ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2007/CT-UBND | Vinh, ngày 08 tháng 01 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐẢM BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
Thời gian qua, với sự nỗ lực cố gắng của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp, công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh ta đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa và tổ chức cứu hộ, cứu nạn, nhanh chóng khắc phục thiệt hại do tai nạn giao thông đường thủy nội địa gây ra. Tuy vậy, tình hình trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa tiếp tục diễn biến rất phức tạp, một số vụ tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng đã xảy ra; đặc biệt là vụ đắm đò tại bến đò Chôm Lôm, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông vừa qua đã làm thiệt hại sinh mạng của nhiều người. Công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa vẫn còn nhiều tồn tại, thiếu sót. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức. Chính quyền địa phương cấp huyện, xã chưa thực hiện đầy đủ chức năng quản lý theo phạm vi tuyến sông, kênh được phân cấp; các cơ quan quản lý chuyên ngành chưa làm tốt công tác quy hoạch, quản lý bến bãi và hoạt động của phương tiện thủy; lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông đường thủy chưa thường xuyên kiểm tra và xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm, như: phương tiện giao thông thủy đang hoạt động chưa được đăng kiểm, người điều khiển phương tiện giao thông thủy chưa có chứng chỉ chuyên môn, bến khách sang sông chưa được cấp phép, phương tiện không được trang bị áo pháo cứu sinh...
Để khắc phục những tồn tại, thiếu sót nêu trên, nhằm bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
1. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò theo phạm vi được phân cấp quản lý về các tuyến sông, kênh, vùng nước thủy nội địa thực hiện ngay việc quy hoạch chi tiết, cụ thể các bến vận tải khách ngang sông, bến bãi bốc xếp vận chuyển hàng hóa, nơi neo đậu của phương tiện để phân loại và có phương án đầu tư nâng cấp bến đò đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định (có đường lên xuống bến, cầu bến, bảng nội quy, nhà chờ, bảng niêm yết giá vé). Tổ chức việc cấp phép mở bến khách ngang sông theo Quyết định số 3162/QĐ-UB.CN ngày 25/8/2004 của UBND tỉnh về phân cấp quản lý đường thủy. Phương tiện vận chuyển khách phải được đăng kiểm, đăng ký; người lái đò phải có chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Đối với một số bến đò có địa hình phức tạp, sông sâu rộng, nước chảy xiết nguy hiểm thì lập phương án di dời; nghiêm cấm hoạt động khi nước lũ lên cao để đảm bảo an toàn.
Chỉ đạo Chủ tịch UBND cấp xã (đối với địa bàn có bến khách ngang sông) thành lập các ban quản lý và đội quy tắc tại bến khách ngang sông để thường xuyên giám sát, ngăn chặn tình trạng chở quá số người quy định, người đi đò không mặc áo phao; phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, không được trang bị đầy đủ các thiết bị cứu sinh; người lái đò không có chứng chỉ - chuyên môn theo quy định. Nếu để xảy ra tai nạn giao thông thì người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm.
Tiến hành rà soát, lập danh sách cụ thể từng phương tiện, người điều khiển phương tiện thủy nội địa; phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn, tập huấn Luật giao thông đường thủy nội địa cho người điều khiển phương tiện. Tổ chức các đợt tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, nhất là học sinh trong các trường phổ thông đi lại bằng phương tiện đò ngang.
Thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về lấn chiếm luồng lạch, khai thác cát sỏi, khoáng sản trái phép làm sai lệch dòng chảy, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và vệ sinh môi trường; bổ sung đầy đủ hệ thống phao tiêu, biển báo hiệu đảm bảo an toàn cho hoạt động đường thủy nội địa.
2. Sở Giao thông - Vận tải tiến hành quy hoạch chi tiết hệ thống bến khách ngang sông trên các tuyến sông do tỉnh quản lý và Trung ương ủy thác, bao gồm: khu vực neo đậu tàu tuyền, bến bãi, nơi khai thác vật liệu, khoáng sản. Phối hợp với chính quyền địa phương để hướng dẫn, tổ chức cấp phép mở bến, đăng ký phương tiện và phân loại bến khách ngang sông theo cấp độ nguy hiểm, quy mô đầu tư nâng cấp và mật độ tham gia giao thông của từng bến khách ngang sông để thống nhất quản lý.
Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nâng cấp xây dựng các bến khách ngang sông; chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị mở các lớp đào tạo miễn phí để cấp chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện thủy nội địa.
Chỉ đạo Thanh tra giao thông phối hợp với Cảnh sát giao thông đường thủy tăng cường kiểm tra chặt chẽ hoạt động thủy nội địa tại khu vực cảng, bến khách ngang sông. Tiến hành đình chỉ và thường xuyên giám sát việc đình chỉ hoạt động những bến khách ngang sông, những phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện hoạt động theo quy định.
3. Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy tăng cường tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa, nhất là các hành vi chở quá số người quy định, người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn. Phối hợp chính quyền địa phương thực hiện việc cưỡng chế đối với các trường hợp chủ phương tiện, người điều khiển đã bị đình chỉ mà vẫn tiếp tục hoạt động.
Chủ trì phối hợp với các ngành chức năng và cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng phương án cứu hộ cứu nạn đối với các bến khách ngang sông, nhằm hạn chế thiệt hại khi có tai nạn xảy ra.
Tổ chức theo dõi, cập nhật tình hình bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, kiến nghị, đề xuất các biện pháp khắc phục tồn tại; báo cáo hàng tháng về UBND tỉnh qua Thường trực Ban an toàn giao thông tỉnh.
4. Đài Phát thanh Truyền hình, các cơ quan thông tấn báo chí và Tiểu ban tuyên truyền pháp luật (sở Tư Pháp) tổ chức đợt tuyên truyền Luật giao thông đường thủy nội địa đến từng địa bàn dân cư bằng các hình thức thiết thực, tạo sự đồng thuận cao trong việc thực hiện các giải pháp làm giảm đến mức thấp nhất tai nạn giao thông đường thủy nội địa.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tiến hành quy hoạch cụ thể các vị trí khai thác tài nguyên, khoáng sản trên các tuyến sông và quản lý chặt chẽ việc cấp phép hoạt động, nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa và đảm bảo vệ sinh môi trường.
6. Sở Thủy sản tăng cường công tác quản lý đăng ký, đăng kiểm đối với phương tiện đánh bắt hải sản. Phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức tổng kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật giao thông đường thủy nội địa.
7. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc xây dựng quy hoạch hệ thống đê điều, công trình thủy lợi và kế hoạch phòng chống lụt, bão có liên quan đến giao thông đường thủy nội địa.
8. Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức in ấn, cấp phát tài liệu văn bản quy phạm pháp luật cho các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh; phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương rà soát các bến khách ngang sông có mật độ người tham gia giao thông cao để tham mưu UBND tỉnh trong việc huy động các nguồn vốn để khi đủ điều kiện tiến hành xây dựng một số cầu ngang sông. Trước một trang bị các thiết bị cứu sinh cho 100% các phương tiện chở khách ngang sông và bổ sung một số trang thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm soát đường thủy nội địa.
UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này và phải chịu trách nhiệm về tình hình tai nạn giao thông đường thủy nội địa xảy ra ở đơn vị, địa phương mình. Trong quá trình triển khai thực hiện có gì vướng mắc, kịp thời báo cáo về UBND tỉnh xem xét giải quyết./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Quyết định 1834/QĐ-UBND năm 2013 về Chương trình hành động thực hiện “Chỉ thị 18-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông” trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 2 Chỉ thị 18/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý nhà nước đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh do Tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 3 Quyết định 05/2010/QĐ-UBND sửa đổi Quyết định 21/2005/QĐ-UBND quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông và bảo vệ công trình giao thông đường thủy nội địa do Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu ban hành
- 4 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004
- 5 Quyết định 17/2003/QĐ-UB thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông do Tỉnh Bình Định ban hành
- 1 Quyết định 1834/QĐ-UBND năm 2013 về Chương trình hành động thực hiện “Chỉ thị 18-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông” trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 2 Chỉ thị 18/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý nhà nước đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh do Tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 3 Quyết định 05/2010/QĐ-UBND sửa đổi Quyết định 21/2005/QĐ-UBND quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông và bảo vệ công trình giao thông đường thủy nội địa do Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu ban hành
- 4 Quyết định 17/2003/QĐ-UB thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông do Tỉnh Bình Định ban hành