ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/CT-UBND | Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2010 |
CHỈ THỊ
VỀ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ QUỐC PHÒNG ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2010
Quán triệt và thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, của Thành ủy, Hội đồng nhân dân và UBND thành phố Hà Nội, công tác quốc phòng địa phương của thành phố năm 2009 đã đạt được kết quả khá toàn diện trên các mặt: Hiệu lực quản lý nhà nước về quốc phòng, sức mạnh khu vực phòng thủ được tăng cường. Công tác giáo dục quốc phòng, an ninh được coi trọng, đạt hiệu quả thiết thực, nhận thức trách nhiệm về công tác quốc phòng địa phương của cán bộ chủ trì các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân được nâng cao. Chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang địa phương được nâng lên, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô.
Tuy nhiên việc quán triệt các văn bản của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng về công tác quốc phòng ở một số cơ sở, cơ quan, doanh nghiệp có nội dung chưa thật đầy đủ, kịp thời; sự phối hợp hiệp đồng trong thực hiện công tác quốc phòng của một số cơ quan, ban, ngành có nhiệm vụ đạt chất lượng chưa cao.
Năm 2010, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có diễn biến phức tạp; trong nước các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá. Đặc biệt trong năm diễn ra nhiều ngày Lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước, của Thành phố, các hoạt động chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng; tình hình khí hậu, thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường.
Thực hiện Thông tư số 108/TT-BQP ngày 11/11/2009 của Bộ Quốc phòng về công tác quốc phòng ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương năm 2010; Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 31/12/2009 của Thành ủy Hà Nội về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2010.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng địa phương năm 2010, yêu cầu Ủy ban nhân dân các Quận, Huyện, Thị xã; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành của Thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện những nội dung chủ yếu sau:
1. Quán triệt thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng:
Quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả các quan điểm, đường lối của Đảng về “Tăng cường quốc phòng và an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, về xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng, an ninh; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; nâng cao chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu của lực lượng vũ trang địa phương”. Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình hành động số 06-CT/TU ngày 12/01/2009 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc. Tiếp tục thực hiện chỉ thị số 07-CT/TU ngày 14/11/2008 của Thành ủy Hà Nội về lãnh đạo thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; Nghị định số 116/2007/NĐ-CP của Chính phủ về giáo dục quốc phòng, an ninh; Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 31/12/2009 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Kết luận số 41-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng Dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới; thực hiện nghiêm túc Luật Quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ, Luật Nghĩa vụ quân sự; Pháp lệnh về lực lượng Dự bị động viên; các Nghị định của Chính phủ về Động viên quốc phòng, về khu vực phòng thủ; Phòng thủ dân sự; về Tình trạng khẩn cấp và các văn bản hướng dẫn thi hành; các Chỉ thị, Nghị quyết của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố, để việc triển khai thực hiện nhiệm vụ quốc phòng địa phương đồng bộ, hiệu quả.
2. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng - an ninh
Thường xuyên kiện toàn, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Hội đồng giáo dục quốc phòng an ninh Thành phố, các Quận, Huyện, Thị xã; Hội đồng Nghĩa vụ quân sự kiêm nhiệm giáo dục quốc phòng, an ninh Xã, Phường, Thị trấn.
Tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ các đối tượng 2, 3, 4, 5, chức sắc, nhà tu hành, chức việc các tôn giáo, hoàn thành cơ bản việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh theo tiêu chuẩn các chức vụ tương ứng, cụ thể:
Tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ đối tượng 2, 3 của thành phố và các Bộ, ngành Trung ương. Cấp huyện tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ đối tượng 3, 4 thuộc địa phương và cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn. Cấp xã, cơ quan, tổ chức tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ đối tượng 5, cho Đoàn viên thanh niên, Hội viên các đoàn thể. Chú trọng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho chức sắc, chức việc các tôn giáo; các phóng viên, báo, đài, người quản lý các doanh nghiệp và một số đối tượng khác.
Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức đào tạo ngắn giáo viên giáo dục quốc phòng – an ninh, thực hiện dạy rải môn học này tại các trường trung học phổ thông theo quy định; tổ chức việc tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Thực hiện tốt môn học giáo dục quốc phòng, an ninh cho học sinh trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, sinh viên các trường cao đẳng, đại học, học viện, trung tâm giáo dục quốc phòng trên địa bàn, cán bộ đào tạo trong Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong.
Tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, truyền hình, chuyên mục trên các báo và đội ngũ báo cáo viên, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng, an ninh cho toàn dân. Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nhân Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 35 năm ngày giải phóng Miền nam; 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 65 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp.
Triển khai thực hiện đề án xây dựng Trung tâm giáo dục quốc phòng trong Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, theo Quyết định số 638/QĐ-TTg ngày 21/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ, sớm đưa vào sử dụng bảo đảm hiệu quả thiết thực.
Tổ chức thực hiện việc tổng kết 10 năm thực hiện công tác giáo dục quốc phòng, an ninh (2001 – 2010) cấp thành phố đạt chất lượng, hiệu quả.
3. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ quốc phòng với xây dựng phát triển kinh tế - xã hội:
Xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần, củng cố nâng cao chất lượng hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh, tập trung phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, khoa học công nghệ, tạo ra tiềm lực kinh tế; kết hợp chặt chẽ việc quy hoạch xây dựng phát triển kinh tế, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, làm cơ sở, nền tảng tạo thành tiềm lực quốc phòng của khu vực phòng thủ Thành phố và từng Quận, Huyện, Thị xã thật sự vững mạnh. Khi xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội phải bảo đảm hài hòa, thống nhất kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh,
Tổ chức xây dựng thế trận khu vực phòng thủ Thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 152/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về xây dựng tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc. Điều chỉnh bổ sung các văn kiện tác chiến của các cấp; rà soát và ban hành văn bản quy định quản lý nhà nước về công trình quốc phòng, khu quân sự, quản lý chặt chẽ đất quốc phòng theo quy định của pháp luật. Xây dựng Kế hoạch bảo đảm nhu cầu quốc phòng năm đầu chiến tranh (Kế hoạch B) theo Chỉ thị số 12/2008/CT-TTg ngày 26/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ đạo diễn tập khu vực phòng thủ quận, huyện, thị xã: Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoài Đức, Sơn Tây. Diễn tập phòng chống giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huyện Đan Phượng. Diễn tập chiến đấu trị an 20% số xã, phường, thị trấn.
Làm tốt việc thu hồi, xử lý các loại vũ khí, vật liệu nổ ngoài luồng. Tiến hành rà phá bom, mìn tại các dự án phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội và phục vụ dân sinh.
Tăng cường hoạt động của Ban quân dân y, kết hợp khám chữa bệnh cho nhân dân và chủ động xử lý các tình huống thảm họa, dịch bệnh môi trường.
Làm tốt công tác phối hợp hiệp đồng với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, góp phần xây dựng địa bàn an toàn vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện.
Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, giải quyết chế độ, chính sách với quân nhân, thân nhân liệt sỹ, thương binh, người có công với cách mạng và các đối tượng chính sách khác, động viên nhân dân và các lực lượng vũ trang tích cực tham gia các cuộc vận động đền ơn, đáp nghĩa, xóa đói, giảm nghèo.
4. Xây dựng lực lượng vũ trang, cơ quan quân sự địa phương vững mạnh:
Tập trung chỉ đạo xây dựng cơ quan quân sự địa phương các cấp, các lực lượng thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên vững mạnh.
Thực hiện nghiêm túc việc quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ quân sự cấp xã đến năm 2020. Tiếp tục thực hiện tốt chương trình đào tạo chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn; phối hợp làm tốt việc cử tuyển 80 đồng chí cán bộ tham gia đào tạo chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn khóa IX. Sắp xếp, bố trí đủ cán bộ Ban Chỉ huy quân sự cấp xã gồm 4 chức danh theo quy định của Luật Dân quân tự vệ, coi trọng sử dụng cán bộ đã qua đào tạo. Kiện toàn Ban Chỉ huy quân sự các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị của thành phố, quận, huyện, thị xã và cơ quan, tổ chức thuộc Bộ, ngành Trung ương trên địa bàn, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ Ban chỉ huy quân sự, cán bộ dân quân tự vệ, dự bị động viên theo phân cấp.
Tổ chức đăng ký công dân trong độ tuổi dân quân tự vệ, xét duyệt tuyển chọn và xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ nòng cốt đạt tỷ lệ từ 1,50 đến 1,65% so dân số, coi trọng chất lượng chính trị và độ tin cậy; chú trọng phát triển lực lượng tự vệ ở các loại hình doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài; rút kinh nghiệm việc tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động của lực lượng Dân quân thường trực ở quận Hoàn Kiếm; tiếp tục củng cố tổ chức tự vệ chuyên ngành y tế và tự vệ chuyên ngành giao thông. Xây dựng kế hoạch thực hiện Luật Dân quân tự vệ từ năm 2010 đến năm 2015. Tổ chức tốt Lễ Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống của lực lượng Dân quân tự vệ (28/3/1935 – 28/3/2010) từ cấp xã, cơ quan, tổ chức; cấp huyện, cấp thành phố, bảo đảm trang trọng, mang tính giáo dục cao, tiết kiệm, an toàn tuyệt đối về mọi mặt.
Nâng cao chất lượng huấn luyện của lực lượng vũ trang địa phương, bảo đảm đúng nội dung, chương trình, thời gian, quân số theo quy định. Chỉ đạo hội thao lực lượng vũ trang quận, huyện, thị xã. Tham gia các cuộc hội thi, hội thao do Bộ Quốc phòng tổ chức đạt kết quả cao.
Thường xuyên duy trì nghiêm túc các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu nắm chắc tình hình địa bàn, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, xử lý kịp thời các tình huống không để bị động, bất ngờ. Thực hiện nghiêm quy chế phối hợp giữa cơ quan quân sự và công an, giữa dân quân tự vệ với dân phòng, bảo vệ, nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chủ động lập phương án phòng chống bão, lụt, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống cháy nổ, cháy rừng, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai và các sự cố nghiêm trọng khác. Tham gia xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.
Hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch về tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ; huy động, tiếp nhận quân nhân dự bị kiểm tra sẵn sàng động viên, huấn luyện, diễn tập, tạo nguồn; thực hiện dự án động viên công nghiệp; xây dựng, điều chỉnh văn kiện kế hoạch động viên các cấp; thực hiện nghiêm việc đăng ký, quản lý nguồn sẵn sàng nhập ngũ, quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân và các cơ sở doanh nghiệp công nghiệp thuộc diện động viên công nghiệp; làm tốt công tác rà soát, sắp xếp tổ chức biên chế các đơn vị dự bị động viên, bổ nhiệm, miễn nhiệm, phong, thăng quân hàm và chi trả phụ cấp trách nhiệm gắn với quản lý đơn vị đối với quân nhân dự bị giữ chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên.
5. Tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về quốc phòng
Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, tổ chức tiếp tục quán triệt thực hiện Nghị định số 119/2004/NĐ-CP ngày 11/5/2004 của Chính phủ về công tác quốc phòng ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương.
Rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác quốc phòng. Ban hành đồng bộ các quyết định theo thẩm quyền về chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ khi Luật Dân quân tự vệ có hiệu lực thi hành, phù hợp với điều kiện của thành phố.
Tiến hành thanh tra, kiểm tra thực hiện công tác quốc phòng địa phương ở quận, huyện, thị xã, sở, ngành và cơ sở. Phối hợp với Cơ quan Thường trực công tác quốc phòng/Bộ Quốc phòng kiểm tra công tác quốc phòng ở một số bộ, ban, ngành Trung ương.
Chấp hành nghiêm túc quy chế giao ban, báo cáo, kiểm tra, sơ kết, tổng kết công tác quốc phòng theo Quyết định số 38/2005/QĐ-BQP ngày 06/4/2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
6. Bảo đảm ngân sách cho công tác quốc phòng địa phương
Bảo đảm ngân sách chi các nhiệm vụ quốc phòng địa phương, xây dựng doanh trại, công trình phòng thủ, phòng tránh, mua sắm trang bị, công cụ hỗ trợ cho lực lượng Dân quân tự vệ. Xây dựng kế hoạch bảo đảm lượng dự trữ hậu cần, kỹ thuật phục vụ nhu cầu thời kỳ đầu chiến tranh. Thực hiện nghiêm túc việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách đúng quy định pháp luật.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận, Huyện, Thị xã, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành Thành phố, triển khai thực hiện thực hiện đồng bộ, chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng địa phương năm 2010, định kỳ báo cáo kết quả về Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố và Bộ Quốc phòng đúng quy định./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Luật dân quân tự vệ năm 2009
- 2 Thông tư 108/2009/TT-BQP về thực hiện công tác quốc phòng ở các bộ, ngành và các địa phương năm 2010 do Bộ Quốc phòng ban hành
- 3 Quyết định 638/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh tại các nhà trường quân đội giai đoạn 2009 - 2015 và những năm tiếp theo do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Nghị định 116/2007/NĐ-CP về giáo dục quốc phòng - an ninh
- 5 Chỉ thị 04/2006/CT-UBND về nhiệm vụ quốc phòng địa phương năm 2006 do tỉnh Hải Dương ban hành
- 6 Luật Quốc phòng 2005
- 7 Quyết định 38/2005/QĐ-BQP về Quy chế giao ban, báo cáo, kiểm tra, sơ kết, tổng kết công tác quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành
- 8 Nghị định 119/2004/NĐ-CP về công tác quốc phòng ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương
- 9 Pháp lệnh Lực lượng Dự bị động viên năm 1996
- 10 Luật nghĩa vụ quân sự 1981