NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/CT-NHNN | Hà Nội, ngày 01 tháng 3 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ THỰC HIỆN GIẢI PHÁP TIỀN TỆ VÀ HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG NHẰM KIỂM SOÁT LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI
Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tổ chức tín dụng thực hiện nhiệm vụ và giải pháp như sau:
1. Năm 2011, thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng, kiểm soát tốc độ tăng tín dụng dưới 20% và tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán khoảng 15%-16%; lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý.
2. Đối với tổ chức tín dụng:
a) Xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2011 phù hợp với mục tiêu tốc độ tăng tín dụng dưới 20%, các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và chính sách kinh tế vĩ mô khác của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; thực hiện đúng quy định của pháp luật về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và hoạt động ngân hàng. Trường hợp xây dựng kế hoạch tốc độ tăng trưởng tín dụng vượt 20%, tổ chức tín dụng phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để xem xét trên cơ sở việc đảm bảo tỷ lệ an toàn hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng và mức độ ảnh hưởng đến tốc độ tăng tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng.
b) Kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, đồng thời điều chỉnh mạnh cơ cấu và nâng cao chất lượng tín dụng:
- Giao kế hoạch kinh doanh cho chi nhánh và các đơn vị trực thuộc phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP .
- Thực hiện cấp tín dụng theo đúng quy định của pháp luật về tín dụng; đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động kinh doanh theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; không để thiếu hụt vốn khả dụng thanh toán; vốn tín dụng tập trung ưu tiên cho sản xuất - kinh doanh, khu vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Thực hiện giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với năm 2010, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán; đến 30 tháng 6 năm 2011, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ tối đa là 22% và đến 31 tháng 12 năm 2011, tỷ trọng này tối đa là 16%. Trường hợp tổ chức tín dụng chưa thực hiện được tỷ trọng này theo lộ trình, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc gấp hai (02) lần so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc chung đối với tổ chức tín dụng và biện pháp hạn chế phạm vi hoạt động kinh doanh trong 06 tháng cuối năm 2011 và năm 2012. Đến 30 tháng 06 năm 2011, nếu tốc độ tăng tín dụng có thể vượt mục tiêu theo Nghị quyết số 11/NQ-CP , Ngân hàng Nhà nước Việt Nam áp dụng các biện pháp cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật để kiểm soát tín dụng.
- Cho vay bằng ngoại tệ theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo khả năng thu hồi nợ vay bằng ngoại tệ; hạn chế cho vay nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục các mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu do Bộ Công thương ban hành.
- Thực hiện huy động và cho vay bằng vàng theo quy định tại Thông tư số 22/2010/TT-NHNN ngày 29 tháng 10 năm 2010; giảm mạnh huy động và cho vay bằng vàng, phù hợp với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hạn chế việc huy động và cho vay bằng vàng của tổ chức tín dụng trong thời gian tới.
- Tiết kiệm chi phí kinh doanh, áp dụng lãi suất cho vay ở mức hợp lý; ấn định lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam và đô la Mỹ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; công bố công khai lãi suất huy động và cho vay trên website và tại chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng.
- Ấn định tỷ giá mua, bán của đồng Việt Nam đối với đô la Mỹ theo đúng quy định tại Quyết định số 230/QĐ-NHNN ngày 11 tháng 02 năm 2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong hệ thống của tổ chức tín dụng; chủ động hoàn thiện quy định nội bộ và áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro cần thiết trong kinh doanh ngoại tệ.
- Thực hiện cho vay và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phân loại tín dụng, trích dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng theo đúng quy định của pháp luật. Không được thực hiện các nghiệp vụ nhằm che giấu nợ xấu như cho vay để trả nợ cũ, không chuyển nợ quá hạn mà kéo dài thời hạn vay đối với khoản vay không có khả năng thu hồi nợ, chuyển cho vay ngắn hạn sang cho vay trung và dài hạn không đúng đối tượng, chuyển đổi đồng tiền nợ vay không đảm bảo khả năng thu hồi nợ, mua - bán nợ không đúng quy định của pháp luật, cho vay để thanh toán các khoản nợ vay không có hiệu quả của các tổ chức tín dụng khác,...
- Thực hiện việc mua trái phiếu doanh nghiệp theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
- Giám sát chặt chẽ nợ xấu phát sinh; tăng cường kiểm toán nội bộ về việc thực hiện quy định của pháp luật và quy định nội bộ về tín dụng, phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời nguy cơ rủi ro tín dụng.
3. Các đơn vị tại trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, theo chức năng và nhiệm vụ của mình, tham mưu cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2011 và các biện pháp:
a) Điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết lượng tiền cung ứng, kết hợp chặt chẽ với thanh tra, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng; sửa đổi cơ chế cho vay bằng ngoại tệ để giảm nhu cầu vay; áp dụng biện pháp giảm tốc độ và tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất, để kiểm soát quy mô và chất lượng tín dụng phù hợp với Nghị quyết số 11/NQ-CP và đảm bảo an toàn hệ thống.
b) Điều hành linh hoạt lãi suất tái cấp vốn, lãi suất nghiệp vụ thị trường mở, hoàn thiện cơ chế điều hành lãi suất phù hợp với quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010; kết hợp với các công cụ chính sách tiền tệ khác để kiểm soát lãi suất thị trường ở mức hợp lý, phù hợp mục tiêu kiềm chế lạm phát.
c) Sử dụng một phần tiền cung ứng theo kế hoạch năm 2011 để tái cấp vốn cho tổ chức tín dụng có đề án cho vay theo cơ chế tín dụng thông thường đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
d) Điều hành tỷ giá và quản lý thị trường ngoại hối:
- Điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường ngoại tệ, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Tăng cường quản lý ngoại hối, thực hiện các biện pháp cần thiết để các tổ chức, cá nhân trước hết là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước bán ngoại tệ cho ngân hàng khi có nguồn thu và được mua khi có nhu cầu hợp lý; bảo đảm thanh khoản ngoại tệ, bình ổn tỷ giá, đáp ứng yêu cầu ổn định, phát triển kinh doanh và tăng dự trữ ngoại hối.
- Thực hiện các giải pháp nhằm giảm tình trạng đô la hóa, chuyển dần quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ trong nước của tổ chức tín dụng sang quan hệ mua - bán ngoại tệ. Tiếp tục thực hiện các biện pháp về quản lý sử dụng ngoại tệ, hạn chế cho vay bằng ngoại tệ, cho vay bằng đồng Việt Nam để mua ngoại tệ thanh toán nhập khẩu đối với các mặt hàng thuộc Danh mục các mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu do Bộ Công thương ban hành.
- Kiểm soát chặt chẽ thị trường vàng; theo dõi và dự báo sát tình hình biến động giá vàng quốc tế, cung - cầu trong nước, chọn một số doanh nghiệp làm đầu mối nhập khẩu vàng, điều tiết và ổn định giá vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do; phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra, xử lý các trường hợp đầu cơ, găm giữ, kinh doanh trái pháp luật vàng, ngoại tệ làm rối loạn thị trường; trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý và kinh doanh vàng.
- Rà soát, ban hành cơ chế quản lý hoạt động huy động vốn của tổ chức tín dụng từ nước ngoài; việc sử dụng thẻ thanh toán quốc tế ở nước ngoài đối với các chủ thẻ là người cư trú.
đ) Hoàn thiện cơ chế quản lý hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng; sửa đổi, bổ sung hình thức xử phạt vi phạm kinh doanh vàng, ngoại tệ phù hợp tình hình thị trường ngoại hối hiện nay; tăng cường thanh tra, giám sát việc cấp tín dụng và đảm bảo các tỷ lệ an toàn kinh doanh của các tổ chức tín dụng:
- Ban hành theo thẩm quyền, trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010, phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
- Ban hành quy định về mua trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng; số dư nợ mua trái phiếu của doanh nghiệp được tính vào tỷ lệ tăng trưởng tín dụng và các tỷ lệ an toàn hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.
- 6 tháng đầu năm 2011, tập trung thanh tra về cho vay lĩnh vực phi sản xuất; 6 tháng cuối năm 2011, tập trung thanh tra chất lượng tín dụng và việc thực hiện các tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng. Thanh tra hoạt động của công ty mua - bán nợ trực thuộc tổ chức tín dụng; phối hợp với bộ, ngành liên quan thanh tra hoạt động của công ty chứng khoán trực thuộc tổ chức tín dụng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; công khai đưa lên trang tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam những vi phạm phải xử lý của các tổ chức tín dụng.
e) Hoàn thiện cơ chế và nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
4. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng của mình, thực hiện các biện pháp:
a) Triển khai kịp thời Nghị quyết số 11/NQ-CP và Chỉ thị này đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, thành phố; theo dõi, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP và Chỉ thị này của các tổ chức tín dụng, đề xuất với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước các giải pháp về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
b) Phối hợp với các Sở, ngành và Hiệp hội ngành nghề trên địa bàn để làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về cơ chế, chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
c) Xây dựng phương án triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP và Chỉ thị này trên địa bàn tỉnh, thành phố, tập trung vào các nội dung:
- Kiểm soát quy mô, cơ cấu và tốc độ tăng tín dụng của từng tổ chức tín dụng trên địa bàn phù hợp với mục tiêu ưu tiên theo Nghị quyết số 11/NQ-CP .
- Phối hợp với các Sở, ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về kinh doanh ngoại tệ, vàng đối với các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế và dân cư.
- Thực hiện kế hoạch thanh tra tại chỗ về cho vay lĩnh vực phi sản xuất, chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
- Buổi chiều thứ 6 hàng tuần, báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP và Chỉ thị này cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố.
5. Tổ chức thực hiện:
a) Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký.
b) Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng thực hiện Chỉ thị này. Riêng điểm a khoản 2 và điểm b khoản 2 về tỷ trọng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất của Chỉ thị này không áp dụng đối với các Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở.
c) Văn phòng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, đôn đốc các tổ chức tín dụng và các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện Chỉ thị này; thứ 2 hàng tuần, tổng hợp và báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Văn phòng Chính phủ tình hình thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ./.
Nơi nhận: | THỐNG ĐỐC |
- 1 Công văn 308/BTC-QLG tăng cường chỉ đạo thực hiện biện pháp nhằm kiểm soát lạm phát năm 2014 tại địa phương do Bộ Tài chính ban hành
- 2 Nghị quyết 11/NQ-CP năm 2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội do Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 230/QĐ-NHNN năm 2011 về quy định liên quan đến giao dịch ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép giao dịch hối đoái do Thống đốc Ngân hàng nhà nước ban hành
- 4 Thông tư 22/2010/TT-NHNN quy định về huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- 5 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010
- 6 Luật các tổ chức tín dụng 2010