Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/CT-BNV

Hà Nội, ngày 04 tháng 07 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC

Thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước, những năm qua công tác bảo vệ bí mật nhà nước của Bộ có nhiều tiến bộ, ý thức trách nhiệm bảo vệ bí mật của các đơn vị, của cán bộ, công chức được nâng cao, chưa để xảy ra lộ, lọt bí mật của nhà nước. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót.

Để tăng cường công tác bảo vệ bí mật nhà nước tại Bộ Nội vụ, Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ thực hiện tốt các công việc sau đây:

1. Quán triệt sâu sắc mục tiêu, yêu cầu của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước và Chỉ thị số 13/2008/CT-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong tình hình mới. Công tác bảo vệ bí mật nhà nước phải bảo đảm an toàn tuyệt đối các tài liệu bí mật nhà nước nhằm phòng ngừa việc lộ, lọt bí mật nhà nước. Tăng cường tuyên truyền Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước để nâng cao ý thức cảnh giác và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên trong các đơn vị thuộc Bộ.

2. Tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên làm công tác văn thư, lưu trữ; người được giao nhiệm vụ tiếp xúc với bí mật nhà nước của đơn vị mình làm bản cam kết bảo vệ bí mật nhà nước.

3. Căn cứ Danh mục bí mật nhà nước của Bộ đã được ban hành theo Quyết định số 210/2005/QĐ-TTg ngày 25/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1255/2005/QĐ-BCA ngày 08/9/2005 của Bộ trưởng Bộ Công an, các đơn vị kiến nghị cụ thể độ mật (Tối mật, Mật) của từng loại tài liệu, vật mang bí mật nhà nước thuộc cơ quan Bộ Nội vụ quản lý.

4. Các đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản có nội dung bí mật, đề xuất mức độ mật của từng tài liệu (tờ trình, đề án, chương trình...kèm theo văn bản) và phải đúng với danh mục bí mật nhà nước của Bộ, của Ngành đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Đồng thời chịu trách nhiệm bảo quản văn bản theo đúng quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

5. Nghiêm cấm sử dụng máy tính nối mạng để soạn thảo văn bản, lưu giữ thông tin có nội dung bí mật nhà nước; việc đánh máy, in, sao, chụp tài liệu phải đúng số lượng, gửi đúng địa chỉ đã được duyệt; ghi tên người đánh máy, số lượng văn bản phát hành để quản lý theo quy định. Nơi lưu giữ tài liệu mật, vật mang bí mật nhà nước (như USB hoặc vật có tính năng tương tự) phải được trang bị đủ phương tiện bảo đảm an ninh, an toàn, chống mất cắp, cháy, nổ.

6. Định kỳ vào tháng 1 hàng năm, các đơn vị rà soát, đối chiếu, xác định những tin, tài liệu không còn phù hợp cần thay đổi, nâng cấp độ mật, giải mật để báo cáo lãnh đạo Bộ đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét quyết định; đề xuất bổ sung vào danh mục bí mật nhà nước của Bộ, của Ngành Nội vụ những tin, tài liệu có nội dung mới cần bảo mật và các báo cáo, văn bản, tài liệu của Bộ có sử dụng tin, tài liệu, trả lời văn bản thuộc danh mục bí mật nhà nước độ tuyệt mật, tối mật, mật của cơ quan khác.

7. Thống kê, phân loại tài liệu mật theo mức độ mật; lập sổ đăng ký, chuyển giao văn bản mật đi, đến riêng để có biện pháp bảo quản, lưu giữ đúng quy định.

8. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm về công tác bảo vệ bí mật nhà nước tại đơn vị mình và trong lĩnh vực công tác mà mình phụ trách; tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này; định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Bộ, để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

9. Chánh Văn phòng Bộ chịu trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này; tổng hợp báo cáo và đề xuất lãnh đạo Bộ giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Lãnh đạo Bộ;
- Các đơn vị thuộc Bộ;
- Bộ Công an;
- Lưu Văn thư, VP (3). D.30

BỘ TRƯỞNG




Trần Văn Tuấn