Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/CT-UBND

Hà Nội, ngày 04 tháng 01 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN "NĂM KỶ CƯƠNG HÀNH CHÍNH - 2013"

Năm 2013 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015), bám sát chỉ đạo của Chính phủ, của Thành ủy Hà Nội và các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội đã được Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua tại kỳ họp thứ 6 (khóa XIV), nhằm đổi mới mạnh mẽ công tác chỉ đạo, điều hành, UBND Thành phố xác định năm 2013 là "Năm kỷ cương hành chính": Tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, xử lý nghiêm các trường hợp quan liêu, sách nhiễu, gây phiền hà trong thực thi công vụ; tăng cường cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, doanh nghiệp theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại; tăng cường phân cấp trong quản lý đô thị và kinh tế - xã hội theo hướng rõ người, rõ việc, rõ địa chỉ trách nhiệm.

Để triển khai thực hiện tốt nội dung trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ thị:

1. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã:

- Chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai "Năm kỷ cương hành chính - 2013" tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình;

- Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm: Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày 26 tháng 02 năm 2007 của Bộ Nội vụ về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương; Chế độ họp của các cơ quan hành chính Thành phố ban hành kèm theo Quyết định 180/2006/QĐ-UBND ngày 28 tháng 9 năm 2006; Quyết định số 84/QĐ-UBND ngày 01 tháng 7 năm 2009 Quy định thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân tại các cơ quan quản lý hành chính nhà nước thuộc Thành phố Hà Nội; và chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố tại văn bản 9724/UBND-TH ngày 30 tháng 11 năm 2010 về nâng cao chất lượng các cuộc họp của UBND Thành phố; Quy chế làm việc của UBND Thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 26/2011/QĐ-UBND ngày 29 tháng 7 năm 2011; triển khai và thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 158/KH-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2012 của UBND Thành phố về rà soát thủ tục hành chính gắn với rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố Hà Nội;

- Rà soát, hoàn thiện hệ thống các văn bản: nội quy, quy chế làm việc, quy trình giải quyết công việc, đảm bảo thống nhất với các văn bản liên quan của Trung ương, Thành phố và phù hợp với tình hình của cơ quan, đơn vị; tổ chức quán triệt nghiêm túc các văn bản trên đến cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền và tự mình phải gương mẫu thực hiện;

- Phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho từng phòng, ban, bộ phận; từng cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo không trùng lắp, chồng chéo; mỗi công việc có một bộ phận hoặc cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp về tiến độ và kết quả thực hiện;

- Giảm số lượng các cuộc họp; tổ chức lồng ghép nhiều nội dung trong cùng một cuộc họp có cùng thành phần dự họp; tăng cường họp giao ban bằng hình thức trực tuyến; nội dung, thành phần và thời gian của các cuộc họp phải được thông báo trước 05 ngày (trừ trường hợp đặc biệt); tài liệu họp phải được gửi trước qua đường thư điện tử (email) đến các thành phần dự họp trước ngày họp ít nhất 03 ngày (không gửi lại tài liệu này tại cuộc họp), Phải cử người tham dự cuộc họp đúng thành phần được mời hoặc được triệu tập. Trường hợp người được triệu tập hoặc được mời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị không thể tham dự được thì phải báo cáo người chủ trì cuộc họp; trường hợp ủy quyền cho cấp dưới trực tiếp đi dự thay, thì vẫn phải chịu trách nhiệm về ý kiến phát biểu của người được ủy quyền tại cuộc họp;

- Đẩy mạnh các biện pháp thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và xử lý nghiêm, kịp thời, đúng quy định pháp luật các cơ quan, đơn vị cá nhân có hành vi vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính thuộc thẩm quyền quản lý;

- Chịu trách nhiệm cá nhân trước Chủ tịch UBND Thành phố về chất lượng và thời hạn thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND Thành phố;

- Chịu trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị về hành vi vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính của cấp dưới trực tiếp.

2. Đối với cán bộ, công chức, viên chức:

- Nâng cao nhận thức và thực hiện có trách nhiệm, nghiêm túc, đầy đủ các quy định của cơ quan về kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

- Từng cán bộ, công chức, viên chức chịu trách nhiệm cá nhân về chất lượng tham mưu, đề xuất trong lĩnh vực công việc được giao. Trường hợp tham mưu, đề xuất không hết trách nhiệm, trái quy định của pháp luật phải chịu trách nhiệm công vụ; trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng phải bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; quy định về bồi thường trách nhiệm nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan.

- Cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm báo cáo đến cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức nếu phát hiện việc thực hiện sai hoặc không đầy đủ, không đúng quy định của cán bộ, công chức, viên chức trong cùng cơ quan, đơn vị hoặc khác cơ quan, đơn vị nhưng có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ và chịu trách nhiệm cá nhân về những nội dung đã báo cáo.

- Đối với cán bộ, công chức, viên chức là người đứng đầu bộ phận, đơn vị chịu trách nhiệm đối với việc thực hiện các quy định của pháp luật, chỉ đạo của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố khi để cấp dưới trực tiếp có hành vi vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính.

3. Tổ chức Thanh tra, kiểm tra thực thi công vụ:

Để tăng cường kỷ cương hành chính, UBND Thành phố thành lập Bộ phận Thường trực thanh tra, kiểm tra thực thi công vụ, hoạt động thường xuyên theo chương trình, kế hoạch và thanh tra, kiểm tra đột xuất theo phản ánh, khiếu nại, tố cáo của cá nhân, tổ chức.

Bộ phận Thường trực Thanh tra, kiểm tra thực thi công vụ do Giám đốc Sở Nội vụ trực tiếp chỉ đạo, một đồng chí Phó Giám đốc Sở Nội vụ làm nhiệm vụ chuyên trách, thành viên gồm: một số cán bộ thuộc Sở Nội vụ, Thanh tra Thành phố, Sở Tư pháp, Văn phòng UBND Thành phố tham gia.

Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Chánh Thanh tra Thành phố khẩn trương đề xuất UBND Thành phố thành lập, ban hành Quy chế hoạt động của Bộ phận Thường trực thanh tra, kiểm tra thực thi công vụ và xây dựng Kế hoạch thanh tra, kiểm tra công vụ năm 2013, trình UBND Thành phố ban hành trong tháng 1 năm 2013.

Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trực tiếp chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra thực thi công vụ tại đơn vị, địa phương mình phụ trách.

4. Thanh tra Thành phố:

Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu giúp UBND Thành phố triển khai thanh tra công vụ đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức.

Căn cứ vào kết quả thanh tra để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật đối với cá nhân và tập thể có vi phạm; đề xuất Chủ tịch UBND Thành phố xem xét, xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thực hiện không nghiêm túc, thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị, để xảy ra các vụ việc tồn đọng, kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.

5. Sở Tư pháp:

Chủ trì, phối hợp với các sở, Ban, ngành rà soát các quy định hiện hành có liên quan đến kỷ luật, kỷ cương hành chính; tham mưu, trình UBND Thành phố ban hành các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở xem xét, xử lý các hành vi vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính.

6. Sở Thông tin và Truyền thông:

Xây dựng và ban hành quy định sử dụng phần mềm dùng chung, kết nối thông tin giữa các cơ quan, đơn vị trên mạng diện rộng của Thành phố.

7. Văn phòng UBND Thành phố:

- Tăng cường hỗ trợ, kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã thuộc Thành phố thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; sử dụng có hiệu quả hệ thống thư điện tử để trao đổi các loại văn bản hành chính gắn với việc giảm hội họp, giấy tờ hành chính.

- Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy chế làm việc của UBND Thành phố; yêu cầu giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chuẩn bị kỹ nội dung các báo cáo, tờ trình và có mặt tại các cuộc họp tập thể UBND Thành phố, các cuộc họp do Chủ tịch UBND Thành phố chủ trì, báo cáo Chủ tịch UBND Thành phố các trường hợp thực hiện không nghiêm, không đảm bảo chất lượng, thời gian theo chỉ đạo của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND Thành phố.

8. Đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy:

Chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền thông của Thành phố xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, thường xuyên thông tin để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính.

9. Sở Nội vụ:

Theo dõi tình hình và kết quả triển khai Chỉ thị này tại các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã; định kỳ hàng tháng tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND Thành phố.

Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành và Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này, định kỳ báo cáo UBND Thành phố trước ngày 20 hàng tháng (qua Sở Nội vụ để tổng hợp).

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng CP;
- Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp;
- TT Thành ủy, TT HĐND TP (để báo cáo);
- Chủ tịch, các PCT UBND TP;
- Ban Tuyên giáo Thành ủy;
- VP Thành ủy, VP Đoàn ĐBQH&HĐND TP;
- Các Sở, ban, ngành;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- Đài PTTH HN; các Báo: HNM, KT&ĐT, ANTĐ;
- CPVP, các đơn vị thuộc VP UBND TP;
- Lưu: VT, KSTTHC (2b).

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Thảo