Hệ thống pháp luật

Bồi thường tai nạn lao động khi không có lỗi của doanh nghiệp

Ngày gửi: 06/07/2020 lúc 11:31:12

Mã số: HTPL38185

Câu hỏi:

Em trai tôi đang làm việc trong công ty trong thành phố hồ chí minh thì trong quá trình làm việc thì bị chập điện nên em tôi bị bỏng điện khắp  người và hai tay bị bỏng nặng. Nhưng chúng tôi yêu cầu bên công ty phải bồi thường và trả viện phí cho em tôi nhưng công ty không chịu. Vậy, luật sư cho tôi hỏi chúng tôi có cách nào để yêu cầu công ty phải thanh toán viện phí cũng như tiền bồi thường, trợ cấp cho em tôi được không ạ. Nếu việc chậm thanh toán của phía công ty mà làm em tôi chết thì chúng tôi có quyền gì không ạ? Mong luật sư tư vấn.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

 

Theo quy định tại Điều 144 và điều 145 của Bộ luật lao động có quy định như sau:

Điều 144. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

“1. Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.

2. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.

3. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này”.

Điều 145. Quyền của người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

“1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

2. Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người sử dụng lao động chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, thì được người sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên.

3. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau:

a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

b) Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.

4. Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này”.

Về điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động của BHXH bắt buộc quy định tại Điều 39 Luật bảo hiểm xã hội quy định:

“1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;

b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;

c) Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;

2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này”.

Như vậy, trong trường hợp bị bỏng của em trai bạn nếu đủ điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động như quy định của Điều 39 Luật bảo hiểm xã hội thì:
– Nếu công ty nơi em trai bạn đang làm việc đã đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội bắt buộc cho em trai bạn thì công ti phải có trách nhiệm thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả và bồi thường hoặc hỗ trợ  cho em trai của bạn theo đúng quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 145 của Bộ luật lao động đã nêu ở trên.         

– Nếu công ty nơi em trai của bạn làm việc chưa đóng những loại bảo hiểm kể trên cho em trai của bạn thì công ty phải có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí y tế phát sinh, trả số tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động do luật bảo hiểm xã hội quy định và bồi thường hoặc hỗ trợ theo đúng quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 145 của Bộ luật lao động đã nêu ở trên.

Trong trường hợp công ty không thanh toán các khoản tiền cho em trai của bạn, thì em trai của bạn hoặc người đại diện cho em trai của bạn có thể nhờ tới hòa giải viên lao động hoặc tòa án nhân dân để được giải quyết theo quy định tại Điều 200 của Bộ luật lao động. Mọi vấn đề phát sinh đối với em trai của bạn xuất phát từ nguyên nhân không thực hiện, thực hiện chậm hoặc thực hiện không đúng trách nhiệm của công ty thì công ty phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.     

2. Giải quyết trường hợp người sử dụng lao động không chi trả viện phí cho người lao động bị tai nạn lao động

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn