Chế độ của người lao động làm việc vào ca đêm
Ngày gửi: 28/07/2020 lúc 11:31:12
Câu hỏi:
Câu trả lời tham khảo:
Hệ thống pháp luật Việt Nam (hethongphapluat.com) xin chân thành cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến chúng tôi. Sau khi nghiên cứu, đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi xin đưa ra câu trả lời có tính chất tham khảo như sau:
1. Căn cứ pháp lý
Bộ luật lao động năm 2012
Nghị định 95/2013/NĐ – CP ngày 22 tháng 08 năm 2013
2. Nội dung tư vấn
Dựa trên thông tin bạn cung cấp thì bạn là thợ điện của một công ty nước ngoài, bạn trực ca đêm từ 17h đến 7h sáng hôm sau, và công ty của bạn chỉ cho phép bạn nghỉ có 01 buổi. Trường hợp này, để giải quyết vấn đề của bạn cần xem xét các phương diện sau:
Thứ nhất, xem xét về thời gian làm việc của bạn trong công ty.
Trước hết, trong thông tin bạn không nói rõ thời gian 17h đến 7h sáng hôm sau là thời giờ làm việc bình thường của bạn hay là thời giờ tăng ca, làm thêm giờ của bạn. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại Điều 104, 105 Bộ luật lao động năm 2012 thì:
“Điều 104. Thời giờ làm việc bình thường
1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần .
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.
3. Thời giờ làm việc không quá 06 giờ trong 01 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.
Điều 105. Giờ làm việc ban đêm
Giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
Điều 106. Làm thêm giờ
1. Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.
…”
Xem xét trong trường hợp của bạn, trong thông tin bạn cung cấp không thể hiện rõ đây là thời giờ làm việc bình thường của bạn hay là thời gian làm thêm giờ. Tuy nhiên trong khoảng thời gian bạn trực ca đêm từ 17h đến 7h sáng hôm sau thì khoảng thời gian từ 22h đến 06h sáng hôm sau được xác định là thời giờ làm việc ban đêm của bạn. Từ những thông tin nêu trên, căn cứ theo các quy định tại các Điều 104, 105, 106 Bộ luật lao động năm 2012 thì giải quyết tình huống của bạn thì sẽ có hai trường hợp xảy ra:
Trường hợp 1: Thời gian trực ca đêm từ 17h đến 7h sáng hôm sau được xác định là thời gian làm việc bình thường của bạn theo hợp đồng lao động.
Trường hợp này, với thời gian làm việc theo hợp đồng lao động là từ 17h đến 7h sáng thì bạn đang làm việc với thời gian làm việc bình thường là 14 giờ/ngày. Trong khi đó, căn cứ theo quy định tại Điều 104 Bộ luật lao động năm 2012 thì thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ/ngày, và không quá 48 giờ/01 tuần. Trường hợp làm theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường cũng không quá 10 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần. Do vậy, căn cứ theo quy định tại Điều 104 Bộ luật lao động năm 2012 thì công ty bạn đang thực hiện trái quy định của pháp luật lao động.
Với hành vi này, công ty của bạn sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 14 Nghị định 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ với mức xử phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.
Trường hợp 2: Thời gian trực ca đêm từ 17 h đến 7 h sáng hôm sau không được xác định là thời gian làm việc bình thường của bạn theo hợp đồng lao động.
Trường hợp này, căn cứ theo quy định tại Điều 106 Bộ luật lao động năm 2012 thì khi thời gian trực ca đêm từ 17h đến 7h sáng hôm sau không phải là thời gian làm việc bình thường của bạn theo hợp đồng lao động thì đây được xác định là khoảng thời gian bạn làm thêm giờ của bạn.
Trường hợp này, căn cứ theo quy định tại Điều 107 Bộ luật lao động năm 2012 thì công ty của bạn có quyền yêu cầu bạn làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào và người sử dụng lao động không được từ chối trong trường hợp sau:
“Điều 107. Làm thêm giờ trong những trường hợp đặc biệt
Người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào và người lao động không được từ chối trong các trường hợp sau đây:
1. Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;
2. Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và thảm họa”.
Nếu không thuộc vào các trường hợp được quy định tại Điều 107 Bộ luật lao động năm 2012 được trích dẫn ở trên thì trong trường hợp này, căn cứ theo quy định tại Điều 106 Bộ luật lao động năm 2012, công ty của bạn chỉ có thể huy động bạn làm thêm giờ khi có sự đồng ý của bạn và đảm bảo điều kiện là số giờ làm thêm của bạn không quá 50 % số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày. Trường hợp áp dụng làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm. Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng thì công ty phải bố trí để bạn được nghỉ bù cho thời gian không được nghỉ.
Trong trường hợp của bạn, thời gian bạn làm thêm sau thời gian làm việc, trực ca đêm là từ 17h đến 7h sáng, tức là thời gian làm thêm giờ được xác định là 14 tiếng/ngày. Trong trường hợp này, căn cứ theo quy định tại Điều 106 Bộ luật lao động năm 2012 thì số thời gian làm thêm của bạn đang vượt quá thời gian làm việc bình thường trong ngày nên công ty đang có hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Với hành vi này, căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định 95/2013/NĐ – CP thì công ty của bạn sẽ bị xử phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 50.000 đồng, bị đình chỉ hoạt động từ 01 đến 03 tháng.
Ngoài ra, nếu công ty bạn huy động bạn làm thêm giờ mà không có sự đồng ý của bạn, trừ các trường hợp được quy định tại Điều 107 Bộ luật lao động năm 2012 thì công ty bạn cũng có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 14 Nghị định 95/2013/NĐ-CP.
Thứ hai, về việc bố trí nghỉ bù sau khi thực hiện việc trực ca đêm.
Căn cứ theo quy định tại Điều 108, Điều 109, Điều 110 Bộ luật lao động năm 2012 thì khi người lao động (ở đây là bạn) làm việc liên tục 08 giờ hoặc 06 giờ thì được nghỉ giữa giờ 45 phút tính vào giờ làm việc. Trường hợp bạn làm việc theo ca thì phải được nghỉ ít nhất 12h trước khi chuyển sang ca làm việc khác. Đồng thời, mỗi tuần bạn sẽ được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hàng tuần thì người sử dụng lao động (công ty) vẫn phải có trách nhiệm đảm bảo cho bạn được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.
Đồng thời theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 106 Bộ luật lao động năm 2012 thì sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng thì người sử dụng lao động (công ty) phải bố trí cho người lao động (là bạn) nghỉ bù cho số thời gian không được nghỉ.
Xem xét trong trường hợp của bạn, theo thông tin bạn trực từ 17h đến 7h sáng hôm sau và được công ty bố trí nghỉ bù 01 buổi. Nhưng bạn không nói rõ, thời gian bạn trực ở trên có phải là thời gian làm việc bình thường, hay thời gian làm thêm giờ của bạn, đồng thời bạn cũng không nói rõ việc bạn trực theo ca từ 17h đến 7h như vậy có thường xuyên hay không, có diễn ra nhiều ngày liên tục trong tháng hay không, và bạn có được nghỉ hàng tuần hay không. Do vậy, việc xác định công ty bố trí cho bạn nghỉ bù 01 buổi sau thời gian trực từ 17h đến 7h sáng hôm sau có đúng quy định của pháp luật hay không, bạn cần căn cứ vào quy định của pháp luật được phân tích nêu trên và tình hình thực tế để có sự xác định cụ thể.
Ngoài ra, trường hợp thời gian bạn trực từ 17h đến 7h sáng hôm được xác định là thời gian làm thêm giờ của bạn thì bạn sẽ được hưởng tiền lương làm thêm giờ. Theo đó, căn cứ theo quy định tại Điều 97 Bộ luật lao động năm 2012 thì:
“Điều 97. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.”
Trong trường hợp của bạn thì trong thời gian bạn trực từ 17h đến 7h sáng ngày hôm sau sẽ được xác định thời gian từ 22 h đến 06h sáng ngày hôm sau được xác định là thời giờ làm việc vào ban đêm theo quy định tại Điều 105 Bộ luật lao động năm 2012, còn thời gian còn lại từ 17h đến 22h và thời gian từ 06h sáng đến 7h sáng được xác định là thời gian làm thêm giờ vào ban ngày. Trên cơ sở phân tích này và căn cứ theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012 được trích dẫn ở trên để xác định tiền lương làm thêm giờ của bạn.
Như vậy, từ những căn cứ nêu trên, việc bố trí trực ca đêm của bạn từ 17h đến 7h sáng ngày hôm sau và việc bố trí nghỉ bù có 01 buổi có được xác định là vi phạm quy định của pháp luật lao động hay không thì do thông tin không nêu rõ, nên bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế của mình để có sự xác định cụ thể. Trường hợp công ty của bạn vi phạm quy định về thời giờ nghỉ việc, thời giờ nghỉ ngơi thì công ty của bạn sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Trường hợp này, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn cần khiếu nại lên ban lãnh đạo của công ty, hoặc làm đơn đề nghị, phản ánh lên cơ quan quản lý nhà nước về lao động hoặc thanh tra lao động để được can thiệp giải quyết.
Trên đây là câu trả lời của Hệ Thống Pháp Luật Việt Nam liên quan đến yêu cầu câu hỏi của bạn. Hy vọng câu trả lời của chúng tôi sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất cứ vướng mắc gì về pháp lý mời bạn tiếp tục đặt câu hỏi. Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng cảm ơn.
BBT.Hệ Thống Pháp Luật Việt nam
Gửi yêu cầu tư vấn
Chi tiết xin liên hệ:
Tổng đài: 024.6294.9155
Hotline: 0984.988.691