasteurs Nha Trang | 10 | (cơ số phòng tả cho 50bệnh nhân) |
|
| |
| Giá trị (triệu đồng) | 278 | 88 | 105 | 255 | 45 |
2.Tình hình thiệt hại do bão tại các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế.
Do có sự chuẩn bị chu đáo từ trước và trong khi bão đổ bộ nên các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế trong vùng chịu ảnh hưởng của bão số 6 đã giảm được đáng kể những ảnh hưởng của bão tới cơ sở nhà trạm, thuốc men hoá chất, máy móc và trang thiết bị, tuy nhiên Công ty Cổ phần Dược phầm Trung ương 5 vẫn chịu thiệt hạinặng nề: hư hỏng, tốc máinhà xưởng, hư hỏng hệ thống điều hoà không khí và dược liệu, ước tính giá trị thiệt hại lên tới trên 30 tỷ đồng. Nhà ở, tài sản của cán bộ, công chức - đặc biệt là tại các đơn vị đứng chân ở thành phố Đà Nẵng bị hư hại nhiều.
Đặc biệt ngành Y tế đã không để một bệnh nhân nào đang điều trị tại các cơ sở y tế bị tử vong hoặc bị thương do ảnh hưởng của bão, lũ. Tổng hợp tình hình thiệt hại do bão tại các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khoảng 700 triệu đồng, cụ thể như sau:
Đơn vị | Hư hại nhà, xưởng, hạ tầng | Hư hại máy móc, thiết bị | Hư hại vật tư, thuốc, hoá chất | Nhà riêng CBCNV | Ước tính thiệt hại (Triệu đồng) |
Công ty Dược TW3 | Có | Có | Không | Có | 210 |
Công tyCP DP TW5 | Có | Có | Có | Có | 30.000 |
Công ty Thiết bị y tế TW3 | Có | Không | Không | Có | 300 |
Công ty Dược TW Huế | Có | Không | Không | Có | 100 |
Bệnh viện C Đà Nẵng | Có | Không | Không | Có | 500 |
Theo báo cáo của Sở Y tế Đà Nẵng, tổng số thiệt hạivề cơ sở vật chất của các đơn vị trong ngành Y tế ước tính 33,9 tỷ đồng, số thiệt hại về vật chất của cán bộ viêc chức ngành y tế thành phố lên tới 24 tỷ đồng.
3. Một số kiến nghị, đề xuất.
Rút kinh nghiệm công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai nói chung và cơn bão số 6 nói riêng, Ban chỉ huy Phòng chống thảm hoạ và tìm kiếm, cứu nạn Bộ Y tế xin có một số ý kiến như sau:
-Để đảm bảo hiệu quả công tác phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, thảm hoạ, việc thành lập Ban chỉ đạo liên ngành - trong đó cán bộ Lãnh đạo địa phương, cơ sở trực tiếp vào cuộc để huy động sự tham gia của các cấp, các ngành là hết sức quan trọng.
-Cả cộng đồng chủ động chuẩn bị và tiến hành những biện pháp bảo vệ an toàn người và tài sản có ý nghĩa quyết định đến thành công của Công tác phòng chống, giảm nhẹ ảnh hưởng của thảm hoạ, thiên tai, do đó cần tăng cường công tác truyền thông, dự báo về yếu tố nguy cơ và hướng dẫn cộng đồng về phương pháp phòng chống.
-Những năm gần đây thường xảy ra những cơn bão có cường độ mạnh như cơn bão số 7 năm 2005, cơn bão số 6 năm 2006.v.v. để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, phảitổ chức sơ tán cư dân những vùng trọng điểm đến nơi an toàn. Đòi hỏi công tác dự báo chính xác, kịp thời; chính quyền cơ sở tại các địa phương vùng trọng điểm, hay xảy ra bão lũ cần chủ động chuẩn bị, nắm bắt và xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh, bảo vệ tài sản cho cư dân, công tác hậu cần và phòng chống dịch bệnh tại các điểm dự kiến tập kết.
Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thảm hoạ và tìm kiếm, cứu nạn Bộ Y tế xin trân trong báo cáo Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm, cứu nạn và Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương.
| TL. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Thông báo số 235/TB-VPCP về việc ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại buổi làm việc với tỉnh Bình Định về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và triển khai đối phó với bão số 6 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Thông báo số 236/TB-VPCP về việc ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại buổi làm việc với tỉnh Phú Yên về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và triển khai đối phó với bão số 6 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Công điện 4816/CĐ-BYT về việc triển khai công tác chuẩn bị phòng chống lũ lụt ở các tỉnh Trung bộ do Bộ Y tế ban hành
- 4 Công điện 1631/CĐ-TTg về việc phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa lũ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Công điện 1444/CĐ-TTg về việc phòng, chống, khắc phục hậu quả bão lũ do Thủ tướng Chính phủ ban hành