Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/2001/CT-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 3 năm 2001

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CÔNG CHỨNG, CHỨNG THỰC

Ngày 08 tháng 12 năm 2000 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2000/NĐ-CP về công chứng, chứng thực và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2001 để thay thế Nghị định số 31/CP ngày 18 tháng 5 năm 1996 về tổ chức và hoạt động Công chứng nhà nước. Để triển khai thực hiện nghiêm chỉnh Nghị định này, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

I. Tổ chức việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến công chứng, chứng thực; ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định về công chứng, chứng thực.

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tiến hành việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành do Bộ, ngành, địa phương mình ban hành và hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ các văn bản có liên quan không còn phù hợp với Nghị định mới về công chứng, chứng thực; báo cáo kết quả cho Bộ Tư pháp trước ngày 31 tháng 3 năm 2001.

Riêng về việc sao y giấy tờ, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ tiến hành rà soát để hủy bỏ các quy định bắt buộc người dân phải nộp bản sao giấy tờ do Phòng Công chứng chứng nhận trong hồ sơ tuyển sinh, tuyển dụng, bổ nhiệm, tuyển lao động, giải quyết chính sách...; Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm hướng dẫn các trường học, cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước về việc cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ và các giấy tờ khác từ sổ gốc, không dồn công việc cho cơ quan công chứng, chứng thực. Cơ quan, tổ chức khi tiếp nhận giấy tờ xét thấy cần bản chính để đối chiếu, thì phải tự mình đối chiếu bản chụp với bản chính.

2. Từ nay đến hết quý I năm 2001:

- Bộ Tư pháp ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định về công chứng, chứng thực; hướng dẫn việc sử dụng thống nhất các sổ công chứng, sổ chứng thực, quy định và hướng dẫn việc sử dụng mẫu hợp đồng, giao dịch thông dụng và mẫu nội dung lời chứng;

- Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp ban hành Thông tư liên tịch về lệ phí công chứng, chứng thực và chi phí khác theo quy định tại Điều 16 của Nghị định về công chứng, chứng thực;

- Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến chế độ lương đối với công chứng viên tại Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính, sự nghiệp và lực lượng vũ trang, trình Chính phủ xem xét, ban hành.

II. Kiện toàn tổ chức, bảo đảm về nhân sự và cơ sở vật chất cho hoạt động công chứng, chứng thực.

1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành rà soát lại tổ chức, biên chế, trụ sở, phương tiện làm việc và cơ sở vật chất của các Phòng Công chứng hiện có tại địa phương mình. Trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày Nghị định về công chứng, chứng thực có hiệu lực, phải thực hiện xong việc kiện toàn, sắp xếp lại, bảo đảm cho các Phòng Công chứng có đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 26 của Nghị định về công chứng, chứng thực; những nơi còn thiếu so với nhu cầu, thì ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập thêm Phòng Công chứng bảo đảm thuận lợi cho việc thực hiện yêu cầu công chứng của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức tại địa phương mình. Việc phân chia thẩm quyền địa hạt giữa các Phòng Công chứng theo quy định tại khoản 1 Điều 23 của Nghị định về công chứng, chứng thực phải được thực hiện xong trước ngày 31 tháng 3 năm 2001.

Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính chuẩn bị đề án tiếp tục triển khai Dự án tin học hoá công chứng đến các Phòng Công chứng còn lại trong cả nước, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh bố trí cán bộ tư pháp có trình độ cử nhân Luật chuyên trách thực hiện công tác chứng thực ở cấp huyện, đồng thời bố trí ổn định người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 và Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 1998 giúp ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong công tác chứng thực; việc đăng ký chữ ký tại Sở Tư pháp của những người thực hiện chứng thực theo quy định tại khoản 2 Điều 22 và khoản 2 Điều 24 của Nghị định về công chứng, chứng thực phải được thực hiện xong trước ngày 31 tháng 3 năm 2001. ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện cần thiết cho hoạt động chứng thực của ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn.

3. Theo sự hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chấn chỉnh hoạt động công chứng, chứng thực tại địa phương mình, không để hiện tượng ùn tắc, quá tải về hoạt động công chứng, chứng thực. Người thực hiện công chứng, chứng thực phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, không gây phiền hà, sách nhiễu cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức yêu cầu công chứng, chứng thực. Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và Chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm về chất lượng và lề lối hoạt động chứng thực tại địa phương mình.

III. Chuẩn bị Đề án thực hiện thí điểm việc chuyển hoạt động của một số Phòng Công chứng sang chế độ tự trang trải.

Bộ Tư pháp phối hợp với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành khảo sát, nghiên cứu và chuẩn bị Đề án thực hiện thí điểm việc chuyển hoạt động của một số Phòng Công chứng sang chế độ tự trang trải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định vào quý IV năm 2001.

Bộ Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 4 năm 2001.

Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)