Hệ thống pháp luật

Các trường hợp không được bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự

Ngày gửi: 20/05/2019 lúc 23:02:24

Mã số: HTPL40344

Câu hỏi:

Trường hợp không được bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự quy định tại Luật trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước 2009.

Câu trả lời tham khảo:

Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:

Hoạt động tố tụng hình sự được coi là một trong những hoạt động quan trọng nhất trong hoạt động tư pháp của nước ta, bởi lẽ, tỉ lệ tội phạm ở các quốc gia đang phát triển nói chung hay ở Việt Nam nói riêng đang không ngừng gia tăng, nếu không muốn nói là gia tăng quá nhanh trong những năm gần đây. Chính điều này đã tác động không nhỏ tới các cơ quan tư pháp của Việt Nam, vì thế mà các vụ án oan sai đã và đang có xu hướng gia tăng. Một phần cũng có thể do chuyên môn của các cán bộ tư pháp ở nước ta còn hạn chế. Một phần do các cán bộ tư pháp chưa công minh, chưa vô tư trong hoạt động xét xử. Và lí do quan trọng nhất đó là tỉ lệ tội phạm ở nước ta ở ngưỡng rất cao. Chính vì vậy, Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước 2009 đã ra đời. Theo đó, các trường hợp không được bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự được quy định tại Điều 27, Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước 2009. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, người được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật không được bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự (Điều 27, Khoản 1, Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước 2009). Theo quy định của Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung 2009 thì các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 25, bao gồm: Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; Trong trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm, thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự; Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có quyết định đại xá.

Thứ hai, người cố ý khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu, vật chứng khác sai sự thật để nhận tội thay cho người khác hoặc để che giấu tội phạm thì không được bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự (Điều 27, Khoản 2, Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước 2009).

>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 024.6294.9155

Thứ ba, người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án hoặc Toà án quyết định tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, đã bị tạm giữ, bị tạm giam, đã chấp hành hình phạt tù hoặc đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội nhưng không thuộc các trường hợp quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 26 của Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước 2009 , tức là thì cũng không được bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự (Điều 27, Khoản 3, Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước 2009).

Thứ tư, người bị khởi tố, truy tố trong vụ án hình sự được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nhưng vụ án đã được đình chỉ do người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố, trừ trường hợp hành vi vi phạm pháp luật của họ chưa cấu thành tội phạm thì cũng không được bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự (Điều 27, Khoản 4, Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước 2009). Theo quy định tại Điều 46, Khoản 2, Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung 2009, thì đây có thể coi là một tình tiết giảm nhẹ nếu được Tòa án ghi rõ trong bản án hoặc người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả (Điều 46, Khoản 1, Điểm b, Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung 2009) dẫn đến việc, người bị hại rút yêu cầu khởi tố.

Thứ năm, Người bị khởi tố, truy tố, xét xử là đúng với các văn bản quy phạm pháp luật tại thời điểm khởi tố, truy tố, xét xử nhưng tại thời điểm ra bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà theo các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và có hiệu lực sau ngày khởi tố, truy tố, xét xử đó họ không phải chịu trách nhiệm hình sự thì cũng không được bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự (Điều 27, Khoản 5, Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước 2009).

Với những quy định trên của Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước 2009 sẽ góp phần giảm thiểu tỉ lệ các vụ án oan sai, đảm bảo sự công minh, vô tư trong hoạt động xét xử các vụ án hình sự tại Việt Nam.

Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn.

BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam

Lưu ý: Nội dung tư vấn của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy vào từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp do sự thay đổi của chính sách hay quy định mới của pháp luật.

Gửi yêu cầu tư vấn