ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2006/CT-UBND | Trà Vinh, ngày 18 tháng 01 năm 2006 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC CÁT LÒNG SÔNG
Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Trà Vinh xuất hiện một số tổ chức, cá nhân hành nghề vận chuyển, khai thác cát trái phép với phương tiện là các loại tàu, ghe. Các hoạt động này diễn ra liên tục cả ngày, đêm; khai thác cả những nơi bị cấm; gần bờ; đầu cồn. Đa số các ghe này không mang biển số, không đăng ký, không đăng kiểm và do người dân tận dụng cải tiến từ những ghe cũ, ghe tự thiết kế, người điều khiển không có giấy phép lái tàu, ghe... nên không đảm bảo an toàn khi tham gia lưu thông. Ngoài ra, đối với các tổ chức đã được cấp phép khai thác cát: việc khai thác vượt mức quy định cho phép, khai thác không đúng với tọa độ được cấp phép. Thực trạng trên đã tác động xấu đến cảnh quan môi trường, thay đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông ở một vài nơi, ảnh hưởng đến an toàn giao thông thủy, mất an ninh trật tự, gây khó khăn cho công tác quản lý, làm thất thu ngân sách Nhà nước.
Để khắc phục những tồn tại trên, nhằm tăng cường công tác quản lý về hoạt động khai, thác cát và nạo vét kết hợp khai thác tận thu cát lòng sông, đồng thời tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16/2002/CT-TTg ngày 31/7/2002 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác cát sỏi và nạo vét kết hợp khai thác tận thu cát sỏi lòng sông; Chỉ thị số 17/2003/CT-TTg ngày 04/8/2003 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng hải. UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, UBND các cấp thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:
1. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm:
- Kết hợp với các Sở: Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công nghiệp, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa Thông tin, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng cát lòng sông; tiến hành đánh giá tác động môi trường đối với các mỏ nằm ở khu vực nhạy cảm (khu dân cư, khu rừng phòng hộ ...); khoanh vùng các khu vực cấm, tạm cấm khai thác, các khu vực có thể đưa vào đấu thầu khai thác và khai thác tận thu làm vật liệu san lấp mặt bằng trên địa bàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh để trình Chính phủ phê duyệt.
- Kết hợp với Công an tỉnh thành lập đoàn kiểm tra với chức năng kiểm tra hoạt động của các mỏ đang khai thác cát, tăng cường kiểm tra các hành vi vi phạm trong quá trình khai thác cát trên địa bàn tỉnh, xử phạt hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật.
- Có kế hoạch tổ chức kiểm tra hoạt động khai thác cát ở các mỏ, đo đạc đáy sông ít nhất 06 tháng/lần để trình UBND tỉnh có biện pháp xử lý kịp thời theo quy định.
- Hướng dẫn cho các đoàn kiểm tra của huyện, xã về trình tự, thủ tục xử lý các trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm trong quá trình khai thác cát.
2. Sở Tư pháp: Kết hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải, Sở Công nghiệp, Công an tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, UBND các huyện, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định pháp luật về các hoạt động khai thác khoáng sản.
3. Sở Tài chính:
- Xây dựng bảng giá tài nguyên cát ở dạng nguyên khai để các đơn vị khai thác có cơ sở thực hiện nghĩa vụ nộp thuế tài nguyên theo Thông tư số 07/TC-TCT ngày 07/02/1991 cua Bộ Tài chính.
- Hướng dẫn chế độ phân phối, sử dụng các khoản thu của Nhà nước trong hoạt động khoáng sản để thực hiện chính sách bảo hộ quyền lợi của nhân dân nơi có khoáng sản được khai thác như Điều 39 của Nghị định số 76/2000/NĐ-CP ngày 15/12/2000 của Chính phủ.
4. Sở Giao thông Vận tải và Công an tỉnh:
- Xây dựng văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn (cấp xã) tiến hành điều tra, thống kê số lượng tàu, ghe có tham gia khai thác cát của các tổ chức, cá nhân cư trú trên địa bàn quản lý.
- Tổ chức việc đăng ký phương tiện thủy nội địa, cấp giấy chứng nhận phương tiện thủy. Đào tạo và cấp bằng thuyền, máy trưởng, chứng chỉ chuyên môn cho người vận hành phương tiện thủy nội địa.
- Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện thủy nội địa không đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển không có bằng, chứng chỉ chuyên môn hoặc có nhưng không phù hợp với phương tiện đang điều khiển, nhất là các phương tiện tham gia khai thác cát.
- Kết hợp với các ngành có liên quan có kế hoạch nạo vét các bến cảng, khơi thông luồng lạch, điều chỉnh dòng chảy ... trong quá trình thực hiện có kết hợp khai thác tận thu cát sang lấp phải đăng ký khối lượng tận thu cát với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh, nêu khu vực nạo vét thuộc ranh giới nhiều tỉnh thì phải đăng ký khối lượng tận thu cát với Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh có liên quan.
5. Chi cục đăng kiểm Trà Vinh: Có trách nhiệm hướng dẫn thủ tục cho các chủ phương tiện thủy nội địa thuộc diện phải đăng ký, đăng kiểm theo Luật Giao thông đường thủy nội địa được đăng ký, đăng kiểm thuận lợi, dễ dàng. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc qui trình, qui phạm trong việc kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện thủy nội địa; kết hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra liên ngành theo quy định.
6. Sở Công nghiệp và Sở Xây dựng:
- Trình UBND tỉnh phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ và kế hoạch khai thác khoáng sản đối với các doanh nghiệp trực thuộc.
- Thường xuyên tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp trực thuộc.
- Chỉ đạo cho các doanh nghiệp trực thuộc phải kết hợp chặt chẽ với UBND các xã, nơi có mỏ do đơn vị mình quản lý trong công tác quản lý, khai thác cát.
- Chỉ đạo cho các doanh nghiệp khai thác cát phải thường xuyên kiểm tra tác động môi trường, tình hình thay đổi dòng chảy ... nơi có các mỏ do đơn vị mình quản lý và khu vực liên quan, nếu có sự cố về môi trường phải báo cáo ngay về cấp trên và UBND tỉnh.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã:
- Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành gồm: UBND huyện, phòng Tài nguyên và Môi trường và các ngành có liên quan để thực hiện kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm khai thác cát; kiểm tra và bảo vệ các khu vực có cát chưa đưa vào khai thác, các khu vực cấm, tạm cấm.
- Thường xuyên nhắc nhở cấp xã tăng cường công tác kiểm tra; đôn đốc cấp xã tiến hành điều tra, thống kê số lượng tàu, ghe cỏ tham gia hoạt động khai thác cát của tổ chức, cá nhân cư trú trên địa bàn quản lý; tổng hợp kết quả, báo cáo vê Sở Tài nguyên và Môi trường để Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
8. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (cấp xã):
- Tiến hành điều tra thống kê số lượng tàu, ghe có tham gia khai thác cát của tổ chức, cá nhân cư trú trên địa bàn xã.
- Lập kế hoạch san lấp mặt bằng các công trình xây dựng cơ bản, công trình giao thông, cải tạo vườn tạp, cải tạo đất nông nghiệp trên địa bàn. cấp xã báo cáo về UBND huyện, UBND huyện tổng hợp báo cáo về UBND tỉnh để UBND tỉnh có kế hoạch cân đối khai thác cát một cách hợp lý.
- Có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý mỏ đã có giấy phép nằm trong phạm vi hành chính xã.
- Tất cả các xã nằm dọc theo sông Hậu, sông cổ Chiên phải thành lập các đội kiểm tra với thành phần gồm: Chủ tịch UBND xã, Công an, Tư pháp, Xã đội, ... do Chủ tịch UBND xã làm trưởng đoàn có nhiệm vụ kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm khai thác cát; bảo vệ các khu vực có cát chưa đưa vào khai thác; khu vực cấm, tạm cấm khai thác; giải quyết các đơn tố cáo, khiếu nại có liên quan đến việc khai thác cát trên địa bàn xã; kết hợp chặt chẽ với các đoàn kiểm tra cấp tỉnh, huyện khi có yêu cầu phối hợp thực hiện; chuẩn bị địa điểm, lực lượng để tiến hành tạm giữ tang vật khi cần thiết.
9. Các sở, ban, ngành, các Ban quản lý dự án chuyên ngành cấp tỉnh, huyện: Khi tổ chức san lấp mặt bằng công trình phải yêu cầu bên thi công không được dùng cát san lấp có nguồn gốc bất hợp pháp.
10. Đoàn kiểm tra xử lý vi phạm khai thác cát san lấp các cấp: tỉnh, huyện, xã được phép kiểm tra các tàu, ghe trong lúc đang khai thác cát; trên đường vận chuyển cát; các cửa sông, cửa rạch (vàm) kể cả nơi đang tiêu thụ cát; các công trình đang san lấp mặt bằng, nếu phát hiện hành vi vi phạm khai thác cát trái phép phải xử lý nghiêm theo quy định tại Nghị định 150/2004/NĐ-CP ngày 29/7/2004 của Chính phủ Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực khoáng sản.
Quản lý và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên cát lòng sông, hạn chế thiệt hại do sự cố môi trường gây ra là nhiệm vụ hết sức quan trọng, đòi hỏi phải có sự góp sức của nhiều ngành, nhiều cấp, các đoàn thể và toàn dân trong tỉnh. Mọi hành vi vi phạm và những cán bộ, nhân viên có hành vi tiêu cực hoặc cố tình bao che cho các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác cát lòng sông phải xử lý nghiêm khắc.
Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các Sở, ban, ngành và UBND các cấp tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này, phấn đấu đến cuối năm 2006 phải châm dứt tình trạng khai thác cát bừa bãi và báo cáo kết quả về UBND tỉnh.
Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc phải báo cáo ngay để UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo tháo gỡ./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1 Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2019 về tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển, tập kết cát trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- 2 Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2014 tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển và tiêu thụ cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Yên Bái
- 3 Chỉ thị 08/2011/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- 4 Chỉ thị 12/2010/CT-UBND về tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác cát, sỏi và nạo vét kết hợp tận thu cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 5 Quyết định 18/2006/QĐ-UBND quy định về hoạt động khai thác cát sông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
- 6 Nghị định 150/2004/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản
- 7 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004
- 8 Nghị định 76/2000/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Khoáng sản sửa đổi
- 9 Thông tư 07-TC/TCT năm 1991 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh của Hội đồng Nhà nước và Nghị định 06-HĐBT 1991 về thuế tài nguyên do Bộ tài chính ban hành
- 1 Chỉ thị 12/2010/CT-UBND về tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác cát, sỏi và nạo vét kết hợp tận thu cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 2 Chỉ thị 08/2011/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- 3 Quyết định 18/2006/QĐ-UBND quy định về hoạt động khai thác cát sông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
- 4 Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2014 tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển và tiêu thụ cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Yên Bái
- 5 Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2019 về tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển, tập kết cát trên địa bàn tỉnh Thái Bình