ỦY BAN NHÂN DÂN -------- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2008/CT-UBND | Đông Hà, ngày 02 tháng 01 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.
Những năm qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế, xã hội tỉnh nhà phát triển.
Tuy vậy, thời gian gần đây tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp, có nhiều công dân trực tiếp đến tại các cơ quan Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh những vụ việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp, không tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, nhiều vụ việc để kéo dài, còn có một số đơn kêu oan (Cả hành chính và tố tụng), không chấp nhận nội dung giải quyết của một số cơ quan, địa phương, đơn vị, đề nghị các cấp thẩm quyền xem xét lại.
Nguyên nhân của tình hình trên là do trách nhiệm của Thủ trưởng các cấp, các ngành, Chủ tịch UBND huyện, thị xã chưa quan tâm đúng mức, chưa tuân thủ đúng quy trình pháp luật khi xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, có nhiều vụ việc còn đùn đẩy, né tránh, sự phối hợp chưa đồng bộ, do đó có vụ việc giải quyết chưa dứt điểm, không tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Để ổn định tình hình gải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị:
1. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, chỉ đạo, kiểm tra giải quyết khiếu nại, tố cáo của cấp dưới trực tiếp. Phải bố trí thời gian trực tiếp tiếp công dân, lắng nghe ý kiến của dân để giải thích, thuyết phục và giải quyết công bằng, thỏa đáng, đúng pháp luật những nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo chưa đồng tình cách giải quyết, yêu cầu xem xét lại thì phải có phương án giải quyết cụ thể, dứt điểm, không để công dân khiếu nại, tố cáo vượt cấp lên tỉnh và Trung ương.
Chủ tịch UBND huyện, thị xã trực tiếp rà soát lại các vụ việc đã phát sinh và còn tồn đọng trên địa bàn, có kế hoạch bố trí lực lượng, thời gian, xác minh, kết luận giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, có lý, có tình và dứt điểm trong tháng 01 năm 2008; Đặc biệt những vụ việc khiếu nại, tố cáo tập thể đông người, có liên quan đến nông dân, phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân cùng cấp để xem xét giải quyết, đồng thời cần tổ chức đối thoại với dân, để giải quyết ngay tại cơ sở không để phát sinh điểm nóng.
Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh cần tham mưu kịp thời các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh; đồng thời, giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền mình theo quy định, không để tồn đọng kéo dài; những vụ việc liên quan nhiều cơ quan, đơn vị thì phải chủ động phối hợp, lấy ý kiến các ngành, các huyện, thị xã tham gia kết luận trước khi báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định, không đùn đẩy, né tránh.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo và các quy định của Chính phủ cho cán bộ công chức và cán bộ, nhân dân xã, phường, thị trấn. Bảo đảm công tác truyên truyền, phổ biến Luật Khiếu nại, tố cáo được kết hợp chặt chẽ với tuyên truyền các luật pháp khác, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật của người dân trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình và thực hiện việc khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật.
3. UBND tỉnh giao cho Thanh tra tỉnh phối hợp Sở Nội vụ tăng cường công tác kiểm tra trách nhiệm Thủ trưởng một số đơn vị, huyện, thị, ngành trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân còn tồn đọng kéo dài, báo cáo UBND tỉnh xử lý theo quy định.
4. Giám đốc Công an tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các huyện, thị, sở, ngành trong việc nắm tình hình của các vụ, việc khiếu nại đông người, phức tạp, tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết, xử lý kịp thời những vụ việc có hành vi xúi giục, kích động có thể phát sinh điểm nóng gây mất ổn định chính trị trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, có biện pháp chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp Thanh tra tỉnh và các cơ quan, đơn vị bảo vệ an toàn nơi tiếp công dân của tỉnh và của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra các hành vi quá khích gây mất trật tự nơi tiếp công dân.
5. Để công tác tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tốt, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã củng cố bộ máy thanh tra, tăng cường cán bộ, bổ sung biên chế để lực lượng thanh tra đủ sức đảm đương nhiệm vụ trong tình hình mới.
6. Đề nghị UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị xã hội các cấp hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức thành viên tăng cường vận động, giáo dục đoàn viên, hội viên và quần chúng, hòa giải các tranh chấp và giám sát việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo đối với cơ quan hành chính nhà nước các cấp, bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân được phát huy, kỷ cương pháp luật được giữ vững.
Nhận được Chỉ thị này yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện lên UBND tỉnh./.
| TM.ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1 Chỉ thị 05/2012/CT-UBND chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- 2 Chỉ thị 17/2012/CT-UBND tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Yên Bái
- 3 Luật Khiếu nại, tố cáo 1998