Hệ thống pháp luật

Bị người khác uy hiếp và đòi tiền phải làm thế nào?

Ngày gửi: 07/08/2015 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL41671

Câu hỏi:

Xin chào, tôi muốn được tư vấn là: vợ tôi có quan hệ với 1 người đàn ông khác và đang bị người đó uy hiếp rất nhiều lần sẽ đưa lên mạng và lúc trước có đòi 5 triệu đồng, vợ tôi sợ cũng đã đưa 5 triệu cho ng đó, hiện h ng đó đang uy hiếp vợ tôi rất nhiều lần, xin hỏi bây giờ tôi phải làm sao? Và khởi kiện thì ng đó sẽ bị như thế nào xin giúp đỡ dùm? Xin cảm ơn rất nhiều.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Bộ luật hình sự;

– Bộ luật dân sự 2005.

2. Nội dung tư vấn

Tại Điều 135 Bộ luật hình sự có quy định về tội cưỡng đoạt tài sản như sau:

Điều 135. Tội cưỡng đoạt tài sản 

1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

đ) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo thông tin bạn cung cấp là vợ bạn đang bị một người đàn ông uy hiếp sẽ tung bằng chứng về việc có quan hệ với họ lên mạng và yêu cầu vợ của bạn phải đưa tiền cho họ và vợ bạn đã đưa 5 triệu đồng nay người đó lại uy hiếp và đòi tiền. Theo những thông tin bạn cung cấp và căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự thì có thể thấy, người đàn ông đó đã cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản được quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự.

Do vậy, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, vợ của bạn có thể làm đơn tố giác hành vi của người đàn ông đó tới Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan, tổ chức khác. Đồng thời cung cấp những bằng chứng rằng người đó có hành vi uy hiếp tinh thần( ví dụ nội dung tin nhắn điện thoại để uy hiếp,…). Trên cơ sở kết quả điều tra của cơ quan Công an điều tra thì người đó sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, nếu vợ bạn chứng minh được hành vi uy hiếp của người đàn ông đó gây thiệt hại cho mình thì có thể yêu cầu bồi thường và việc bồi thường sẽ tuân theo quy định tại Điều 604 Bộ luật dân sự 2005 có quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, cụ thể như sau:

"1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường".

Và theo quy định của pháp luật thì việc bồi thường của người đó phải kịp thời và đầy đủ, các bên có thể thỏa thuận về việc bồi thường, nếu người đó không bồi thường vợ của bạn có thể gửi đơn yêu cầu đến Tòa án nhân dân.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn