Hệ thống pháp luật

Bạo lực gia đình muốn ly hôn phải làm như thế nào?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL35414

Câu hỏi:

Anh tôi có đi ngoại tình. Và thường xuyên về nhà cãi nhau, đánh nhau với vợ con. Đánh chị tôi gây thương tích. Tôi xin hỏi: nếu đánh vợ như vậy có kiện được không. Và nhờ cơ quan nào can thiệp. Nếu muốn ly hôn thì như thế nào. Và người đi ngoại tình có bị sao không?? Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam. Với thắc mắc của bạn, Công ty Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau: 1. Cơ sở pháp lý: – Luật hôn nhân và gia đình 2014; – Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007; – Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung 2009. 2.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Luật hôn nhân và gia đình 2014;

– Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007;

– Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung 2009.

2. Luật sư tư vấn:

Quyền và nghĩa vụ của vợ chồng được quy định tại chương III Luật hôn nhân và gia đình 2014, theo đó được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 19 Luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

Như vậy, theo như thông tin chị cung cấp đó là việc anh rể chị đã có hành vi "ngoại tình" thì căn cứ vào quy định trên, anh rể của chị đã vi phạm nghĩa vụ giữa vợ và chồng.

Ngoài ra, anh rể của chị còn thường xuyên về nhà cãi nhau, đánh nhau với vợ con và đã ra thương tích cho chị gái của chị.

Căn cứ theo Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007 được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 về các hành vi bạo lực gia đình: "Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc có hành vi cố ý khác xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng". Theo như thông tin chị cung cấp, anh rể của chị thường xuyên cãi nhau, đánh nhau với vợ và đã gây ra thương tích cho chị gái của chị, như vậy trong trường hợp này chị gái của chị là nan nhân của bạo lực gia đình. Theo khoản 1 Điều 5 quy định về quyền của nạn nhân bạo lực gia đình, như sau:

"a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;

b) Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này;

c) Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;

d) Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này;

đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật".

Như vậy, theo quy định trên thì chị gái của chị có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình đồng thời yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực trên. Tại Điều 18 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007 về phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ người vợ được quy định cụ thể như sau:

"1. Người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 23 và khoản 4 Điều 29 của Luật này.

2. Cơ quan công an, Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình".

Theo như quy định trên, khi chị phát hiện hành vi đánh đập của anh rể chị với chị gái của chị thì trong trường hợp này chị có thể trực tiếp báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực.

Trong trường hợp này, hành vi bạo lực của anh rể chị đã gây ra thương tích cho chị gái chị thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Theo đó, nếu hành vi bạo lực chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng và chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm để xử lý hình sự sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính dưới hình thức phạt tiền và các biện pháp ngăn chặn, khắc phục hậu quả.Trong trường hợp hành vi bạo lực có tính chất nghiêm trọng, cấu thành tội phạm có thể bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung 2009 về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác quy định tại Điều 104 (nếu tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%) hoặc tội hành hạ người khác quy định tại Điều 110 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung 2009. Theo đó, hình phạt đối với các tội này có thể là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn.

Về quyền muốn ly hôn của người vợ: Căn cứ vào thông tin chị cung cấp: anh rể chị có hành vi ngoại tình và có hành vi bạo lực gia đình. 

Trong trường hợp này, chị gái của chị hoàn toàn có quyền ly hôn theo yêu cầu của một bên theo quy định tại Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014 khi

"có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được"

Như vậy, chị gái của chị có thể gửi đơn lên Tòa án yêu cầu giải quyết ly hôn theo yêu cầu của một bên khi thấy hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài (vì người chồng đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ vợ, chồng và còn có hành vi bạo lực gia đình).

Về hành vi ngoại tình của người chồng:

Có thể hiểu, ngoại tình có nghĩa là có quan hệ yêu đương bất chính khi đã có vợ hoặc chồng. Như vậy, vấn đề ngoại tình chỉ đặt ra khi 1 hoặc cả 2 bên đã có quan hệ hôn nhân hợp pháp với người khác. Chính vì thế hành vi "ngoại tình" của người chồng ở đây đã vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng nên theo Điều 147 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung 2009 hiện hành quy định về tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng:

“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Theo đó, trong trường hợp này hành vi ngoại tình của người chồng có thể bị xử phạt hành chính nếu còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

Như vậy, tóm lại như sau: Đối với hành vi bạo lực gia đình của anh rể chị, khi chị phát hiện chị có thể làm đơn tố cáo lên cơ quan công an, báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư để có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời. Về quyền muốn ly hôn: người vợ hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo yêu cầu của một bên khi người vợ đưa ra được "căn cứ" về hành vi bạo lực gia đình như: hình ảnh thương tích, kết quả giám định thương tật, người làm chứng… hoặc "căn cứ" về việc ngoại tình của người chồng: hình ảnh, đoạn video…chứng minh được các hành vi nói trên của người chồng. Về việc người chồng ngoại tình, có thể bị xử lý hành chính nếu còn tái phạm sẽ xử lý về hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn