Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/CT-UBND

Nghệ An, ngày 03 tháng 01 năm 2025

 

CHỈ THỊ

VỀ TỔ CHỨC PHONG TRÀO “TẾT TRỒNG CÂY ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN BÁC HỒ” NHÂN DỊP XUÂN ẤT TỴ, TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG NĂM 2025

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân ”, trong năm qua thực hiện các chính sách, pháp luật về Lâm nghiệp, Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/04/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021- 2025”, Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 06/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nhân dân toàn tỉnh đã hưởng ứng, tham gia tích cực phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng và tổ chức sản xuất lâm nghiệp đạt được nhiều kết quả quan trọng, thiết thực trên các mặt kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát huy vai trò đa dụng của rừng, cải thiện môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Năm 2024, mặc dù trong điều kiện chung còn nhiều khó khăn, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất là được sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận; toàn tỉnh đã trồng được trên 22.000 ha rừng trồng tập trung và hơn 8,9 triệu cây xanh phân tán, đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến lâm sản; khai thác trên 1,7 triệu m3 gỗ rừng trồng; bảo vệ tốt hơn 961.000 ha rừng hiện có; đảm bảo độ che phủ rừng duy trì 58%.

Năm 2025 là năm cuối thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Đề án trồng 1 tỷ cây xanh. Nhằm phát huy kết quả đã đạt được trong những năm qua, khắc phục khó khăn, tồn tại, hạn chế, chủ động tích cực chuẩn bị tổ chức tốt phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Ất Tỵ gắn với thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngay từ đầu năm 2025; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Giám đốc các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị, chủ rừng theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt các nội dung sau:

- Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ môi trường sinh thái; đẩy mạnh công tác trồng rừng thâm canh, gỗ lớn theo tinh thần Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 5/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng thâm canh chất lượng cao gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và công nghiệp chế biến lâm sản giai đoạn 2021-2025 góp phần giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách trong lâm nghiệp. Xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp năm 2025 theo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 29/NQ-CP ngày 08/3/2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và các quy định của pháp luật về Lâm nghiệp.

- Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn xử lý nghiêm minh, triệt để các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng cháy, chữa cháy rừng từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở, phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; rà soát, điều chỉnh bổ sung phương án phòng cháy, chữa cháy rừng của các đơn vị, chủ rừng; bố trí lực lượng, phương tiện, hậu cần sẵn sàng để xử lý tình huống cháy rừng xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ. Gìn giữ, duy trì và bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, các giá trị văn hóa lịch sử và môi trường trong hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ; nhất là bảo vệ, bảo tồn các loài động thực vật nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng.

- Xây dựng kế hoạch tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây” Xuân Ất Tỵ năm 2025 đảm bảo thiết thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. Thời điểm tổ chức phát động “Tết trồng cây” Xuân Ất Tỵ năm 2025 tốt nhất là vào những ngày đầu năm mới. Sau khi tổ chức “Tết trồng cây”, thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ cây trồng và diện tích rừng trồng hiện có để cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt; tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện "Tết trồng cây" và công tác trồng rừng, bảo vệ rừng tại địa phương, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân điển hình làm tốt. Tổng hợp báo cáo kế hoạch tổ chức và kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) theo quy định.

- Tăng cường công tác quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, chú trọng khâu chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp, cây bản địa, thâm canh rừng phù hợp với hệ sinh thái để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng; chuẩn bị cây giống chất lượng tốt và tăng tỷ lệ sử dụng giống mô, hom; tranh thủ thời vụ và thời tiết thuận lợi để trồng rừng đảm bảo tỷ lệ cây sống cao; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng gỗ lớn, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng; thực hiện chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng, phân công trách nhiệm quản lý cụ thể để cây trồng, rừng trồng phát triển tốt.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Theo dõi, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, chủ rừng triển khai Tết trồng cây phù hợp với từng địa phương, đơn vị đảm bảo hiệu quả, thiết thực, an toàn và tiết kiệm. Xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây Xuân Ất Tỵ năm 2025.

3. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An tăng cường thời lượng và đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi về mục đích, ý nghĩa “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ ” Xuân Ất Tỵ năm 2025, đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng và bảo vệ rừng.

4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội phổ biến, vận động các thành viên về Chỉ thị này, tham gia tích cực và giám sát quá trình thực hiện.

Yêu cầu Giám đốc các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chủ rừng, các tổ chức liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu QH tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các PCT UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thành, thị;
- Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Nghệ An;
- Lưu: VT, NN (TP, N.Toàn).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Đệ