ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2016/CT-UBND | Nghệ An, ngày 05 tháng 01 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC THÚ Y NĂM 2016
Nghệ An là tỉnh có diện tích đất tự nhiên rộng 16,490 km2, trong đó đất nuôi trồng thủy sản 7.548 ha, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng 410.710 ha... là điều kiện thuận lợi phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Tính đến ngày 01/10/2015, Nghệ An có 924.887 con lợn, 19.127.000 con gia cầm, 296.676 con trâu và 428.782 con bò, trong đó có hơn 48.000 con bò sữa.
Công tác Thú y trên địa bàn tỉnh trong năm qua đã đạt được những thành tích về chỉ đạo, tổ chức và thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, thủy sản; đã hạn chế lây lan dịch bệnh nguy hiểm.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại trong công tác quản lý giết mổ gia súc, vệ sinh an toàn thực phẩm, giám sát dịch bệnh, tiêm phòng gia súc, gia cầm,... đây là những nguyên nhân làm dịch bệnh phát sinh và lây lan.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản và các loại bệnh từ động vật lây sang người, tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh; Lập kế hoạch về kinh phí trình UBND tỉnh hỗ trợ mua vắc xin, hóa chất dự phòng để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản;
b) Tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác Thú y trên địa bàn quản lý, đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi.
c) Chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện, các Sở, ngành liên quan chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm như: Cúm gia cầm, LMLM ở gia súc, Tai xanh, Dịch tả lợn, Dại chó, Đốm trắng và Hội chứng hoại tử gan tụy ở tôm nuôi... nhằm hạn chế thấp nhất dịch xảy ra.
2. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh bố trí đủ các nguồn kinh phí nhằm triển khai, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản.
3. Sở Y tế: Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, phòng chống những bệnh nguy hiểm từ động vật lây sang người.
4. Sở Công thương: Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường thường xuyên phối hợp với Chi cục Thú y tăng cường kiểm tra việc lưu thông động vật, sản phẩm động vật, thuốc thú y, chế phẩm sinh học dùng trong thú y.
5. Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Cục Hải quan Nghệ An: Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tại biên giới, các cửa khẩu phối hợp với ngành thú y kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển động vật, sản phẩm từ động vật nhập lậu qua biên giới.
6. Công an tỉnh: Chỉ đạo các lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát môi trường... phối hợp với Chi cục Thú y kiểm tra chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh; bắt giữ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong kiểm dịch vận chuyển theo quy định của Pháp luật.
7. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PT - TH tỉnh, Báo Nghệ An và các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản; khuyến khích người chăn nuôi mua các loại vắc xin tiêm phòng cho đàn vật nuôi theo quy định.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã:
a) Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản trên cơ sở kế hoạch chung của UBND tỉnh đã phê duyệt. Bố trí đủ nguồn kinh phí dự phòng để phục vụ tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn huyện.
b) Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các cấp; phân công, giao nhiệm vụ cho các thành viên BCĐ phụ trách các vùng để đôn đốc, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở.
c) Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, các quy định của Pháp luật về Thú y để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản.
d) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng triển khai tốt công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản theo kế hoạch đã phê duyệt;
e) Chỉ đạo phòng Nông nghiệp và PTNT (phòng Kinh tế), Trạm Thú y và UBND cấp xã tập trung triển khai tốt công tác giám sát, báo cáo dịch bệnh, tiêm phòng, khử trùng tiêu độc; tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác phòng chống dịch tại cơ sở.
g) Có chính sách để thu hút các tổ chức cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung. Chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức có hiệu quả việc quản lý giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn.
Kiên quyết xử lý các vi phạm hành chính về chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn theo quy định tại Nghị định số 119/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi.
h) Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về điều kiện chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 50/2013/QĐ-UBND ngày 12/9/2013 của UBND tỉnh; Quản lý các trang trại, gia trại chăn nuôi, các Công ty cung ứng giống vật nuôi, thủy sản đóng trên địa bàn huyện. Xây dựng, củng cố mạng lưới thú y cơ sở đảm bảo về số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.
9. Các tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến lĩnh vực Thú y:
a) Chấp hành nghiêm các quy định về chăn nuôi và thú y theo pháp luật hiện hành.
b) Những tổ chức, cá nhân không chấp hành các quy định trong lĩnh vực Thú y, làm phát sinh và lây lan dịch bệnh sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của Pháp luật.
Yêu cầu Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các Ban, Ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai nghiêm túc Chỉ thị này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp trình UBND tỉnh giải quyết./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Chỉ thị 01/2015/CT-UBND về công tác thú y năm 2015 do tỉnh Nghệ An ban hành
- 2 Nghị định 119/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi
- 3 Quyết định 50/2013/QĐ-UBND Quy định điều kiện trong chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 4 Chỉ thị 01/2013/CT-UBND công tác Thú y năm 2013 do tỉnh Nghệ An ban hành
- 5 Chỉ thị 03/2012/CT-UBND về công tác thú y năm 2012 do tỉnh Nghệ An ban hành